Chủ nhật 22/12/2024 12:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Vĩnh Phúc: Thị trường đất khu công nghiệp sôi động, giá tăng cao

15:22 | 30/10/2020

Đất ở gần các khu công nghiệp như Thăng Long Vĩnh Phúc (Bình Xuyên); Khu công nghiệp Bá Thiện, thuộc (Bình Xuyên); Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên)... tăng ở mức cao.

vinh phuc thi truong dat khu cong nghiep soi dong gia tang cao
Một góc Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Cùng với sự phát triển của khu vực sản xuất, thị trường đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Vĩnh Phúc những năm gần đây khá sôi động với mức giá tăng cao.

Cụ thể, đất ở gần các khu công nghiệp như Thăng Long Vĩnh Phúc (Bình Xuyên); Khu công nghiệp Bá Thiện, thuộc (Bình Xuyên); Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên)... cùng các cụm công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc luôn giữ giá và tăng ở mức cao.

Riêng đất làm nhà ở tại hai bên trục đường Tôn Đức Thắng và Tôn Đức Thắng kéo dài - nơi có Khu công nghiệp Khai Quang với hơn 40.000 lao động - có giá từ 50 đến 70 triệu đồng/m2, cao gấp 3 đến 4 lần so với cách đây 5 năm về trước.

Chị N, một người sống trên đường Tôn Đức Thắng, phường Khai Quang, cho biết tháng 6/2015, chị mua một mảnh đất 125m2 trên trục đường Tôn Đức Thắng gần siêu thị và một số cơ quan nhà nước... với giá hơn 2,7 tỷ đồng.

Đến nay, mảnh đất này đã có người trả tới 14 tỷ đồng nhưng chị chưa có nhu cầu bán. Như vậy trong 5 năm, giá mảnh đất của gia đình chị N tăng 5 lần.

Trên trục đường Tôn Đức Thắng kéo dài, thuộc xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, giá đất mặt đường, băng 1 thời điểm đầu năm 2017 chỉ trên dưới 10 triệu đồng/m2 và đến tháng 6/2017 giá trên dưới 12 triệu đồng/m2 thì hiện nay đã lên tới 35 đến 38 triệu đồng/m2, tăng 3 lần so với 3 năm về trước.

Các mảnh đất nền thuộc băng 2, nằm phía sau băng 1 trục đường Tôn Đức Thắng có giá rẻ hơn, bằng 50-70% so với diện tích tương đương nằm ở băng 1 cận kề.

Anh Dương Văn Hướng, người dân am hiểu về giá cả nhà đất, đang sống ở thôn Bảo Sơn, xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, cho biết giá đất ở các trục đường thôn xóm của xã Thiện Kế; xã Hương Sơn (Bình Xuyên)... nơi cách khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc khoảng 1 km đổ lại hiện nay cũng tăng từ 3 đến 4 triệu đồng/m2 so với các năm 2018 và năm 2019.

Đặc biệt, nhiều khu vực của xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên - một địa phương có tới 3 khu công nghiệp (Bá Thiện I, Bá Thiện 2, Bình Xuyên) hoạt động sản xuất sôi động, dân cư đông đúc, giá đất tăng rất mạnh trong nhiều năm qua.

Cụ thể, giá đất ở khu Trại Cút, khu Bảo Sơn thuộc xã Bá Hiến hiện nay từ 1,5 đến 2,5 tỷ đồng/mảnh rộng 100m2.

Giới buôn bán đất và người dân địa phương cho hay sở dĩ giá đất ở và nhà ở tại các khu công nghiệp tăng mạnh do ở đây có nhiều cán bộ quản lý, các chuyên gia người Việt Nam và nước ngoài sinh sống, tập trung đông lực lượng lao động phổ thông ở lứa tuổi có nhu cầu tiêu dùng rất lớn nên nhu cầu đất xây dựng nhà cao.

Ở những khu này, các hàng ăn uống, dịch vụ nhà trọ, dịch vụ giải trí phát triển mạnh. Điều này cũng khiến giá đất bị đẩy lên cao chóng mặt.

Giới đầu tư cho rằng việc đầu tư đất đai ở những khu đô thị mới năng động, khu công nghiệp mới có đông đảo lao động đổ về làm việc những năm qua chủ yếu là có lãi, nhiều người đã lãi lớn, có trường hợp "trúng" cả tỷ đồng/mảnh đất sau khi mua 1 đến 2 năm.

Mặc dù vài năm qua, giá nhà, đặc biệt là đất nền ở nhiều địa bàn tỉnh biến động theo xu hướng tăng mạnh nhưng theo giới am hiểu về thị trường bất động sản, nhà đầu tư không nên chủ quan bởi mỗi thời điểm một khác.

Chính sách nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội được Nhà nước quan tâm sâu rộng, hạ tầng xã hội và dịch vụ khu công nghiệp phát triển toàn diện thì đất đai có thể sẽ giảm.

Trên thực tế, một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở Vĩnh Phúc đang được đầu tư, chuyển dịch về các địa phương khác trong tỉnh và lực lượng lao động sẽ được huy động tại địa bàn sở tại nhằm thực hiện "ly nông bất ly hương." Lao động có việc làm tại quê hương và ở chính ngôi nhà ông cha để lại nên ít có nhu cầu mua nhà, đất nơi khác./.

Theo Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load