(Xây dựng) - Là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng, trải qua 54 năm xây dựng và phát triển, Viện VLXD tự hào là một đơn vị lớn mạnh, năng động, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển 65 năm ngành Xây dựng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì buổi làm việc về Chiến lược phát triển VLXD thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 tại Viện VLXD (năm2020). |
Đơn vị đầu ngành về nghiên cứu, phát triển VLXD
Viện VLXD được thành lập ngày 04/11/1969 (tiền thân là Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật và Thiết kế Silicat). Ban đầu, cơ sở vật chất thiếu thốn, qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, đến nay, Viện VLXD là đơn vị đứng đầu trong công tác nghiên cứu chính sách, chiến lược, đề án phát triển VLXD và khoáng sản làm VLXD, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, nghiên cứu khoa học và công nghệ, thí nghiệm, kiểm định chất lượng các loại sản phẩm VLXD và được Nhà nước, Bộ Xây dựng tin tưởng, giao trách nhiệm trong nhiều chương trình và công trình trọng điểm quốc gia.
Trong quá trình hoạt động, Viện VLXD luôn nhận được sự quan tâm của Bộ Xây dựng, cùng với sự tin cậy của các DN và cộng tác của các đồng nghiệp trong và ngoài nước, các thế hệ cán bộ của Viện VLXD đã hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu, bao gồm hơn 170 quy hoạch, chiến lược, đề án phát triển VLXD cấp quốc gia và địa phương, hơn 500 tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, gần 550 đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước và cấp Bộ, cùng nhiều dự án sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp môi trường đánh giá tác động môi trường trong lĩnh vực VLXD; Nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến 2050; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD…
Hiện nay, Viện VLXD tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn lĩnh vực VLXD và cơ khí xây dựng (thực hiện Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng theo Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ); Nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về xi măng, viên xây, kính xây dựng, tro bay, xác định phát thải khí nhà kính, VLXD hoàn thiện; Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn, quy trình, thử nghiệm dán nhãn năng lượng cho một số sản phẩm, VLXD; Nghiên cứu, xây dựng và số hóa cơ sở dữ liệu lĩnh vực VLXD…
Với nỗ lực không ngừng nghỉ, Viện VLXD đã được Đảng và Nhà nước trao nhiều phần thưởng cao quý bao gồm: 2 Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1977 và năm1995), 2 Huân chương Lao động hàng Nhì (năm 1982 và năm 1985), 1 Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1999), 1 Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2004), 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2009), 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2014) và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2019). Đồng thời, nhiều nhóm tác giả nghiên cứu của Viện đã nhận được giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ VIFOTEC, bằng độc quyền giải pháp hữu ích và bằng độc quyền sáng chế.
Mở rộng nghiên cứu khoa học công nghệ
Hầu hết các nhà máy sản xuất VLXD đầu tiên trong nước đều có sự tham gia của Viện VLXD, từ các khâu nghiên cứu, thiết kế đến hướng dẫn và chuyển giao công nghệ sản xuất. Nhiều sản phẩm khoa học công nghệ tiêu biểu đã được chuyển giao và ứng dụng thành công vào các công trình trọng điểm như: Chế tạo phụ gia dẻo hóa, chậm đông kết để ứng dụng trong thi công bê tông xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình; tái chế rác thải sinh hoạt thành dầu đốt công nghiệp; ứng dụng xi măng bền sun phát tại các công trình trên biển, ven biển và quân sự thuộc quần đảo Trường Sa; ứng dụng xi măng giếng khoan chủng loại G tại các giếng khoan dầu khí ở Việt Nam; sản xuất, cung cấp, thi công bê tông chịu lửa, gạch chịu lửa, vữa đặc chủng… cho các nhà máy xi măng, thép, nhiệt điện, hóa chất,…
Bên cạnh đó, Viện VLXD tích cực triển khai hoạt động thí nghiệm, kiểm định đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hoá vật liệu, vật liệu đặc thù sử dụng trong công trình xây dựng; thí nghiệm, kiểm định VLXD phục vụ thi công xây dựng các dự án trọng điểm như Nhà Quốc hội Lào, Bảo tàng Lịch sử quân đội, các nhà máy xi măng và nhiệt điện, dự án đường bộ cao tốc; chứng nhận hợp chuẩn và hợp quy sản phẩm VLXD; tư vấn đầu tư và xây dựng các nhà máy xi măng, vôi công nghiệp, cấu kiện bê tông,… tư vấn đánh giá tác động môi trường dự án sản xuất VLXD; tham gia đào tạo nghiên cứu sinh, thạc sĩ, kỹ sư và đào tạo cán bộ kỹ thuật, thí nghiệm viên ngành VLXD.
Viện VLXD không ngừng phát triển quy mô, mở rộng các lĩnh vực hoạt động nghiên cứu và dịch vụ khoa học công nghệ, cũng như năng lực thích ứng thị trường, hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ viên chức và người lao động, đóng góp quan trọng vào khả năng tự chủ về tài chính. Viện VLXD đã được Bộ TN&MT cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường và được Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế cấp Chứng nhận tổ chức đủ điều kiện thực hiện quan trắc môi trường lao động. Năm 2022, Viện VLXD đã ban hành Quyết định về việc công bố và quản lý Nhãn xi măng xanh và Nhãn năng lượng cho sản phẩm VLXD, giúp DN có điều kiện khẳng định tính chất xanh, tiết kiệm năng lượng của sản phẩm và thể hiện trách nhiệm với môi trường, xã hội.
Năm 2023 tiếp tục là năm thứ 9, Viện VLXD hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Trên cơ sở kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và hoạt động dịch vụ khoa học công nghệ trong những năm vừa qua và Chiến lược phát triển Viện VLXD, Viện hoàn toàn có khả năng đảm bảo hoạt động tự chủ về tài chính theo mô hình tổ chức khoa học công nghệ tự đảm bảo chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Tăng cường hợp tác quốc tế
Hiện nay, ngành Xây dựng trên thế giới rất chú trọng phát triển VLXD có độ bền chịu lực, độ bền theo thời gian, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất và xây lắp, đặc biệt phải thích ứng với khí hậu tại nơi xây dựng công trình. Ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 vào ngành công nghiệp sản xuất VLXD để phát triển các loại VLXD thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, là xu thế tất yếu, là mục tiêu trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, công nghệ sản xuất một số sản phẩm VLXD cũng đã tiệm cận công nghệ tiên tiến của thế giới. Tuy nhiên, ngành cơ khí và điện tử trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu nên hầu hết các dự án đầu tư sản xuất VLXD phải nhập khẩu thiết bị và kèm theo công nghệ của nước ngoài. Ngành VLXD trong nước đang tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nhằm giảm chi phí, giảm thiểu sử dụng tài nguyên khoáng sản, tối đa hóa sử dụng phụ phẩm công nghiệp, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, để tạo ra các sản phẩm VLXD bền vững hơn…
Viện VLXD luôn tích cực, chủ động tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học công nghệ. Đến nay, Viện VLXD đã có quan hệ hợp tác với hơn 150 đối tác nước ngoài đến từ các quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Anh, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Ba Lan, Pháp, Đức, CH Séc, Ý, Ucraina, Ấn Độ, Thái Lan và Singapore. Các lĩnh vực hợp tác được mở rộng và đi vào chiều sâu: Liên kết đào tạo, xây dựng tiêu chuẩn, nghiên cứu khoa học, sản xuất, lắp đặt thử nghiệm các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, quan trắc môi trường, phát triển thị trường sản phẩm; tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế,...
Theo định hướng phát triển, trong thời gian tới, Viện VLXD sẽ duy trì là một Viện nghiên cứu khoa học và công nghệ đầu ngành ở Việt Nam, có uy tín trong khu vực ASEAN và trên thế giới, có đội ngũ chuyên gia giỏi và phòng thí nghiệm hiện đại. Phát triển Viện VLXD gắn chặt với các hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển các sản phẩm VLXD mới, tính năng cao; nghiên cứu phục vụ quản lý nhà nước về xây dựng; và triển khai các hoạt động dịch vụ kỹ thuật tư vấn, thí nghiệm, kiểm định, sản xuất và kinh doanh sản phẩm VLXD là chủ yếu, đồng thời, tham gia các lĩnh vực khác bao gồm cơ khí xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và môi trường xây dựng.
Viện VLXD luôn bám sát các định hướng phát triển ngành VLXD hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, từng bước tăng cường xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu; hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD và sản xuất VLXD.
PV
Theo