(Xây dựng) – Ngày 28/11, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định đồ án Quy hoạch chung đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045. Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị. |
Đô thị trung tâm phía Đông Bắc của vùng Thủ đô
Tại Hội nghị, đơn vị tư vấn đã trình bày tóm tắt nội dung đồ án Quy hoạch chung đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045. Theo đồ án, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thành phố Bắc Giang và huyện Yên Dũng hiện hữu.
Về ranh giới, phía Đông giáp huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang và thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương; phía Tây giáp huyện Việt Yên; phía Nam giáp huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh (sông Cầu); phía Bắc giáp huyện Lạng Giang và huyện Tân Yên. Diện tích lập quy hoạch khoảng 25.830ha, trong đó thành phố Bắc Giang 6.656ha, huyện Yên Dũng 19.174ha.
Đồ án được thực hiện nhằm cụ thể hoá các định hướng chiến lược của Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành có liên quan để xây dựng, phát triển đô thị Bắc Giang trở thành một đô thị trung tâm, cửa ngõ quan trọng phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội.
Đến năm 2030, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phù hợp với Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị.
Đồng thời, phấn đấu xây dựng đô thị Bắc Giang trở thành đô thị loại I (trong đó sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính huyện Yên Dũng vào thành phố Bắc Giang); làm cơ sở lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và quản lý phát triển đô thị, đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung của đô thị theo quy hoạch.
Về tính chất đô thị, đô thị Bắc Giang là đô thị trung tâm phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp vận - trung chuyển hàng hóa của vùng Thủ đô, vùng đồng bằng với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn); đầu mối kinh doanh - thương mại quan trọng với các tỉnh Đông Bắc của vùng trung du và miền núi phía Bắc; là đô thị loại I (thành phố trực thuộc tỉnh), trung tâm hành chính - chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh Bắc Giang.
Đây cũng là đô thị xanh và thông minh, trung tâm phát triển của vùng trọng điểm kinh tế với động lực phát triển chính là công nghiệp, dịch vụ, đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch - nghỉ dưỡng; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh.
Đến năm 2030, dự báo dân số đô thị Bắc Giang khoảng 472.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 370.000 người. Đến năm 2045, dân số đô thị Bắc Giang khoảng 666.000 người, dân số nội thị khoảng 596.000 người. Về đất đai, đến năm 2030, đất dân dụng khoảng 4.100 ha. Đến năm 2045, đất dân dụng khoảng 5.960 ha.
Phát triển theo mô hình đô thị đa cực - đa trung tâm
Về tầm nhìn, chiến lược phát triển đô thị, đô thị Bắc Giang sẽ trở thành một thành phố xanh và thông minh với các trung tâm chuyên ngành cấp vùng và quốc gia, hỗ trợ phát triển liên vùng; Là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, khoa học kỹ thuật, du lịch và giáo dục của tỉnh có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; một đô thị có môi trường sống tốt, gắn với cảnh quan thiên nhiên.
Đô thị Bắc Giang phát triển theo mô hình đô thị đa cực - đa trung tâm theo nét đặc trưng riêng của từng khu vực với nhiều trung tâm khác nhau, có tính chất độc lập hoặc phụ thuộc lẫn nhau.
Đô thị sẽ phát triển ba cực tâm đô thị hiện hữu (thành phố Bắc Giang, thị trấn Nham Biền, thị trấn Tân An) và tạo ra bản sắc riêng biệt của từng khu vực. Phát triển cấu trúc đô thị dựa vào các yếu tố tự nhiên, lấy núi Nham Biền và dòng sông Thương làm trung tâm và tác động ngược trở lại sự phát triển đô thị.
Không gian đô thị Bắc Giang định hướng phát triển theo mô hình 3 cực phát triển đô thị và các trung tâm kết nối thông qua 3 hành lang giao thông là các tuyến đường vành đai. Các trung tâm đô thị phát triển dựa trên cấu trúc khung tự nhiên với trái tim là núi Nham Biền và dòng sông Thương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích tiếp thu ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định. |
Trên cơ sở kế thừa các phân khu và hướng phát triển đô thị đa trung tâm, khu vực nội thị của đô thị Bắc Giang được chia thành 9 phân khu đô thị và 1 khu vực dân cư nông thôn.
Trong đó gồm: Khu đô thị trung tâm hiện hữu; khu đô thị phức hợp, trung tâm mới đa năng; khu đô thị đầu mối - thương mại dịch vụ; khu đô thị phía Tây Bắc; khu đô thị sinh thái phía Bắc; khu đô thị cửa ngõ phía Đông; khu du lịch sinh thái núi Nham Biền; khu đô thị sáng tạo và sản xuất; khu vực hành lang xanh, công viên vui chơi giải trí dọc sông Thương.
Thiết kế đô thị, kiến trúc phải mang nét đặc trưng riêng
Về cơ bản, các thành viên Hội đồng thẩm định nhất trí cao với nội dung đồ án Quy hoạch chung đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045. Tuy nhiên, các thành viên cũng đóng góp thêm một số ý kiến để giúp đơn vị tư vấn và địa phương bổ sung, hoàn thiện.
Theo đó, tỉnh Bắc Giang cần làm rõ tính kế thừa quy hoạch ngành quốc gia; lưu ý chỉ tiêu đất cây xanh, đất dịch vụ, đất trường học, đất công cộng; nên định hình kiến trúc cho đô thị; cần có gợi mở thiết kế đô thị 2 bên bờ sông Thương; phối hợp sử dụng hiệu quả quỹ đất quốc phòng an ninh; rà soát các nội dung liên quan đến cao tốc, hệ thống đường sắt kết nối các vùng lân cận; rà soát quy hoạch sử dụng đất; nêu cụ thể hơn các nguồn lực để phát triển; lưu ý về sắp xếp đơn vị hành chính; đặt các trung tâm dữ liệu nghiên cứu để phát triển kinh tế số, hạ tầng số; cập nhật về đô thị thông minh…
Thay mặt UBND tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch Lê Ô Pích đã giải trình cụ thể các nội dung mà Hội đồng thẩm định quan tâm như việc sáp nhập đơn vị hành chính; phân loại đô thị; đất rừng phòng hộ. Các đơn vị của tỉnh và đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trên cơ sở tiếp thu ý kiến. Tỉnh Bắc Giang sẽ tích cực phối hợp với tư vấn để hoàn thiện nội dung của đồ án.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Bắc Giang trong việc lập quy hoạch. Đồ án Quy hoạch chung đô thị Bắc Giang có chất lượng tốt, thể hiện rõ các nội dung về đô thị xanh, thông minh và định hướng phát triển đô thị.
Để tiếp tục hoàn thiện đồ án, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị tỉnh Bắc Giang cần làm nổi bật nội dung mở rộng không gian phát triển cho đô thị hiện hữu; rà soát căn cứ chính trị, pháp lý liên quan; nhấn mạnh mối quan hệ giữa thành phố Bắc Giang đối với các đô thị vệ tinh, đặc biệt là Hà Nội.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Tỉnh cần rà soát đánh giá hiện trạng trên 3 góc độ quy hoạch, dự án và đất đai; rà soát tính pháp lý của các dự án; dự báo dân số phù hợp, rà soát sự gia tăng dân số cơ học; lưu ý về quy chuẩn đối với chỉ tiêu đất dân dụng; cần phải có cơ sở pháp lý chuyển đổi đất rừng; phải đánh giá, rà soát chỉ tiêu, yêu cầu phát triển đô thị; xác định rõ khu vực nội thị, ngoại thị…
Đồng thời, tỉnh cần đề xuất phương án thiết kế không gian, kiến trúc mang nét đặc trưng của khu vực; làm rõ định hướng phát triển cho từng phân khu và đặc trưng, đặc thù khu vực dân cư nông thôn; phát triển hệ thống giao thông kết nối giữa vùng hiện hữu với vùng mở rộng, kết nối giữa Bắc Giang và các đô thị xung quanh; phát triển giao thông đường sắt; quan tâm quy hoạch không gian ngầm…
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, sớm hoàn thiện hồ sơ đồ án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Yến Mai
Theo