(Xây dựng) – Viện Kiến trúc quốc gia vừa tổ chức Hội đồng nghiệm thu kết quả thực hiện Nhiệm vụ sự nghiệp kinh tế Thiết kế điển hình “Công trình phục vụ thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, hạng mục: Nhà ở công nhân khu công nghiệp; Trường mầm non cho con em công nhân khu công nghiệp.
Việc xây dựng thiết chế công đoàn phục vụ công nhân, người lao động là một nhu cầu cấp thiết cần được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị. |
Trong thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã quan tâm sâu sắc đến việc cải thiện điều kiện lao động, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đảm bảo an sinh xã hội, và chăm sóc sức khỏe, đời sống cho đội ngũ công nhân. Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước ta đang có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở.
Cũng theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Tính đến nay, cả nước mới có 126 dự án hoàn thành việc đầu tư xây dựng với quy mô khoảng 62.700 căn hộ, tổng diện tích khoảng 3.135.000m2, đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động. Độ bao phủ của trường mầm non cho con em công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất chỉ đạt 25%. Cần phải biết rằng, giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay đã được đưa vào diện ưu tiên phát triển như giáo dục mầm non ở vùng sâu, vùng xa.
Ngày 12/05/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 655/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng phê duyệt thiết kế mẫu, thiết kế điển hình về nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao của thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, đặc điểm phong tục tập quán và nhu cầu của đoàn viên, công nhân lao động.
3 mẫu thiết kế điển hình Nhà ở công nhân khu công nghiệp. |
Tuy nhiên, việc phát triển thiết chế công đoàn vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Công tác triển khai thực hiện còn chậm, quy mô nhỏ và chưa thật sự bền vững. Theo kế hoạch đề ra, đến năm 2020 sẽ có khoảng 50 thiết chế công đoàn được xây dựng trên cả nước, nhưng đến thời điểm hiện tại mới có 3 thiết chế công đoàn được triển khai xây dựng tại các tỉnh Hà Nam, Quảng Nam và Tiền Giang.
ThS.KTS. Nguyễn Quốc Hoàng, Chủ nhiệm đề tài đánh giá, tiêu chuẩn thiết kế nhà ở công nhân cần phải phù hợp với điều kiện địa lý của địa phương, tình hình kinh tế và mức sống người lao động hiện tại, đồng thời phù hợp với lối sống và điều kiện của gia đình có thu nhập thấp, nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu ở cơ bản cho hộ gia đình.
Trên cơ sở kết quả khảo sát về cơ sở vật chất, đặc điểm, hình thức kiến trúc công trình nhà ở công nhân và trường mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhóm nghiên cứu đã đề xuất 3 mẫu thiết kế điển hình Nhà ở công nhân khu công nghiệp và 3 mẫu thiết kế điển hình Trường mầm non tại khu công nghiệp, khu chế xuất.
Thông qua Nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã kiến nghị cơ quan chức năng cần ban hành cơ chế, chính sách để khi quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong các khu công nghiệp gắn liền với quy hoạch, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội, thiết chế công đoàn, đặc biệt là đối với nhà ở và trường mầm non cho con em người lao động.
3 mẫu thiết kế điển hình Trường mầm non tại khu công nghiệp, khu chế xuất. |
Về cơ bản, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng đều nhất trí với lý do, sự cần thiết thực hiện Nhiệm vụ; đồng thời đánh giá cao các thiết kế điển hình được đề xuất. Tuy nhiên, Hội đồng cũng góp ý cho nhóm nghiên cứu về việc làm rõ quy mô trường mầm non, đánh giá thực trạng nguồn vốn đầu tư và tổ chức không gian tại các trường mầm non khác nhau. Đối với thiết kế nhà ở công nhân, nhóm nghiên cứu cần xem xét thiết kế phòng sinh hoạt cộng đồng, làm rõ yêu cầu về khu vệ sinh đối với trường hợp phòng ở không khép kín.
Kết luận cuộc họp, TS.KTS Trịnh Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng đã tổng hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia và thành viên Hội đồng, đồng thời bổ sung một số ý kiến nhằm đảm bảo nâng cao hơn tính khả thi của các thiết kế điển hình. Chủ tịch Hội đồng đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến và sớm chỉnh sửa hoàn thiện các sản phẩm của Nhiệm vụ. Hội đồng cũng đã tiến hành bỏ phiếu chấm điểm và nhất trí nghiệm thu Nhiệm vụ với điểm số cao.
Dịch Phong (ảnh: Viện Kiến trúc quốc gia)
Theo