Thứ tư 15/01/2025 16:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

UBTVQH thông qua 3 Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính

09:28 | 17/10/2019

Ủy ban Pháp luật tán thành với phương án sắp xếp 146 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa để hình thành 70 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 76 đơn vị hành chính cấp xã trong toàn tỉnh...


Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 38, chiều 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập hai phường Tân Hưng và Nam Đồng thuộc thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương; thị trấn Nưa thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa và 3 phường Hòa Long, Nam Sơn, Kim Chân, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

Thành lập một số đơn vị hành chính mới

Trình bày báo cáo thẩm tra các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hải Dương; mở rộng địa giới hành chính thành phố Hải Dương và thành lập 3 phường thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ hồ sơ các Đề án của Chính phủ đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ, chất lượng.

Các Đề án đã được lấy ý kiến của cử tri, của Hội đồng nhân dân ở các đơn vị hành chính chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao.

Ủy ban Pháp luật tán thành với phương án sắp xếp 146 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa để hình thành 70 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 76 đơn vị hành chính cấp xã trong toàn tỉnh, chiếm 11,9%.

Đồng thời, nhất trí phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của tỉnh Thanh Hóa.

Đối với Đề án của tỉnh Hải Dương, Ủy ban Pháp luật nhất trí phương án sắp xếp 55 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương để hình thành 25 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 30 đơn vị hành chính cấp xã trong toàn tỉnh, chiếm 11,7%.

Cùng với đó, thành lập 2 phường Nam Đồng và Tân Hưng và mở rộng địa giới hành chính thành phố Hải Dương, sau khi điều chỉnh nhập thêm các xã Gia Xuyên và Liên Hồng (huyện Gia Lộc); xã Tiền Tiến và Quyết Thắng (huyện Thanh Hà) và xã Ngọc Sơn (huyện Tứ Kỳ).

Ủy ban Pháp luật cũng nhất trí với việc điều chỉnh địa giới hành chính tại 48 khu vực trên địa bàn thành phố Hải Dương. Tuy nhiên, do số lượng khu vực được đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính là rất nhiều; diện tích tự nhiên từng phần được đề xuất điều chỉnh rất nhỏ, nhiều khu vực đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính không có dân.

Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ghi cụ thể dân số, diện tích tự nhiên được điều chỉnh mà chỉ quy định khái quát theo hướng ghi nhận việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính các phường, xã của thành phố Hải Dương.

Với Đề án của tỉnh Bắc Ninh, Ủy ban Pháp luật cho rằng, 3 xã Hòa Long, Kim Chân và Nam Sơn thuộc thành phố Bắc Ninh đều bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện thành lập phường theo quy định.

Do vậy, Ủy ban Pháp luật ủng hộ việc thành lập 3 phường Hòa Long, Kim Chân và Nam Sơn thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Để bảo đảm hoàn thành tiến độ xem xét, thông qua các đề án trong năm 2019, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ và các địa phương khẩn trương xây dựng tờ trình, đề án về việc sắp xếp đơn vị hành chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong tháng 10 và tháng 11/2019; đề nghị Chính phủ tổng hợp, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của địa phương để có biện pháp kịp thời tháo gỡ, khắc phục; Chính phủ, chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nỗ lực, quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả đề án.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhất trí với Tờ trình và báo cáo thẩm tra và đề nghị, việc sắp xếp các đơn vị hành chính liên quan đến văn hóa truyền thống của mỗi địa phương, từ cấp thôn xã đến quận, huyện cũng như liên quan đến thủ tục giấy tờ, hồ sơ, sổ đỏ, con dấu và các mặt liên quan khác như đảm bảo cơ sở sinh hoạt cho người dân. Vì vậy, cần lưu ý để tránh những vấn đề phát sinh dẫn đến khiếu kiện.

"Một số đơn vị sáp nhập vừa rồi người dân đã có ý kiến. Đề nghị các địa phương hết sức chú ý,” Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thông qua các đề án thành lập 2 phường Tân Hưng và Nam Đồng thuộc thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương); thành lập thị trấn Nưa thuộc huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa) và thành lập 3 phường Hòa Long, Nam Sơn, Kim Chân thuộc thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh).

Làm rõ cơ sở thực tiễn, pháp lý của việc thí điểm

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026, tại phiên họp, đa số ý kiến tán thành với việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021- 2026.

Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để quy định việc thí điểm là phù hợp, bảo đảm cơ sở pháp lý, nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn tỏ ý băn khoăn về cơ sở thực tiễn và pháp lý của việc thí điểm cũng như tên gọi của Ủy ban Nhân dân phường khi không còn Hội đồng nhân dân đồng cấp nữa.

Các ý kiến cũng đề nghị, để dự thảo đủ điều kiện trình Quốc hội, đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ cơ sở chính trị-pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc thí điểm; mục đích, yêu cầu; phạm vi thí điểm và tính khả thi của việc thực hiện thí điểm tại tất cả các phường, tại các quận và thị xã Sơn Tây thuộc thành phố Hà Nội.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội do ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật trình bày cũng nêu rõ: Nội dung Chính phủ trình mới đáp ứng được một phần yêu cầu nêu trong Kết luận của Bộ Chính trị, chưa có nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho thành phố Hà Nội.

Vì vậy, để bảo đảm tính đồng bộ, tổng thể trong việc trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, có ý kiến đề nghị Chính phủ bổ sung thêm nội dung trình Quốc hội quyết định vấn đề phân quyền, phân cấp, ủy quyền một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hà Nội.

Dẫn chứng nghị quyết của Đảng, “nơi nào có chính quyền, nơi đó phải có hội đồng nhân dân,” một số đại biểu đặt câu hỏi về mô hình của Ủy ban Nhân dân phường khi không còn Hội đồng nhân dân.

Bày tỏ băn khoăn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Phan Thanh Bình nêu ý kiến: Bây giờ là Ủy ban hành chính hay Ủy ban Nhân dân.

Thực ra Ủy ban Nhân dân khác với Ủy ban hành chính. Nhưng trong dự thảo nghị quyết giữ nguyên các nhiệm vụ của Ủy ban Nhân dân, thậm chí là quyết định luôn vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương?"

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết quá trình xây dựng đề án, về bản chất là Ủy ban hành chính nhưng tính đi tính lại vẫn lấy là Ủy ban Nhân dân. Nếu thay đổi tên gọi thì toàn bộ hồ sơ lý lịch của 5 triệu người phải đính chính. Phần mềm dữ liệu cốt lõi phải thay đổi toàn bộ, giấy tờ sổ đỏ, chứng minh thư cũng phải thay đổi toàn bộ.

Đánh giá đây là nội dung rất nhạy cảm, hệ trọng, các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan có sự chủ động trong công tác tuyên truyền, định hướng, nắm bắt dư luận để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời hành vi lôi kéo, kích động, xuyên tạc./.

Theo Hạnh Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load