Thứ năm 07/11/2024 00:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Vua Gia Long và kinh thành Huế

11:58 | 13/10/2010

Năm 1801, sau 27 năm cay đắng gian truân lưu lạc, với không ít lần gần như tuyệt vọng, chúa Nguyễn - Nguyễn Phúc Ánh - trở về Phú Xuân trong tư thế kẻ chiến thắng, làm chủ cả một quốc gia thống nhất từ Lạng Sơn đến Cà Mau.


Ngọ Môn.

Đứng trước thủ phủ Phú Xuân bị tàn phá bởi bao cuộc giao tranh, việc đầu tiên ông nghĩ đến là phải xây dựng lại Phú Xuân thực hiện trọn vẹn ước mơ của bao đời chúa Nguyễn, xác định một kinh đô, xác lập một vương triều hoàn chỉnh cho dòng họ mình.

Chọn Phú Xuân làm đất định đô, đặt niên hiệu Gia Long (mà có người cho rằng đó là ý nghĩa của phép cộng 2 miền đất nước: Gia Định - Thăng Long) với hàm ý, đảm nhận trách nhiệm quản lý đất nước có diện tích trên 33 vạn km2 từ vĩ tuyến 8030 đến 23022 Bắc, một cương thổ chưa bao giờ rộng lớn đến thế, từ trước đến nay.

Để xứng đáng với tất cả những điều đó, Gia Long đã xác lập một quy mô kinh đô Huế bề thế và hoàn chỉnh đến từng chi tiết, tạo nên một phong cách kiến trúc Nguyễn đến tận bây giờ vẫn còn nhiều điều khiến ta bất ngờ.

Việc xây dựng kinh đô Huế bắt đầu những bước chuẩn bị từ năm 1802, ngay sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi bằng những toan tính rất tỉ mỉ thể hiện một tài năng kiến trúc tuyệt vời của vua Gia Long trong quy hoạch kinh đô Huế, một tầm nhìn khiến cho hậu thế mãi kinh ngạc dù cách đây đã trên 200 năm.

Đúng như đánh giá của UNESCO, hiếm có một kinh đô nào trên thế giới được xây dựng trong sự hòa trộn với thiên nhiên tuyệt mỹ đến thế. Dòng sông Hương êm đềm và trong xanh giống như một dải lụa mềm vắt qua phía trước kinh thành, là “Minh đường”, là biểu tượng của thanh bình. Núi Ngự Bình cách bờ Nam sông Hương 2km, có dáng một hình thang cân đứng độc lập trên trục hướng kinh đô, được chọn làm Tiền án. Cồn Hến và cồn Dã Viên (2 cù lao trên sông Hương) giữ thế “rồng chầu hổ phục – tả thanh long, hữu bạch hổ”, vừa sơn thủy hữu tình, vừa đáp ứng mọi yêu cầu về địa lý phong thủy trong quan niệm đất định đô xưa.

“Kinh sư thống hội cả núi biển, ở giữa Bắc - Nam, khí hậu ôn hòa, núi sông tốt đẹp. Đường biển có tấn Thuận An, tấn Tư Hiền làm nơi hiểm yếu. Đường bộ có ải Quảng Bình, Hải Vân quan làm cho cách trở. Sông lớn bao la ở trước, núi cao hộ vệ ở sau. Ba nguồn Bồ Trạch quanh chảy 2 bên. Đầm Thanh Lam, đầm Tam Giang, đầm Hà Trung làm then khóa cửa ngõ. Địa thế hùng tráng như rồng lượn quanh co, hổ ngồi chỉnh chệ, thật là bụng rốn của trời đất, thượng đô của Đế vương vậy” (Đại Nam nhất thống chí)

Từng ấy ý tổng kết về vị thế của kinh đô Huế, tưởng cũng đã đủ để thấy tầm mắt của vua Gia Long trong việc lựa chọn Huế-Phú Xuân làm Trung tâm chính trị đầu não của vương triều Nguyễn.

Trên vùng đất rộng, có thời được gọi là Vương đảo nằm ở bên bờ Bắc và cả bờ Tây sông Hương, có 2 chi lưu như 2 lối đi tắt nối đoạn cong gấp khúc từ Hương Hồ, Kim Long đến Bãi Dâu, Bao Vinh như là 2 cạnh huyền của một tam giác. 8 làng thuộc 2 tổng Phú Xuân và An Ninh của huyện Hương Trà an cư lạc nghiệp ở đấy. Thành quách dinh thự cũ của thủ phủ Phú Xuân cũng ở đấy. Vua Gia Long và các kiến trúc sư ngày đó đã phải cân nhắc, tính toán sao cho vừa lợi dụng được địa thế, vừa giữ được phương hướng, vừa đạt được quy mô bề thế nhất cho kinh đô. Bởi thế năm 1802 đã có một cuộc di dân lớn xảy ra. Cả 8 làng nói trên đã được di chuyển đến nơi ở mới để GPMB cho việc xây dựng. Tháng 4 năm Ất Sửu (1805) công cuộc tái thiết kinh thành Huế thực sự bắt đầu.

Với kiến trúc là một hình gần như vuông và bao gồm cả chức năng phòng thủ nên có các cạnh lồi lõm để đặt pháo theo phong cách Vauban. Bởi không thể chuyển dịch về phía Đông nhiều hơn nên từ góc Đông Bắc kinh thành, Gia Long cho xây thêm Trấn Bình đài với sát ra bờ sông Hương. Đó còn là đồn phòng thủ bảo vệ kinh đô từ hướng biển. Chu vi kinh thành, kể cả Trấn Bình đài là 10.037m. Bên trong kinh thành là Hoàng thành. Bên trong Hoàng thành là Tử Cấm thành. Cả ba lồng vào nhau, tuy không đồng tâm, nhưng cùng chung một trục hướng.

Nhìn trên đại thể kinh đô Huế, tư tưởng quy hoạch đô thị của Gia Long từ ngày ấy đã được xem xét đến mọi khía cạnh. Lụt bão, nắng nóng, rét buốt đều được tính đến trong xây dựng đồ án. Dấu ấn kiến trúc trong thể thống nhất hiện rõ từ thành quách, cung điện, sông đào, ao hồ, đường sá, cầu cống, khu cây xanh, khu công sở, khu dân cư, khu chợ quán… Có lẽ vì vậy mà việc xây dựng dù kéo dài suốt 30 năm với bao nhiêu lần bổ sung, tu chỉnh về sau vẫn không chồng chéo, loại trừ nhau mà chỉ có tôn vinh bổ sung, hoàn hảo hơn.

Cái đó còn có thể là gì khác ngoài tầm nhìn trong một quy hoạch đô thị với những tính toán cho suốt cả thế kỷ của ông vua đầu triều Nguyễn - một quy hoạch đã được thực hiện cách chúng ta hơn 200 năm, với nguyên tắc thuận theo tự nhiên, nhập cuộc với thiên nhiên, tuân thủ các yếu tố địa lý, điều chỉnh và tạo lập môi trường sinh thái đô thị hợp lý để tạo nên một vẻ đẹp kinh đô Huế trong sự “hài hòa tuyệt diệu” nhất.

Ngày hôm nay, các nhà kiến trúc vẫn còn có thể học được rất nhiều điều từ người xưa qua việc quy hoạch kinh đô này. Những con sông Kim Long, Bạch  Yến và hàng loạt hồ nối thành dải dọc bên trong thành phía Bắc, phía Đông vốn được tạo ra từ các hố đào lấy đất đắp thành đã trở thành những điểm nhấn tuyệt đẹp. Hệ thống hào bao quanh thành, những cống ngầm nối các con sông không chỉ tạo cảnh đẹp riêng cho kinh thành mà còn để tiêu thoát, điều chỉnh mực nước. Rất nhiều vườn với tràn ngập màu xanh rải khắp kinh thành vừa có chức năng điều hòa nhiệt độ, hạn chế gió bão, vừa tạo một không gian tươi mát, làm mềm mại kiểu cách Vauban vừa tạo nên dấu ấn riêng cho một không gian xanh - đô thị vườn (mơ ước của kiến trúc hậu hiện đại), điều chính chúng ta hôm nay đang tìm mọi cách vươn tới.

Tạo nên kinh đô Huế cũng cần phải nhắc đến các chỉ dụ kịp thời của vua Gia Long về việc tìm người tài thợ giỏi trên cả nước góp tay xây dựng kinh thành. Những nghệ nhân từ mọi miền đất nước đã được nhà vua huy động về đây cùng với quy mô của công trình, những đòi hỏi khắt khe về kiến trúc cung điện của đất nước thống nhất đã nhanh chóng đưa những nghệ nhân dân gian nhanh chóng đạt tới tầm nghệ sỹ chuyên nghiệp của kiến trúc cung đình. Những giao thoa hòa hợp từ mọi đường nét kiến trúc vùng miền qua sự tụ hội được quyết định bởi chí quyết đoán của vua Gia Long đã tạo nên một phong cách kiến trúc riêng cho Huế - một phong cách kiến trúc Nguyễn - vẹn nguyên giá trị đến ngày nay.

“Những người đầu tiên xây dựng Huế đã có dụng ý đóng khung Huế trong phong cảnh kỳ diệu, từ núi Ngự Bình đến đồi Vọng Cảnh, phá Tam Giang và phá Cầu Hai.  Và chính nhờ thế, họ đã sáng tạo ra một kiến trúc tinh vi, trong đó, mỗi nhân tố đều bắt nguồn cảm hứng từ thiên nhiên gần gũi.  TP Huế chính là nghệ thuật được vẻ đẹp thiên nhiên bổ sung, tô điểm thêm…”.

 Amadu - Mata - Mbow, TGĐ UNESCO 1981.

(Nguồn Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế)

Thu Linh

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load