Thứ ba 05/11/2024 05:38 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Về miền ký ức thành Vinh

10:13 | 27/11/2019

(Xây dựng) - Ai cũng có một thành phố cho riêng mình, có thể là Đà Lạt ngàn hoa mộng mơ tình ái, là Sài Gòn trẻ trung năng động, là Hà Nội trái tim hồng ấm áp thương yêu… Tôi cũng có cho mình một thành phố, dẫu bây giờ chỉ còn trong hoài niệm xa xôi, xa xôi không thể nào trở lại, không thể kiếm tìm. Thành phố ấy mang tiếng là thị thành nhưng mộc mạc, giản dị mang dáng hình của một cô gái mới lớn từ quê ra phố giúp việc cho một gia đình khá giả. Thành phố ấy bình yên, bình yên từ trong thẳm sâu tâm hồn của lòng phố. Thành phố ấy có tên gọi là thành Vinh - nơi chứa đầy ắp những kỉ niệm của tháng ngày sinh viên trong veo nơi đáy mắt…

Về miền ký ức thành Vinh

Dường như khi bạn bầu với thành phố, khi đạp xe rong chơi trên từng ngõ hẻm, ghé uống một cốc nước mía vỉa hè, vội vã tạt vào một quán cơm… chẳng ai nghĩ rồi có ngày mình sẽ lặng lẽ rời xa thành phố cả. Có lẽ vậy nên mỗi mảng màu của thành phố ngày ấy có mấy ai quan tâm. Không chắt chiu, không vồ vập với thời gian để tận hưởng. Thế đấy có nhiều thứ khi gũi gần ta thấy trống trơn giá trị mà hững hờ không biết thưởng thức nhưng bất chợt có ngày để tuột khỏi tầm tay ta mới thấy nuối tiếc ngẩn ngơ.

Như có lần một công dân thứ thiệt của phố - nhà gắn bó đã biết mấy mươi đời với thành phố, từ biệt rồi mới bất chợt thốt lên rằng "Mình chưa một lần chạm chân xuống dòng sông Lam, chưa một lần leo bộ lên núi Quyết để giờ xa lại muốn một lần…". Nhưng không phải ai cũng vậy, dạo ấy có cô bé sinh viên vứt bỏ bộn bề sách vở để ngày ngày chạy ào ra làm bạn với dòng sông. Đều đặn ngày hai lần lúc hoàng hôn xuống và khi bình minh lên. Cứ thế cô tản bộ ra sông. Trút bỏ muộn phiền hay muốn được sẻ chia? Chỉ thấy thi thoảng cô dừng bước, mắt hướng ra xa, xa tít tắp… chẳng biết cô đang nghĩ gì, nhớ ai, tâm sự gì, chỉ biết rằng phút ấy dòng Lam như hoang vắng hơn, sóng hình như cũng cồn cào hơn và đôi mắt, đôi mắt ưu tư một nỗi niềm xa ngái…

Trở về với thực tại, sáng nay lên cơ quan, mọi người hứng khởi bàn về một chuyến tham quan học tập trong hè. Người thích đi nơi này, kẻ muốn tới nơi khác. Ai cũng có nguyên do của riêng mình. Bất chợt nhận thấy một đồng nghiệp có vẻ không mấy thích thú về chuyến đi. Tôi tò mò. Đồng nghiệp bảo, hè này lớp tổ chức hội ngộ ở thành Vinh - kỉ niệm mười năm ngày ra trường, nếu tổ chức cùng thời gian em lựa chọn về thăm lại Vinh.

Tôi hiểu sự chọn lựa ấy, nếu là mình cũng thế thôi. Và chợt nhớ thành phố da diết. Nhưng liệu đồng nghiệp mình có trở về thành phố ngày xưa được không? Sẽ chẳng bao giờ. Làm sao có thể trở về phố để ngắm nhìn những khuôn mặt bỡ ngỡ như ngày đầu mới quen? Làm sao có thể sống lại cảm giác yêu mến một điều gì đó để khao khát khám phá kiếm tìm? Và có còn không những suất cơm sinh viên… 2 nghìn xung quanh trường Đại học Vinh, cốc nước mía 1 nghìn mà vẫn phải đắn đo dè chừng cái ví. Có còn không cảm giác âu lo những ngày thi đến? Còn không tiếng cười trong trẻo vô ưu với cây đàn nghêu ngao những bài hát cũ rích mà mình yêu thích? Có còn không thoáng qua tà áo trắng, một nụ cười nơi ấy thân quen? Có còn đủ đầy thầy cô bạn bè ngày ấy? Trở lại… trở lại… thành phố ngày hôm qua chỉ mãi là một giấc mơ, một giấc mơ không bao giờ với đến.

Về miền ký ức thành Vinh

Có thể trong số biết bao nhiêu người đến thành phố rồi chia xa và họ lại tìm được riêng cho mình một thành phố khác, quyến rũ hơn, sang trọng hơn nhưng tôi tin trong thẳm sâu trái tim họ vẫn còn một góc nhỏ, một góc nhỏ thôi cho cái nơi họ từng yêu thương này. Và dù chỉ là một giấc mơ trở về cũng sẽ chứa đầy tình cảm thương yêu, ấm áp mà bao trái tim muốn gửi trao cho thành phố của ngày hôm nay.

Giấc mơ trở về thành Vinh vẫn bồng bềnh trong đêm mùa đông.

Giấc mơ trở về thành Vinh vẫn trong trẻo trong lòng cô cậu sinh viên vừa ngang qua tuổi mười tám.

Nguyễn Đình Ánh (Ảnh: Báo Nghệ An)

Theo

Cùng chuyên mục
  • Khám phá 8 di sản thế giới trên vùng đất Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Cố đô Huế với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, là tỉnh duy nhất của Việt Nam sở hữu 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và Di sản khu vực. Trong đó, có 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.

  • Vĩnh Long: Di sản làng nghề trăm tuổi bên dòng Cổ Chiên

    (Xây dựng) - Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Ðề án “Di sản đương đại Mang Thít” với diện tích 3.060ha, thuộc 4 xã: Mỹ Phước, Mỹ An, Nhơn Phú và Hòa Tịnh, với sản phẩm du lịch trọng điểm là “Vương quốc lò gạch”.

  • Thái Nguyên: Khánh thành công trình di tích đền thờ Lý Nam Đế

    (Xây dựng) - UBND thành phố Phổ Yên vừa tổ chức cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục), tại phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

  • Mê Linh (Hà Nội): Lấy ý kiến về dự án Khu công viên thể dục, thể thao rộng hơn 60ha

    (Xây dựng) - Dự án Khu công viên thể dục, thể thao huyện Mê Linh được kỳ vọng sẽ trở thành tổ hợp thể thao hiện đại tầm cỡ khu vực, sẵn sàng trở thành một địa điểm cho thi đấu Olympic trong tương lai.

  • Lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích làng cổ Phước Tích

    Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ vừa có công văn số 4769/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thống nhất lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích Làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền.

  • Hội chợ Ấn Độ 2024 - Lễ hội tôn vinh sự đa dạng của Ấn Độ

    (Xây dựng) – Ngày 2/11, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội đã tổ chức "Hội chợ Ấn Độ - Lễ hội tôn vinh sự đa dạng của Ấn Độ" tại khuôn viên Đại sứ quán. Lễ hội nhằm mục đích tăng cường mối quan hệ văn hóa trong cộng đồng người Ấn Độ, quảng bá về Ấn Độ đến cộng đồng người Việt Nam và tôn vinh tình hữu nghị truyền thống sâu sắc giữa nhân dân hai nước.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load