(Xây dựng) – Hiện nay, Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương, tại huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) đến nay đã hoàn thiện hạ tầng đồng bộ. Hiện, dự án đã thực hiện đầy đủ các thủ tục về đầu tư, xây dựng đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng và chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương đang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đưa vào hoạt động. |
Hiện nay, có một số thông tin cho rằng: Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương đang bán đất ở và có hiện tượng rao bán đất tại đây. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thông - Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc được biết: Thông tin chủ đầu tư bán đất ở và rao bán là hoàn toàn sai sự thật. Hiện nay, chủ đầu tư có quyền kêu gọi các đơn vị, cá nhân góp vốn đầu tư vào dự án. Ngoài ra, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần KEHIN đã thực hiện nghiêm túc việc triển khai dự án đúng theo tiến độ, các vấn đề liên quan nghĩa vụ với nhà nước được thực hiện đúng quy định.
Theo tìm hiểu của phóng viên: Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương đã được HĐND tỉnh Vĩnh Phúc thông qua tại Nghị quyết số 49/NQ–HĐND ngày 18/12/2017 về việc chấp thuận thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình năm 2018 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại Văn bản số 1567/TTg – NN ngày 9/11/2018 và đã có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2018, 2019, 2020, 2021 của UBND huyện Yên Lạc. Dự án có diện tích thu hồi là 33,3ha của gần 500 hộ.
Đây là 1 trong 5 dự án cụm công nghiệp đang hoạt động và triển khai thực hiện nhằm góp phần đẩy mạnh lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm, phân công lại lao động từ sản xuất nông nghiệp sang sản suất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; duy trì, phát triển làng nghề truyền thống tại địa phương, tập trung các cơ sở sản xuất ở các khu dân cư vào cụm công nghiệp, tách rời khu dân cư.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, ưu tiên phát triển nghề mộc, mở rộng thương hiệu, quảng bá giới thiệu sản phẩm… nhằm góp phần nâng cao đời sống nhân dân, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng văn minh hiện đại, góp phần phát triển kinh tế của huyện và của tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài ra, Dự án cũng sẽ giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại thị trấn Yên Lạc, địa phương phát triển nghề mộc truyền thống.
Ngành nghề chủ yếu hoạt động trong Cụm công nghiệp là sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất chế biến gỗ, mộc dân dụng, phế liệu... Dự kiến, dự án sẽ thu hút khoảng trên 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ cá thể. Tính chất của dự án là tạo quỹ đất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào trong Cụm công nghiệp, đưa các cơ sở sản xuất ở các khu dân cư vào cụm công nghiệp sản xuất tập trung, tách rời khu dân cư; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và các hộ, sẽ tạo việc làm cho khoảng 8.000 lao động. Giải quyết việc làm, phân công lại lao động, từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; duy trì, phát huy làng nghề truyền thống góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Việc xây dựng và đưa vào hoạt động Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương từng bước hoàn thiện các chỉ tiêu về phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 của tỉnh Vĩnh Phúc; đáp ứng kỳ vọng giữ được các làng nghề truyền thống mà còn phát triển mạnh mẽ các sản phẩm làng nghề, mang về giá trị kinh tế cao cho người dân ở nông thôn.
Ngọc Minh - Văn Nhất
Theo