Thứ sáu 08/11/2024 00:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thế giới /

Xây dựng công trình xanh: Kinh nghiệm từ các quốc gia dẫn đầu

19:08 | 16/11/2020

(Xây dựng) - Xu hướng công trình xanh được nhen nhóm từ những năm 1990 nhằm hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm sử dụng tài nguyên nước và vật liệu cũng như giảm thiểu tác động môi trường, đảm bảo điều kiện sống cho cộng đồng. Trải qua hơn hai thập kỷ, làn sóng này đã và đang lan rộng tới nhiều khu vực trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu từ báo cáo “Xu hướng công trình xanh thế giới 2016”, thị trường công trình xanh đang mở rộng tầm ảnh hưởng tới rất nhiều quốc gia mà nổi bật hơn cả là các nước đang phát triển.

Sơ đồ tổng thể công trình xanh của Singapore

Singapore nằm ở phía Nam bán đảo Malay, cửa Đông eo biển Malacca, là một quốc đảo nhỏ bé gồm đảo lớn và 63 hòn đảo nhỏ với tổng diện tích 714km2, dân sô 5,18 triệu người. Là một nước có nguồn tài nguyên thiếu thốn nghiêm trọng, tuy nhiên Singapore lại có ý thức cực kỳ mạnh mẽ về tiết kiệm năng lượng giảm phát thải cũng như phát triển bền vững. Từ chính phủ cho tới người dân đô thị, ai nấy cũng đều có một kiểu ý thức xanh khi đều coi bảo vệ môi trường sinh thái và tiết kiệm năng lượng là trách nhiệm của bản thân. Trong phương diện xây dựng đô thị, Singapore luôn tập trung nỗ lực thúc đẩy xây dựng xanh, là một trong những quốc gia bắt đầu xây dựng xanh hóa sớm nhất, là nước đứng thứ 3 toàn cầu về công trình xanh.

xay dung cong trinh xanh kinh nghiem tu cac quoc gia dan dau
Singapore trở thành “đầu tàu” kiến trúc xanh của châu Á.

Singapore có rất nhiều thành tựu trong lĩnh vực xây dựng xanh. Trong đó, biện pháp sơ đồ tổng thể công trình xanh do Cục Xây dựng Singapore đưa ra không thể không nhắc tới. Giai đoạn đầu chỉ tập trung cho xây dựng mới, sau đó chú trọng đi sâu xây dựng mới kết hợp cải tạo các công trình đã có, tiếp đến đưa ra các cơ chế khích lệ, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng đồng bộ tương ứng.

Sơ đồ tổng thể công trình xanh giai đoạn 1 (đưa ra vào năm 2006, chủ yếu mở rộng chứng nhận công trình xanh đối với các công trình mới xây). Theo đó, từ 1/4/2007, trên 5.000m2 dành cho các công trình đầu tư của Chính phủ và các công trình cải tạo, mở rộng xây dựng quy mô lớn bắt buộc phải có cấp chứng nhận tiêu chí xanh, điều này đã thúc đẩy sự hình thành của thị trường công trình xanh. Trong vòng 5 năm, 50 triệu đôla Singapore trong quỹ nghiên cứu và phát triển được sử dụng để thúc đẩy đổi mới kỹ thuật công trình xanh. Nhờ đó, từ năm 2006 đến năm 2009, tổng cộng đã có 102 hạng mục đoạt giải thưởng về công trình xanh.

Sơ đồ tổng thể công trình xanh giai đoạn 2 (ra đời năm 2009, đưa ra “6 chiến lược lớn” thúc đẩy hơn nữa công trình xanh). Cụ thể, các hạng mục công cộng của Chính phủ đứng đầu trong danh sách đạt tiêu chí xanh ở cấp độ cao. Thông qua cơ chế khích lệ, khen thưởng để khuyến khích các nhà khai thác tư nhân xây dựng các công trình xanh có hiệu quả năng lượng cao, cấp độ cao, đạt chứng nhận hạng mục có cấp Vàng và Bạch kim về tiêu chí xanh, có thể đạt giải thưởng cao nhất lên tới 1% và 2% diện tích xây dựng.

Sơ đồ tổng thể công trình xanh giai đoạn 3 (ra đời năm 2014, tạo sách lược cho các quy hoạch và phát triển có liên quan trong 5 tới 10 năm tới). Theo đó, Cục Xây dựng Singapore cam kết đưa ra khoản tiền 120 triệu đô la Singapore cho việc đẩy nhanh tốc độ cải thiện tiết kiệm năng lượng trong các công trình hiện có. Singapore kế hoạch thực hiện mục tiêu có 80% công trình xanh vào năm 2030. Thiết lập khoản trợ cấp 50 triệu đô la Singapore cho kế hoạch giải thưởng tiêu chí công trình xanh, hỗ trợ các chủ đầu tư vừa và nhỏ cũng như người thuê nhà tại các công trình và địa điểm hiện có sử dụng các thiết bị xanh, tiết kiệm năng lượng.

Xu hướng chung của nhiều quốc gia

Ngoài Singapore, một số nước trên thế giới đã xây dựng thành công các đô thị xanh, đô thị sinh thái, như: Curitiba (Brazil), Thanh Đảo, Bắc Hải (Trung Quốc), Stockholm (Thụy Điển), Freiburg (Đức), Alexandria, Virginia (Mỹ)…

xay dung cong trinh xanh kinh nghiem tu cac quoc gia dan dau
Nhà máy bia và quán rượu ở thị trấn không có rác thải Kamikatsu (Nhật Bản) chính là một Công trình Xanh.

Nhật Bản có những thành phố sinh thái nổi tiếng như: Kawasaki, Kitakyushu và các thành phố này đang nỗ lực để trở thành thủ đô sinh thái toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư xây dựng thành phố DongTan (Thượng Hải) từ vùng đầm lầy bỏ hoang, nằm ở Chongminh trở thành một thành phố sinh thái tiêu biểu, không CO2 đầu tiên trên thế giới.

Đặc điểm chung của các khu đô thị sinh thái này là các tòa nhà thường được xây dựng theo mô hình thấp tầng, mái nhà phủ cỏ và cây xanh để cách nhiệt, phương tiện đi lại trong khu đô thị là xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch, xe đạp hoặc xe chạy điện.

Tại thành phố sinh thái Kitakyushu (Nhật Bản) mọi hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường từ các ngành Công nghiệp nặng cho đến công nghiệp nhẹ. Nhưng các doanh nghiệp đều được cơ quan quản lý kiểm tra mức độ ảnh hưởng đến môi trường khi xây dựng nhà máy và sản xuất tại đây. Nếu không đảm bảo vấn đề môi trường sẽ không được cấp phép, ngược lại các đơn vị đạt tiêu chuẩn sẽ được Nhà nước hỗ trợ. Chính vì thế, thành phố này đã cắt giảm được 2.000 tấn CO2/năm.

Seoul của Hàn Quốc là một hình mẫu về cải tạo hạ tầng xanh. Trong vòng 30 năm, Seoul liên tục thực hiện các dự án cải tạo cấu trúc đô thị, phát triển không gian công cộng và cung cấp cơ sở hạ tầng theo hướng tăng cường cây xanh. Nhiều công viên lớn được xây dựng dọc theo hai bên bờ sông Hàn nhằm sửa chữa những sai lầm trong quy hoạch trước đây. Tính đến nay, 40km dọc đôi bờ sông Hàn có 12 công viên lớn bao gồm hồ nước, đảo chim, rừng cây cổ thụ, sở thú...

Tận dụng mọi không gian để trồng cây, chính quyền Seoul cũng đã biến một cây cầu vượt cũ được xây dựng vào năm 1970 thành một công viên trên cao rất ấn tượng. Công viên có tên Seoullo 7017 với hơn 24 nghìn cây xanh. Trong tương lai, khu vực này dự kiến sẽ được xây dựng thành một nơi ươm mầm xanh cho Seoul.

Cần sự dẫn dắt từ Chính phủ

Có thể khẳng định, phát triển công trình xanh là sách lược chủ đạo giúp Singapore hóa giải áp lực về tài nguyên và môi trường trong nước, thực hiện phát triển bền vững.

Hạt nhân của mô hình công trình xanh tại Singapore là sự dẫn dắt của chính phủ. Từ năm 2007, chính phủ Singapore đã bắt đầu làm hình mẫu dẫn dắt toàn đất nước đi theo con đường xây dựng xanh. Năm 2009, tất cả công trình có diện tích từ 5.000m2 trở lên đều phải đạt cấp Bạch kim, tức là tiết kiệm từ 30% năng lượng trở lên. Trong các công trình hiện có của Chính phủ, khi diện tích dành cho điều hòa vượt trên 10 nghìn m2 bắt buộc phải đạt trên cấp Vàng trong tiêu chí công trình xanh trước năm 2020.

xay dung cong trinh xanh kinh nghiem tu cac quoc gia dan dau
Phát triển công trình xanh cần sự dẫn dắt từ Chính phủ các nước.

Đồng thời, từ năm 2005, Chính phủ Singapore đã sớm đưa ra kế hoạch tiêu chí “công trình xanh”, tiến hành chấm điểm đối với thiết kế môi trường của các công trình xây dựng, đưa ra 4 cấp giải thưởng đối với các thiết kế xây dựng phù hợp tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, Singapore cũng tăng cường tuyên truyền giáo dục dưới nhiều hình thức khác nhau. Tại các cộng đồng dân cư, mỗi tuần đều bố trí các buổi tọa đàm về các chủ đề xây dựng xanh, bảo vệ môi trường sinh thái; Tại các phòng triển lãm bố trí các trò chơi đa phương tiện về công trình xanh, giúp người dân được gợi mở và giáo dục trong niềm vui, hạnh phúc; Tiến hành giáo dục về công trình xanh hết sức tinh tế từ cấp học mầm non nhằm tạo ý thức cao về công trình xanh trong quần chúng nhân dân.

Tại Malaysia, năm 2005, quốc gia này đã cho ra đời Công cụ đánh giá GBI (GBI Rating Tool). Chỉ trong vòng 10 năm, số lượng công trình xây dựng đăng ký đánh giá công trình xanh lên tới 800 công trình và đã có 400 công trình nhận được chứng nhận công trình xanh. Có được điều này là nhờ Malaysia học được những kinh nghiệm của Singapore, hơn nữa các điều kiện quy chuẩn áp dụng ở các công trình nghiêm ngặt hơn. Chính phủ Malaysia đã có những động thái khuyến khích các công trình xanh và ủng hộ Bộ công cụ nội địa GBI.

Ở Pháp, Luật Cảnh quan xanh đã tồn tại từ năm 1993 - công cụ pháp lý đầu tiên dành cho chủ đề bảo vệ và tăng cường chất lượng các khu vực cảnh quan xanh. 29 năm sau, luật tiếp cận nhà ở và cải tạo đô thị (viết tắt là ALUR) ra đời, đã tăng cường tính phương pháp để các quan tâm cảnh quan xanh đi vào quy trình lập quy hoạch. Với Luật ALUR, mục tiêu của quy hoạch cảnh quan xanh được mở rộng. Luật ALUR đã thống nhất cách hiểu về cảnh quan xanh trong hệ thống quy hoạch. Đối với quy hoạch vùng tỉnh, Điều L122-1-4 của Luật ALUR yêu cầu đồ án phải thể hiện việc “sử dụng tiết kiệm các vùng tự nhiên, bảo vệ các khu vực bị ảnh hưởng bởi hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp và bảo vệ các khu vực cảnh quan thiên nhiên”.

Đoàn Huyền

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load