Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 26/5, đã 40 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, bảo vệ được thành quả bước đầu trong công cuộc chống dịch COVID-19.
Học sinh rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi vào lớp. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN) |
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, tính từ 18h ngày 25/5 đến 6h ngày 26/5, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới bệnh COVID-19.
Như vậy, tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 26/5, đã 40 ngày Việt Nam bảo vệ được thành quả bước đầu trong công cuộc chống dịch COVID-19 là không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tính đến 6h ngày 26/5, Việt Nam có tổng cộng 186 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 14.739, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 54 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 12.379 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 2.306 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị- Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 272 bệnh nhân COVID-19 ở Việt Nam được chữa khỏi (chiếm 84% tổng số ca bệnh COVID-19 ở nước ta). 54 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương trong tình trạng sức khỏe cơ bản ổn định.
Trong số đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị nhiều nhất với 25 ca; Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu là 13 ca; Bệnh viện đa khoa Thái Bình là 6 ca...
Tính đến sáng ngày 26/5, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khỏe tại các cơ sở y tế, hiện có 7 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 4 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2.
Liên quan đến bệnh nhân 91 (BN91) đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Tiểu Ban Điều trị cho biết đánh giá sơ bộ tình trạng hiện tại: bệnh nhân còn mê, đồng tử đều 2 bên, phản xạ ánh sáng dương tính, có nhịp thở tự nhiên nhưng chưa phục hồi phản xạ ho và chưa cử động được tay chân trong quá trình giảm liều thuốc an thần, dãn cơ.
Phổi bệnh nhân có phục hồi nhưng không nhiều và chậm: thông khí phổi vẫn thấp, có tăng ít tại thời điểm tập vật lý trị liệu hô hấp sau đó giảm lại; lưu lượng máu ECMO vẫn còn cao, để duy trì oxy máu SpO2 90-95% hiện bệnh nhân cần lưu lượng máu ECMO 4,4 lít/phút so với 5,6 lít/phút tại thời điểm phổi tổn thương nặng nhất vào tháng 4/2020.
Chức năng thận chưa phục hồi hoàn toàn: vẫn cần furosemide để duy trì lượng nước tiểu cần thiết, các xét nghiệm BUN, creatinin máu đang tăng dần sau ngưng lọc máu liên tục, đang cân nhắc lọc máu lại.
Kiểm soát tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân vẫn khó khăn do suy giảm miễn dịch kéo dài với lympho máu quanh 0.4-0.5 G/L.
Tiên lượng, tình trạng của bệnh nhân còn rất nặng vì bệnh nhân còn phụ thuộc gần hoàn toàn vào ECMO và nhiễm trùng phổi chưa khống chế được. Các y bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy đang nỗ lực để cứu chữa cho bệnh nhân 91./.
Theo (Vietnam+)