Tại Hội nghị khoa học về nội tiết-chuyển hóa toàn quốc lần thứ VII diễn ra ngày 3/10 ở Hà Nội, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường trên toàn quốc hiện ở mức 5,42%.
Hội nghị do Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam tổ chức với sự tham gia của các giáo sư, bác sỹ chuyên khoa nội tiết đến từ các bệnh viện, học viện trong cả nước.
Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng cho biết trong hoàn cảnh gia tăng số lượng người mắc bệnh đái tháo đường và hội chứng chuyển hóa (do thay đổi về lối sống, sự hiểu biết của cộng đồng về bệnh còn thấp), năm 2012 Dự án quốc gia phòng chống đái tháo đường đã triển khai lập bản đồ dịch tễ học đái tháo đường tại 6 vùng sinh thái trên toàn quốc nhằm xác định tỷ lệ mắc đái tháo đường và một số nguy cơ liên quan đến bệnh đái tháo đường.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Dự án đã điều tra trên 11.000 người trong độ tuổi từ 30-69 tuổi. Kết quả cho thấy tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường trên toàn quốc là 5,42%; trong đó tại miền núi phía Bắc 4,82%, đồng bằng sông Hồng 5,81%, duyên hải miền Trung 6,37%, Tây Nguyên 3,82%, Đông Nam Bộ 5,95% và Tây Nam Bộ là 7,18%.
Những người trên 45 tuổi có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao hơn những người dưới 45 tuổi; những người có vòng eo lớn có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao hơn những người có vòng eo bình thường; những người có huyết áp tăng cũng có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn những người không bị tăng huyết áp...
Đại điện nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y và Bệnh viện Nhi Trung ương nêu rõ các biến chứng lâu dài của bệnh đái tháo đường như biến chứng mắt và thận ngày được quan tâm vì đây là nguyên nhân quan trọng gây mù lòa và suy thận giai đoạn cuối.
Qua nghiên cứu cho thấy biến chứng mắt gặp ở 23,5% số bệnh nhân, biến chứng thận gặp ở 22,2% số bệnh nhân, biến chứng mắt và thận đồng thời phát hiện ở 13,6% số bệnh nhân. Thời gian mắc bệnh càng dài thì tỷ lệ biến chứng càng cao. Biện pháp tốt nhất làm chậm quá trình bệnh lý tại mắt và thận là kiểm soát đường máu...
Theo tiến sỹ, bác sỹ Hoàng Kim Ước và Thạc sỹ, bác sỹ Vũ Thị Hiền Trinh (Bệnh viện Nội tiết Trung ương), đái tháo đường thai kỳ được phát hiện muộn hơn so với thời gian khuyến cáo cần sàng lọc.
Bệnh đã bước đầu ảnh hưởng làm tăng cân nặng của bào thai. Hầu hết các đối tượng bị bệnh thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ cao và bệnh không có đặc điểm lâm sàng rõ rệt cũng như không khác biệt nhiều so với nhóm thai kỳ bình thường.
Hội nghị khoa học về nội tiết-chuyển hóa toàn quốc lần thứ VII diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 2-4/10) với nhiều báo cáo tập trung vào các chuyên đề như những vấn đề chung về bệnh đái tháo đường; bệnh đái tháo đường và tim mạch; bệnh đái tháo đường và bệnh thận; bàn chân đái tháo đường; đái tháo đường thai kỳ; rối loạn lipid máu và một số chất khác ở bệnh nhân đái tháo đường; hội chứng chuyển hóa và bệnh béo phì; bệnh tuyến giáp; bệnh tuyến yên; nội tiết nhi; loãng xương và một số vấn đề khác liên quan đến bệnh đái tháo đường.
Hội nghị chuyên ngành về nội tiết-chuyển hóa của Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam được tổ chức 2 năm một lần nhằm đánh giá lại các hoạt động nghiên cứu khoa học, công tác điều trị chuyên khoa trong nước và xác định những nhiệm vụ của chuyên ngành trong giai đoạn tới.
Hội nghị cũng là dịp để Hội chức động viên, khuyến khích các nhà khoa học nỗ lực hơn vì sự nghiệp dự phòng, chăm sóc, điều trị và theo dõi bệnh nhân thuộc chuyên ngành nội tiết, đái tháo đường và bệnh lý chuyển hóa trên toàn quốc...
Theo Vietnamplus
Theo