Thứ ba 05/11/2024 01:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Văn Miếu Quốc Tử Giám: Công trình kiến trúc độc đáo

11:16 | 15/04/2021

(Xây dựng) – Nhắc đến những công trình kiến trúc độc đáo của Hà Nội không thể không nhắc đến Văn Miếu Quốc Tử Giám, toạ lạc tại số 58 Quốc Tử Giám, Quận Đống Đa, Hà Nội. Trải qua hơn 1.000 năm với những biến thiên thăng trầm của lịch sử, Văn Miếu vẫn vẹn toàn được nét cổ kính, tôn nghiêm trong không gian.

van mieu quoc tu giam cong trinh kien truc doc dao
Văn Miếu Quốc Tử Giám vẹn toàn nét cổ kính, tôn nghiêm.

Văn Miếu Quốc Tử Giám là một quần thể kiến trúc ấn tượng được xây dựng từ thời nhà Lý. Với bề dày lịch sử cùng với nét kiến trúc cổ độc đáo, Văn Miếu Quốc Tử Giám được xem là một trong những di sản đặc biệt của quốc gia. Khu di tích này cũng là một trong những điểm du lịch Hà Nội nổi tiếng được du khách gần xa mến mộ.

Cũng giống như nhiều công trình khác, Văn Miếu Quốc Tử Giám trải qua nhiều triều đại với những hưng thịnh, tàn suy cùng nhiều lần tu tạo, đổi tên mới có vị trí và không gian kiến trúc như hiện tại. Văn Miếu Quốc Tử Giám không chỉ là một minh chứng lịch sử mà còn trở thành một biểu tượng văn hoá của Việt Nam.

Văn Miếu Quốc Tử Giám là một khối kiến trúc cổ và độc đáo. Lối kiến trúc phương Đông với sự ảnh hưởng đậm đặc của Nho – Phật giáo thể hiện rõ nét trong từng chi tiết của không gian. Từ chất liệu (chủ yếu là gỗ lim, gạch nung và ngói mũi hài…) cho đến những lớp ngói, hoa văn đều được trang trí một cách tỉ mỉ và sang trọng.

van mieu quoc tu giam cong trinh kien truc doc dao
Văn Miếu Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên của khu vực Đông Nam Á.

Văn Miếu Quốc Tử Giám được biết đến là trường Đại học đầu tiên của khu vực Đông Nam Á xây dựng tại kinh thành Thăng Long xưa, đây là nơi hội tụ những giá trị văn hoá, lịch sử của dân tộc. Văn Miếu được xây dựng vào năm 1070 (đời vua Lý Thánh Tông) là nơi thờ các thánh hiền đạo nho (Khổng Tử, Mạnh Tử…). Năm 1076, Lý Nhân Tông lập thêm Quốc Tử Giám ở phía sau, ban đầu là nơi học của các hoàng tử, sau mở rộng thu nhận cả những học trò giỏi trong thiên hạ. Đến đời Vua Trần Minh Tông (1314 – 1329), nhà giáo Chu Văn An được cử làm quan Quốc Tử Giám Tư nghiệp (Hiệu trưởng) và thầy dạy trực tiếp cho các hoàng tử. Năm 1370, sau khi ông mất, Vua Trần Nghệ Tông đã cho thờ ở Văn Miếu bên cạnh Khổng Tử. Năm 2010, 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Hậu Lê và Mạc ở Văn Miếu Quốc Tử Giám – địa điểm du lịch Hà Nội duy nhất được công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức thế giới của Unesco.

van mieu quoc tu giam cong trinh kien truc doc dao
Quốc Tử Giám là biểu tượng cho nền khoa cử thời phong kiến.

Văn Miếu Quốc Tử Giám là một trong những điểm đến nổi tiếng nhất tại Hà Nội mà bất cứ du khách nào cũng không nên bỏ qua. Quần thể kiến trúc nơi đây bao gồm: Hồ Văn, khu Văn Miếu Quốc Tử Giám và vườn Giám. Trong đó, kiến trúc chủ thể là Văn Miếu (nơi thờ Khổng Tử) và Quốc Tử Giám. Với hơn 700 năm hoạt động, đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước, Quốc Tử Giám là biểu tượng cho nền khoa cử thời phong kiến.

Không gian Văn Miếu được chia thành 5 lớp được gắn kết bởi các bức tường gạch có cửa thông. Khu vực thứ nhất từ Văn Miếu Môn (cổng vào Văn Miếu) vào là khu Nhập Đạo với 3 gian lợp ngói và 3 cổng chính là Đại Trung, Thành Đức và Đạt Tài.

Khu vực thứ 2 trong quần thể Văn Miếu là Khuê Văn Các. Sử sách ghi lại Khuê Văn Các được xây dựng từ năm 1805 với kiến trúc độc đáo – tượng trưng cho hình ảnh sao Khuê tỏa sáng trên bầu trời. Ngày nay Khuê Văn Các là hình ảnh biểu trưng cho Hà Nội cũng như nét đẹp văn hóa – kiến trúc Việt.

Tiếp theo Khuê Văn Các là khu Bia Tiến Sĩ. Nơi đây ghi danh 1.307 vị Tiến sĩ của 82 khoa thi từ triều Lê (từ khoa thi 1442 đến thời Nguyễn). Bia Tiến Sĩ được chạm khắc tinh xảo bằng loại đá xanh trên lưng rùa tượng trưng cho sự biết ơn, tôn trọng tới các bậc kì tài của đất nước. Khu thứ tư trong nội tự Văn Miếu Quốc Tử Giám là là sân Đại bái. Trước đây nơi này thờ bài vị của 72 học trò xuất sắc của Khổng tử và thầy giáo nổi tiếng Chu Văn An. Cuối cùng là nhà Thái Học, chính là trường Quốc Tử Giám xưa. Tên Thái Học được vua Lê Hiển Tông đổi vào năm 1785 và được gọi cho đến ngày nay.

Văn Miếu Quốc Tử Giám có tường bao quanh xây bằng gạch Bát Tràng. Bên trong khung tường, những mái kiến trúc cổ ẩn hiện dưới cành lá sum suê của những tán cây cổ thụ khiến cho nơi đây mang một cảnh sắc hoàn toàn khác biệt với bên ngoài, tạo sự thu hút đặc biệt đối với du khách.

van mieu quoc tu giam cong trinh kien truc doc dao
Văn Miếu Quốc Tử Giám trở thành biểu tượng của Thu đô Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Đây từng là nơi hàng nghìn sĩ tử đến “cầu may” trước mỗi kỳ thi bằng cách vuốt đầu rùa tại các bia tiến sĩ. Tuy nhiên, hiện nay, để bảo tồn di tích, một hàng rào được thiết lập và các sĩ tử không còn làm nghi thức cầu may như trước nữa. Thay vào đó, đầu năm Âm lịch, nhiều sĩ tử cùng gia đình sẽ tới đây thắp hương và xin chữ ông Đồ cầu cho thi cử đỗ đạt, một năm mới an khang thịnh vượng.

Đến tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám, du khách không chỉ được khám phá một di tích lịch sử, một công trình kiến trúc cổ có tuổi đời gần ngàn năm. Đây còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá tiêu biểu như các hội thảo khoa học, triển lãm chuyên đề, tuyên dương các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội; trao giấy chứng nhận học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư hay tổ chức thường niên Hội sách, Ngày thơ Việt Nam…

Là một du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, chị Hằng chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên gia đình tôi đến du lịch Hà Nội, tôi cùng các con đến Văn Miếu Quốc Tử Giám để cầu cho một năm học hành may mắn. Đến đây, tôi cảm thấy bình yên giữa Thủ đô nhộn nhịp. Với nét kiến trúc cổ kính, khi mặc áo dài chụp ảnh tại đây tôi cảm tưởng như đang đi du lịch Huế”.

Nhiếp ảnh Anh Nguyễn (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi là người chuyên chụp ảnh người đẹp áo dài, năm nay thời tiết ủng hộ, mát mẻ dễ chịu, những ngày cuối tuần tôi thường qua chụp ảnh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Hằng năm, tôi chứng kiến chỉ những dịp chụp ảnh kỷ yếu, nhiều học sinh, sinh viên tới đây chụp ảnh kín sân. Đặc biệt năm nay, tôi thấy mọi người qua chụp ảnh nhiều hơn mọi năm”.

Văn Miếu Quốc Tử Giám đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch Hà Nội, hằng năm thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu văn hoá lịch sử Việt Nam, trở thành biểu tượng của Thu đô Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Minh Thu (Ảnh: Anh Nguyễn)

Theo

Cùng chuyên mục
  • Khám phá 8 di sản thế giới trên vùng đất Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Cố đô Huế với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, là tỉnh duy nhất của Việt Nam sở hữu 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và Di sản khu vực. Trong đó, có 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.

  • Vĩnh Long: Di sản làng nghề trăm tuổi bên dòng Cổ Chiên

    (Xây dựng) - Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Ðề án “Di sản đương đại Mang Thít” với diện tích 3.060ha, thuộc 4 xã: Mỹ Phước, Mỹ An, Nhơn Phú và Hòa Tịnh, với sản phẩm du lịch trọng điểm là “Vương quốc lò gạch”.

  • Thái Nguyên: Khánh thành công trình di tích đền thờ Lý Nam Đế

    (Xây dựng) - UBND thành phố Phổ Yên vừa tổ chức cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục), tại phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

  • Mê Linh (Hà Nội): Lấy ý kiến về dự án Khu công viên thể dục, thể thao rộng hơn 60ha

    (Xây dựng) - Dự án Khu công viên thể dục, thể thao huyện Mê Linh được kỳ vọng sẽ trở thành tổ hợp thể thao hiện đại tầm cỡ khu vực, sẵn sàng trở thành một địa điểm cho thi đấu Olympic trong tương lai.

  • Lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích làng cổ Phước Tích

    Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ vừa có công văn số 4769/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thống nhất lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích Làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền.

  • Hội chợ Ấn Độ 2024 - Lễ hội tôn vinh sự đa dạng của Ấn Độ

    (Xây dựng) – Ngày 2/11, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội đã tổ chức "Hội chợ Ấn Độ - Lễ hội tôn vinh sự đa dạng của Ấn Độ" tại khuôn viên Đại sứ quán. Lễ hội nhằm mục đích tăng cường mối quan hệ văn hóa trong cộng đồng người Ấn Độ, quảng bá về Ấn Độ đến cộng đồng người Việt Nam và tôn vinh tình hữu nghị truyền thống sâu sắc giữa nhân dân hai nước.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load