(Xây dựng) - Mồng Tám tháng Ba, mưa xuân lay phay rắc bụi, những cội bàng già ngạo nghễ thắp lên những ngọn lửa xanh sáng rực góc trời, trong nhà chị cũng tràn ngập sắc hoa. Những bông hồng kiêu kỳ đủ sắc màu; phong lan, địa lan đua sắc; hoa ly trắng, hồng, vàng thơm ngào ngạt; cẩm tú cầu ánh biếc vầng trăng; rồi đồng tiền, phăng, cúc họa mi, baby, lan tường, hướng dương tỏa nắng…“Con gái là bông hoa trong nhà, từ lúc mở mắt thức dậy đến khi nhắm mắt đi ngủ, con hãy cười tươi như hoa, đem niềm vui cho ông bà, cha mẹ và có vậy sau này mới sướng cái thân và thêm phần xinh đẹp con ạ!”...Lời dặn dò của bà như ngân vang trong tai chị. Nụ cười lấp lóa răng đen và ánh mắt lấp lánh của bà chợt hiện lên...
Bà chị có đến bảy người con gái, ngoài mấy cậu con trai thông minh, đẹp đẽ. Cô con gái nào của bà cũng dịu dàng, xinh đẹp, da trắng, tóc dài, cần cù, đảm đang và đoan trang nhất mực. Phải chăng bà cũng đã dạy con những điều bà nói với chị sau này: Con gái phải đoan trang, thùy mỵ, có chí lớn học hành như nữ tú tài giả trai đi thi; Đói cho sạch, rách cho thơm, dù sau này trong túi con có lúc không có một xu cũng phải sống đàng hoàng. Nghèo mà có cái đầu, biết sống, vẫn sang con ạ; Cao quý nhất là nghề làm thầy, các con cứ theo ba nghề: Thầy thuốc, thầy giáo và thầy cãi, thế cuộc nào cũng sống được; Nhất nghệ tinh nhất thân vinh con ạ, con cứ yêu lấy nghề rồi nghề sẽ yêu con, rồi có lúc con được vẻ vang dù đường đời lúc này còn lắm chông gai, khổ ải….
Bà còn dạy con cháu hái lá thơm làm thuốc, đun nước gội đầu. Nước gạo không chỉ nuôi lợn mà có thể ngâm tay, rửa mặt cho đẹp da, ủ tóc cho đen mượt. Mùa hanh hao giá rét, ngoài dùng nước gạo còn bỏ thêm chút muối vào nước mỗi khi rửa mặt, ngâm chân thì da không bao giờ nứt nẻ; cách giữ gìn đôi bàn tay búp măng dù phải khó nhọc làm ăn…
Chiến tranh, loạn lạc đã cướp đi nhiều mộng ước của bà, một người phụ nữ sớm mồ côi, xuất thân từ một gia đình Nho học đầu thế kỷ XX. Đói rét, thất học, những cuộc chạy càn liên miên nơi rừng thiêng nước độc... Một mình bà gánh nặng cả một gia tộc lớn. Mẹ con, anh chị em làm đủ nghề để sống trong bom đạn, đau thương. Một cô con gái xinh đẹp 16 tuổi của bà đã ngã xuống sau làn đạn từ máy bay Pháp, như mang theo cả trái tim bà.
Nhưng nỗi đau dai dẳng nhất mà bà chịu đựng suốt mấy chục năm trời là xa cách hai cô con gái đầu thường đóng làm tiên nữ trong những lễ hội vùng miền rồi phải theo chồng vào Nam. Hai miền chia cắt, không một cánh thư về. Thuở nhỏ, chị nhiều lần thấy bà lén lấy ống tay áo lau mắt khi những bài hát về miền Nam vang lên da diết, khi bà hát ru cháu ngủ những bài ca về thân cò, thân vạc lặn lội bờ sông… Những đứa con khác còn lại của bà dù có đức có tài, giỏi giang trên nhiều lĩnh vực nhưng lý lịch họ nhà quan, lại có chị em bên kia bờ giới tuyến nên phận thiệt thòi là không tránh khỏi. Khi đứa con gái út xinh đẹp của bà vào chiến trường, cặp mắt bà lúc chiều buông chưa bao giờ hết loáng nước suốt những tháng năm dằng dặc đó. Bao nhiêu tình yêu, mộng ước dành cho những đứa con, giờ đây bà dồn hết cho đàn cháu nhỏ.
Sau năm 1975, đất nước thống nhất được ít năm, các con gái của bà lần lượt trở về, nức nở trong vòng tay mẹ. Lần thứ nhất về, mẹ nhận ra con. Mấy lần sau về, mẹ nhìn những mái đầu bạc phơ gọi các con là chị. Các con thấy mẹ nói “ Các chị đến thăm em à?” mà nụ cười chợt méo, nước mắt rơi.
Đến bây giờ nghĩ lại, chị vẫn chưa hết ngạc nhiên về bà ngoại diệu kỳ sống gần trăm tuổi của mình lấy đâu sức mạnh để làm chỗ dựa cho con cháu suốt thời kỳ khói lửa của mấy cuộc kháng chiến chống Nhật, chống Pháp rồi chống Mỹ. Một hành trình khủng khiếp vắt gần hết cả đời người.
Hình ảnh của bà nhỏ bé, thoăn thoắt, cặp mắt tinh anh ánh cười, răng đen nhưng nhức hạt na, đào hầm, trát vách, làm nhà thoay thoáy trong những lần sơ tán không bao giờ phai trong tâm chị. Những bữa cơm độn sắn, khoai, ngô, đậu, bánh đúc, tương cà, con cua, cái tép, nắm rau tập tàng bà nấu... mãi mãi là những món sơn hào hải vị ngon nhất mà chị được thưởng thức trong đời. Còn những bài ru, câu Kiều bà lẩy, những truyền thuyết, cổ tích bà kể, cả những câu hát ghẹo, hát đúm, chuyện tiếu lâm dí dỏm đến những truyện Nôm khuyết danh bác học Tống Trân - Cúc Hoa, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Nữ Tú tài…mà bà kể vẫn cứ đi về trong những giấc mơ của chị từ thuở hoa niên đến giờ.
Chị nhớ bà vắt vẻo ngồi trên mái lợp tranh. Chị nhớ bà cùng đàn cháu đùa nghịch dầm chân trong đất bùn rơm trát vách. Chị nhớ cái hầm tránh bom nào bà cũng khoét thêm một ngách nhỏ để sách cho mẹ con chị đọc quên tiếng đạn rơi, bom nổ. Nhớ tiếng võng kẽo kẹt nhịp theo tiếng bà ru. Nhớ những chiếc bánh chưng nhỏ xinh luồn lạt xách, bà làm riêng cho các cháu nhỏ. Nhớ hương lá mùi thơm ngát chiều cuối năm bà tắm gội cho một lũ tiểu yêu làm ướt cả lưng bà. Nhớ những ngày hè oi ả bà không ngừng tay quạt. Nhớ những đêm đông bà ủ ấm tay chân… Nỗi nhớ thăm thẳm, khôn cùng…
Bao năm tháng đã trôi qua. Lại thêm một mùa xuân nữa. Tiếng chim vịt lại gọi về da diết. Rặng bằng lăng thân đen mốc đang đổ lá thay mùa. Lộc vừng vươn lộc đỏ. Hương xoan, hương bưởi vấn vít đường quê… Hương tháng Ba… Tháng Ba dịu ngọt dâng hương...
Chị đang đắm mình trong làn hương ấy dù quanh chị nồng nàn hương ly, hương hồng, hương lan mê đắm. Chị nhớ những bông sim, bông mua tím đằm nỗi nhớ bà hái vội cho chị lúc ở đồng về. Nhớ cành mẫu đơn trắng muốt thơm tinh khiết hay đỏ như lửa cháy trên đĩa hoa cúng của bà. Nhớ làn hương trầm vấn vít quanh bà đêm giao thừa và những câu Kiều bà ngân nga sau một ngày lo toan vất vả:
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…”
Chị chợt thèm nghe một khúc hát ru. Đã lâu rồi những bà mẹ trẻ dường như không còn ru con nữa. Xung quanh chị, những lẵng hoa đẹp ngời ngợi. Muôn sắc hoa bừng nở, ngạt ngào đưa hương. Ngoài kia, chợt tí tách tiếng mưa rơi...
Bùi Thanh Hà
Theo