(Xây dựng) - Tại Tọa đàm “Nâng cao năng lực cạnh tranh – kiến tạo tương lai thịnh vượng” do Hội Môi giới bất động sản tổ chức ngày 25/6, với sự góp mặt của các chuyên gia, diễn giả bàn về việc xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ cạnh tranh của các công ty môi giới tạo ra lợi thế cạnh tranh cho nhà môi giới, sàn môi giới.
Các diễn giả tại buổi tọa đàm “Nâng cao năng lực cạnh tranh – kiến tạo tương lai thịnh vượng”. |
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam: “Hàng năm có hàng triệu giao dịch bất động sản được thực hiện thông qua các môi giới bất động sản. Họ đã đóng một vai trò kết nối giữa người bán và người mua. Kết nối giữa các dự án bất động sản, các công trường với người tiêu dùng, các nhà đầu tư và có thể nói một giá trị rất lớn hàng triệu tỷ đồng đã được giao dịch thành công qua các vai trò của người làm nghề môi giới”.
Ông Nguyễn Trí Vĩnh - Phó Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam năng động và có nhiều động lực phát triển nhất châu Á, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm. Bất động sản được dự báo triển vọng rất tích cực trong 20 năm tới do mức độ đô thị hóa vẫn ở mức thấp và đang diễn ra mạnh mẽ, nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hạ tầng cơ bản còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng.
Trong đó, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, số dân đô thị 44 triệu người, chiếm 45% dân số. Việt Nam có 862 đô thị. Năm 2025 dự báo tăng lên 52 triệu người, chiếm 50% dân số, với khoảng 1.000 đô thị.
Trong đó có ít nhất một siêu đô thị trên 10 triệu dân, 5 đô thị 5-10 triệu dân. Dự báo giai đoạn 2050-2070 tỉ lệ dân đô thị sẽ đạt tới 70-75%. Mức độ đô thị hóa của Đông Nam Á, theo dự báo của OECD sẽ lên tới trên 90% vào năm 2070.
Bên cạnh đó, hạ tầng Việt Nam cũng đang trong quá trình phát triển, nhu cầu nhà ở đô thị bình quân tăng. Song, thị trường cũng đang đối diện với nhiều thách thức khi quy mô ngày càng tăng và với tốc độ ngày càng nhanh, tính minh bạch, tính chuyên nghiệp, tính hợp tác, tính bền vững, tính hiệu quả, khả năng đo lường hiệu quả hoạt động đòi hỏi ngày càng cao hơn.
Bộ chỉ số đánh giá mức độ cạnh tranh của các công ty/cá nhân môi giới dựa trên 4 nhóm tiêu chí chính gắn với 3 mục tiêu kinh doanh. Tạo ra lợi thế cạnh tranh ngang bằng, nhóm tiêu chí “Hệ thống vận hành” cho biết, những tiêu chí bắt buộc doanh nghiệp phải có để có thể hoạt động trong ngành; Tạo ra lợi thế cạnh tranh tạm thời, nhóm tiêu chí “Vị thế thị trường” và ”Vốn nhân lực” cho thấy, doanh nghiệp có khả năng hoạt động hiệu quả hơn trên thị trường trong một thời điểm; Tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững, nhóm tiêu chí “Đổi mới sáng tạo” cho thấy doanh nghiệp có những lợi thế cạnh tranh khác biệt mà các đơn vị môi giới khác khó có thể tạo ra trong thời gian ngắn.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần G-Home: “Chúng ta cần có một chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Chúng ta cần hiểu về chuyên môn về đạo đức của nghề này. Chính các Hiệp hội như có thể chứng thực được ai là môi giới bất động sản chân chính”.
Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ thống nhất các tiêu chí đánh giá thông qua các chuyên gia và ủy viên uy tín trong Hiệp hội bất động sản, sử dụng bộ tiêu chí để đánh giá hoạt động của các công ty theo năm đồng thời xúc tiến các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp thành viên.
Kiến Tài
Theo