Thứ bảy 27/07/2024 06:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Vicem triển khai Chương trình thử nghiệm xử lý rác thải, bùn thải

15:12 | 21/09/2020

(Xây dựng) – Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) đang triển khai Chương trình thử nghiệm xử lý rác thải, bùn thải, do 03 đơn vị thành viên thực hiện (Vicem Hoàng Thạch, Vicem Bút Sơn và Vicem Hà Tiên 1). Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Quang Dũng - Phó Tổng Giám đốc Vicem về vấn đề này.

vicem trien khai chuong trinh thu nghiem xu ly rac thai bun thai

PV: Vì sao nói, Vicem có thể xử lý được tất cả các loại rác thải là trên lý thuyết, còn thực tế chưa thực hiện được? Để đảm bảo việc xử lý tất cả các loại chất thải trong thực tế, Vicem cần hội tụ những yếu tố cốt lõi nào (về kỹ thuật, về pháp lý…)?

Ông Đinh Quang Dũng: Trên thế giới có nhiều phương pháp xử lý chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế. Trong đó, phương pháp đồng xử lý chất thải trong ngành công nghiệp xi măng là giải pháp có nhiều lợi thế, xử lý triệt để các chủng loại chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại, do có sẵn một số ưu điểm vượt trội so với các ngành công nghiệp khác, cũng như các lò đốt và xử lý rác hiện nay, như:

Một, nhiệt độ cao và ổn định. Quá trình sản xuất clinker luôn duy trì nhiệt độ rất cao gần 1.900 độ C, nhiệt độ này vượt cả yêu cầu của tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ (850 - 1.100 độ C) quy định để xử lý chất thải nguy hại.

Hai, thời gian lưu dài (khí lên đến 60 giây, rắn lên đến 30 phút), đảm bảo cháy triệt để và trung hòa các chất khí cũng như chất thải rắn trong quá trình xử lý.

Ba, môi trường kiềm cao và môi trường tự lọc sạch. Đối với các khí axit sinh ra từ quá trình xử lý được hấp thụ hoàn toàn bởi môi trường kiềm tạo ra từ đá vôi, một nguyên liệu chính trong sản xuất clinker, vì thế khí axit này sẽ được loại bỏ trước khi thải ra ngoài môi trường.

Bốn, hệ thống giám sát thải liên tục 24/7. Hệ thống khí thải lò nung clinker sau khi được xử lý, làm sạch bụi và trước khi thải ra ngoài môi trường được hệ thống giám sát 24/7 giám sát toàn bộ các thông số phát thải chính như: Hàm lượng bụi, khí HCl, NH3, CO, Nox SO2…

Năm, công suất xử lý lớn. Đối với chất thải công nghiệp thông thường như tro, xỉ thải, rác vải vụn công nghiệp, một nhà máy xi măng có thể xử lý lên đến hàng nghìn tấn/ngày, chất thải nguy hại có thể xử lý hàng trăm tấn/ngày.

Sáu, quá trình xử lý không để lại tro thải. Toàn bộ tro sinh ra trong quá tình xử lý phản ứng hoàn toàn với các chất có trong nguyên liệu như oxit CaO, Al2O3, Fe2O3, SiO2… tạo thành các khoáng và nằm lại trong clinker xi măng.

Do vậy, về nguyên tắc, các nhà máy xi măng của Vicem có thể xử lý được tất cả các loại rác thải. Tuy nhiên, để bảo đảm có thể xử lý triệt để và có hiệu quả tất cả các loại rác thì rác cần phải được phân loại, sơ chế, tiêu chuẩn hóa và có cơ chế, chính sách khuyến khích các đơn vị tham giá quá trình đồng xử lý trong sản xuất clinker xi măng.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 8751/VPCP-CN ngày 27/9/2019 về việc xử lý rác thải, bùn thải và tro xỉ thay thế nguyên, nhiên liệu trong sản xuất xi măng, Vicem triển khai công tác khảo sát, nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá kết quả về kinh tế, môi trường, xã hội thông qua Chương trình thử nghiệm xử lý rác thải, bùn thải, do 03 đơn vị thành viên thực hiện: Vicem Hoàng Thạch, Vicem Bút Sơn và Vicem Hà Tiên 1. Sau khi kết thúc chương trình thực nghiệm, Vicem sẽ báo cáo kết quả của chương trình với Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện giải pháp kỹ thuật, công nghệ, thiết bị… để xử lý tất cả các loại chất thải trong sản xuất clinker.

Song hành, Vicem hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định, đồng thời kiến nghị các Bộ ngành, địa phương tháo gỡ những khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai.

PV: Được biết, Chương trình thử nghiệm xử lý rác thải, bùn thải, các đơn vị thành viên của Vicem đang phải mua rác về để thử nghiệm đồng xử lý. Thông tin này có đúng không?

Ông Đinh Quang Dũng: Hiện nay, để thực hiện Chương trình thử nghiệm xử lý rác thải, bùn thải, các công ty xi măng Vicem Bút Sơn, Vicem Hoàng Thạch, Vicem Hà Tiên 1 đã phải mua rác thải thông thường của các đơn vị có chức năng cung cấp.

PV: Vậy, khi vào thực tế, câu chuyện bài toán kinh tế sẽ được Vicem tính toán như thế nào?

Ông Đinh Quang Dũng: Sau khi kết thúc Chương trình thử nghiệm xử lý rác thải, bùn thải, Vicem sẽ đánh giá tổng thể kết quả về kinh tế, môi trường, xã hội của chương trình, từ đó có đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách… báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương, từ đó triển khai rộng rãi trong tất cả các nhà máy xi măng.

PV: Thế nhưng, những yếu tố về kỹ thuật của Vicem có bảo đảm thực hiện đồng xử lý trong sản xuất xi măng?

Ông Đinh Quang Dũng: Việc xử lý rác thải, bùn thải thông thường đã được phân loại, sơ chế…, với công nghệ, thiết bị xử lý hiện có của các nhà máy sản xuất xi măng thuộc Vicem hoàn toàn có thể bảo đảm yêu cầu đồng xử lý.

Đối với rác thải, bùn thải chưa phân loại, sơ chế, rác thải nguy hại…, trong thời gian tới, Vicem tiếp tục nghiên cứu các giải pháp công nghệ, đầu tư bổ sung thiết bị, kiểm soát phát thải trong đồng xử lý, nhằm tiến tới đồng xử lý tất cả các loại chất thải trong sản xuất clinker xi măng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Nga (Thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load