Thứ tư 24/04/2024 10:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Vai trò của khoa học công nghệ trong việc thực hiện các chức năng quản lý của Bộ Xây dựng

18:36 | 10/06/2022

(Xây dựng) – Để từng bước thực hiện Chiến lược phát triển khoa học công nghệ ngành Xây dựng một cách có hiệu quả, các nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN) những năm gần đây được Bộ Xây dựng phê duyệt tập trung hơn với nhiều đề tài có liên quan, hỗ trợ lẫn nhau trong cùng một lĩnh vực. Các nhiệm vụ KHCN góp phần làm sáng tỏ cơ sở khoa học trong xây dựng các chiến lược, định hướng phát triển ngành; các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực làm chủ công nghệ xây dựng, công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng, nâng cao năng suất, ứng dụng kỹ thuật mới trong xây dựng hiện đại.

vai tro cua khoa hoc cong nghe trong viec thuc hien cac chuc nang quan ly cua bo xay dung
Giai đoạn 2016-2020 đánh dấu nhiều sự thay đổi trong công tác nghiên cứu KHCN của ngành Xây dựng.

KHCN có vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất lao động, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cung cấp luận cứ khoa học cho hoạch định cơ chế chính sách, là một trong những động lực chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về việc ban hành và triển khai các chính sách, pháp luật về phát triển khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành công nghiệp xây dựng.

Giai đoạn 2016-2021, từ kết quả nghiên cứu KHCN, Bộ Xây dựng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để tăng cường và phục vụ công tác quản lý ngành Xây dựng. Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ 05 Đề án quan trọng cùng các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm giai đoạn 2016-2020 như: Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình theo Quyết định số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng theo Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng - cấu phần Bộ Xây dựng theo Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 18/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án "Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030" của Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018; Đề án "Phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) phục vụ các công trình ven biển và hải đảo" theo Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 25/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

KHCN đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chức năng quản lý của Bộ Xây dựng. Cụ thể:

KHCN góp phần hoàn thiện thể chế

Nghiên cứu đánh giá tác động của pháp luật xây dựng, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật. Từ 2016-2020, kinh phí KHCN cấp cho các Cục, Vụ trong Bộ để hỗ trợ, nghiên cứu cơ sở khoa học, lý luận thực tiễn đề xuất ban hành văn bản quy phạm pháp luật như: Nghiên cứu đề xuất các nội dung của Luật Kiến trúc được Quốc hội khóa XIV thông qua năm 2019, các nội dung sửa đổi của Luật Xây dựng 2014 đã được thông qua năm 2020, các nội dung của các Nghị định và Thông tư do Bộ Xây dựng trình (Thông tư số 22/2016/TT-BXD ngày 01/7/2016, Thông tư số 23/2016/TT-BXD ngày 01/7/2016, Nghị định số 100/2018/NĐ-CP, Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 13/3/2018, Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 25/8/2018; Thông tư số 07/2016/TT-BXD về điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng; Thông tư số 08/2016/TT-BXD hướng dẫn một số nội dung về hợp đồng tư vấn xây dựng; Thông tư số 09/2016/TT-BXD về hợp đồng thi công xây dựng và Thông tư về Hợp đồng tổng thầu EPC; Thông tư 01/2018/TT-BXD ngày 05/1/2018 quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh…). Đây là các văn bản quy phạm pháp luật rất quan trọng nhằm đổi mới quản lý hoạt động xây dựng, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra.

KHCN nhằm ứng dụng giải quyết các vấn đề của thực tiễn đặt ra, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền công nghiệp xây dựng Việt Nam

Lĩnh vực VLXD: Các nghiên cứu giai đoạn này đã bám sát Chiến lược phát triển KHCN, đồng thời tiệm cận với các xu thế phát triển KHCN về VLXD trong khu vực và trên thế giới. Các nhóm nhiệm vụ bao gồm: Nghiên cứu xây dựng các quy hoạch phát triển VLXD; nghiên cứu khảo sát, điều tra phục vụ công tác quản lý Nhà nước; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sản xuất các sản phẩm VLXD và nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất VLXD; nghiên cứu xây dựng, biên soạn các tiêu chuẩn, quy chuẩn góp phần hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN và cơ chế chính sách, các quy định pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, đã xây dựng tổng cộng 85 TCVN bao trùm các loại sản phẩm VLXD: xi măng, bê tông, kính, gạch ốp lát, vật liệu chịu lửa, sơn xây dựng, thạch cao, phụ gia hóa học cho bê tông, phế thải công nghiệp và các phương pháp thử về lĩnh vực: chống cháy, tính năng nhiệt của sản phẩm, hạ tầng kỹ thuật… Xây dựng các phương pháp thử mới trong lĩnh vực chống cháy và phương pháp thử mới về tính năng nhiệt của VLXD. Đặc biệt, các nhiệm vụ KHCN trọng điểm như: Nghiên cứu phát triển vật liệu xây và cấu kiện không nung cho công trình xây dựng đến năm 2020; Nghiên cứu phát triển VLXD sử dụng tro, xỉ, thạch cao đã qua xử lý từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón và các cơ sở công nghiệp phát thải khác", đã góp phần phát triển ngành Xây dựng theo hướng xanh, bền vững.

Lĩnh vực thiết kế, xây dựng công trình và công nghệ xây dựng

Một trong những yếu tố quan trọng khi thiết kế công trình xây dựng là dữ liệu đầu vào như hoạt tải sử dụng, gió, bão và các điều kiện tự nhiên khác. Nếu yếu tố đầu vào lấy nhỏ hơn giá trị thực tế thì công trình sẽ mất an toàn về chịu lực, ổn định, độ bền vững, còn lấy lớn hơn giá trị thực tế thì gây lãng phí. Để đảm bảo độ tin cậy của số liệu đầu vào trong tính toán công trình xây dựng, Bộ xây dựng đã giao cho Viện Khoa học Công nghệ và Xây dựng đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện cơ sở dữ liệu các tác động tự nhiên của Việt Nam phục vụ xây dựng công trình” để làm cơ sở soát xét QCVN 02:2009/BXD, đến nay nhiệm vụ đã được nghiệm thu và quy chuẩn này đang được rà soát lần cuối trước khi ban hành.

Để đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà cao tầng, một số công nghệ như cốp pha trượt vách cứng, sàn ứng lực trước bán lắp ghép (Vinaconex đã áp dụng cho nhà đến 34 tầng), tổ hợp dàn giáo, cốp pha nhôm định hình tổ hợp linh hoạt của các nhà thầu nước ngoài được giới thiệu và áp dụng rộng rãi, công nghệ thi công đổ bê tông đồng thời cột vách dầm... đã được đầu tư và áp dụng.

Lĩnh vực nền móng, các nhà thầu tư vấn và xây dựng Việt Nam đã ứng dụng được nhiều giải pháp từ đề tài về tiêu chuẩn móng cọc (TCVN 10304 - Tiêu chuẩn thiết kế) để thiết kế, thi công các loại cọc làm móng cho công trình từ thấp đến cao, siêu cao tầng. Hoặc đề tài liên quan đến quan trắc hố đào khi xây dựng phần ngầm của nhà cao tầng (đến 5 tầng ngầm) đã được nhiều nhà thầu thực hiện thành công. Các nhà thầu bước đầu áp dụng thành công công nghệ thi công TOPDOWN, trong đó sử dụng hệ Kingpost bằng thép (công trình Metropolist Liễu Giai – nhà thầu Coteccons), cọc – cột (công trình tại 69B Thụy Khê – Hòa Bình) để chống đỡ cho khối nhà cao tầng khi thi công đồng thời cả tầng hầm và tầng nổi.

Đối với một số kết cấu phức tạp khác như giàn không gian nhịp lớn, các nhà thầu tư vấn và chế tạo trong nước đã tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Đức và Ý đã chế tạo được cấu kiện với độ chính xác cao cho giàn không gian và giàn chuyển kết cấu thép vượt nhịp lớn (công trình trụ sở Cục Viễn Thông – Giàn chuyển thép vượt nhịp từ 16m ÷ 40m đỡ 17 tầng văn phòng. Ở lĩnh vực thiết kế và thi công xây dựng, Việt Nam có trình độ ở mức cao trong khu vực (TOP 5 ASEAN) nhờ áp dụng những thành tựu KHCN.

Hoạt động KHCN trong ngành Xây dựng đã đóng góp vai trò quan trọng cho sự phát triển nền KHCN Việt Nam nói chung và sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành nói riêng. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã được áp dụng vào thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu của sản xuất, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng. Phát triển nguồn nguyên liệu thay thế nhập ngoại, đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đóng góp của KHCN đã khẳng định được vai trò trong phát triển lĩnh vực xây dựng, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bài 2: Ứng dụng các nghiên cứu khoa học công nghệ trong phát triển ngành Xây dựng

Khánh Hòa – Thu Hằng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load