Thứ tư 09/10/2024 07:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Vài suy nghĩ về quy hoạch kiến trúc nông thôn

09:00 | 14/07/2009

Sau hơn 20 năm đổi mới đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu to lớn. Bộ mặt nông thôn biến đổi từng ngày. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng hiện đã tồn tại những vấn đề không nhỏ do suốt một thời gian dài chúng ta chưa quan tâm đến công tác quy hoạch  xây dựng. Hơn nữa nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân về công tác quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn còn thấp. Các công trình xây dựng được triển khai mang tính cục bộ, trước mắt.


Kiến trúc nông thôn giờ cũng giống thành thị.

Có thể thấy, bắt đầu thời kỳ sau đổi mới đã xuất hiện nhiều điểm dân cư mới tách ra khỏi cấu trúc làng cũ. Ranh giới làng, thậm chí xã không còn rõ rệt. Cấu trúc điểm dân cư theo hướng mở, đa cực. Không gian khu trung tâm xã tiếp tục mở rộng, phát triển, nhất là khu vực các công trình văn hoá, thể thao. Không gian khu vực thương mại, dịch vụ quy mô cấp xã phát triển mang tính tập trung. Xuất hiện một số công trình dịch vụ, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tác động đáng kể đến bộ mặt kiến trúc nông thôn. Một số công trình tôn giáo, tín ngưỡng được khôi phục và mở rộng. Xuất hiện nhiều nhà thờ họ, nhà nghỉ cuối tuần của những gia đình khá giả không còn ở quê nhưng vẫn về xây dựng trên phần đất của tổ tiên. Cảnh quan thiên nhiên, cây truyền thống chỉ tồn tại ở các di tích văn hoá. 

Xuất hiện loại hình khuôn viên các hộ gia đình quy hoạch theo kiểu công viên, có đường dạo, cây cảnh. Tiếp tục xuất hiện nhiều công trình nhà ở với quy mô, phong cách kiến trúc khác nhau do thành phần đa dạng của chủ nhà. 

Xu hướng phát triển chủ yếu là các công trình nhà ở kết cấu tường gạch chịu lực, sàn mái bê tông cốt thép. Một số nhà kết cấu khung bê tông cốt thép. Xuất hiện rất nhiều loại vật liệu mới như kính khung nhôm, các loại vật liệu ốp, lát, tôn màu, tấm nhựa, gạch men và đá cao cấp…

Các khu ở mới, nhà có diện tích một hộ chỉ khoảng 100m2, thậm chí 50m2. Bên cạnh đó xuất hiện một số kiểu nhà vườn, trang trại của các hộ khá giả (kể cả các hộ ở thành phố về xây dựng).

Tạo sắc thái riêng cho không gian nông thôn

Gần đây Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến tình hình phát triển ở khu vực  nông thôn. Ngày 16/4/2009 của Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (trong đó quy hoạch là một trong 5 nhóm tiêu chí).

Từ quy hoạch, kiến trúc làng truyền thống, chúng ta sẽ xây dựng nông thôn mới trên cơ sở giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá của cha ông để lại như thế nào? Đây là một vấn đề không đơn giản.

Các nguyên tắc tổ chức mới cho không gian trong một nhà ở, trong một khuôn viên, trong một điểm dân cư (làng, xã) sẽ là như thế nào? Nếu chúng ta không chỉ ra được những nguyên tắc cơ bản nhất có tính lý luận thực tiễn cao thay thế cho những chuẩn mực cũ thì chúng ta sẽ mất phương hướng từ giai đoạn đầu tiên cho quá trình tư duy nghiên cứu quy hoạch kiến trúc nông thôn. Bởi những vấn đề đó hàm chứa rất nhiều vấn đề cơ bản của văn hoá nông thôn, văn hoá nông thôn mới Việt Nam (bao gồm toàn bộ các hoạt động tinh thần, vật chất của mỗi cá nhân, một cộng đồng dân cư nông thôn). Các văn bản hướng dẫn của Nhà nước như nghị định, thông tư, tiêu chí về nông thôn mới… chỉ thể hiện một phần nhỏ và mang tính định lượng đủ không trả lời được cho những vấn đề nêu trên.

Ở đây, tôi không có tham vọng đi sâu vào những vấn đề rộng lớn và phức tạp nêu trên. Những vấn đề đó dành cho các cơ quan nghiên cứu với nhiều nhà khoa học. Tôi chỉ xin nêu một vài suy nghĩ (theo chủ quan của bản thân) về ý tưởng quy hoạch, kiến trúc nông thôn mới:

Vật liệu xây dựng và vật liệu hoàn thiện: Nên sử dụng một số vật liệu truyền thống còn phù hợp, sử dụng một số vật liệu mới phù hợp với điều kiện khí hậu ở miền Bắc: hạn chế được gió lạnh về mùa Đông, hạn chế được nắng nóng về mùa hè, chống chọi được với mưa gió, giông bão. Kiến trúc, vật liệu có hình khối, đường nét, màu sắc phù hợp với phong cách của người dân đồng bằng Bắc bộ: Nhẹ nhàng, dung dị, hoà đồng với môi trường thiên nhiên.

Không gian ở: Tổ chức không gian liên kết (vừa đa năng vừa riêng biệt) tạo môi trường giao tiếp cho sinh hoạt chung trong gia đình, với khách đồng thời thuận lợi cho sinh hoạt của mỗi cá nhân. Không gian ở liên kết mở, hài hoà với không gian sân vườn, môi trường xung quanh theo truyền thống.

Không gian khuôn viên hộ gia đình: Tổ chức linh hoạt hơn khuôn viên truyền thống, tuy nhiên phải hài hoà với không gian chung, có đủ diện tích cần thiết cho sân vườn, cây xanh mặt nước. Mật độ xây dựng, chiều cao công trình vừa phải, hài hoà, phù hợp với không gian môi trường nông thôn.

Không gian thôn, làng: Tổ chức liên kết các không gian công cộng với các công trình văn hoá, tín ngưỡng, hành chính và khu vực dịch vụ có sân vườn, cây xanh mặt nước tạo môi trường cảnh quan hấp dẫn, có sắc thái riêng của thôn, làng. Không gian công cộng phải thu hút được các hoạt động, giao tiếp cộng đồng.

Tổ chức không gian trung tâm xã: Phải tạo được không gian trung tâm với các công trình trụ sở UBND xã, công trình văn hoá, sân vận động, trường học thành một quần thể thống nhất làm điểm nhấn cho không gian kiến trúc toàn xã. Mạng lưới đường, quảng trường, sân vận động với cây xanh, hồ nước phải đủ quy mô,  phục vụ và tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động cộng đồng phạm vi xã. Không gian trung tâm của mỗi xã phải tạo được sắc thái riêng…

KTS Nguyễn Văn Thường PGĐ Trung tâm QHĐT & NT Hải Dương.

Theo baoxaydung.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load