- Hà Nội chi 53 tỷ đồng mỗi năm để cắt cỏ 24km đại lộ Thăng Long
- Nhiều tuyến đường Hà Nội tốn tiền tỷ mỗi tháng để cắt cỏ, tỉa cành
Khoản chi cho cắt cỏ lên tới 53 tỷ đồng mỗi năm mới được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tiết lộ không đơn giản chỉ là việc "vung tay" của một địa phương mà câu hỏi lớn hơn nhiều người đặt ra là, những năm qua, có bao nhiêu khoản được vung như thế và kỷ luật ngân sách hiện nay có quá lỏng lẻo?
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Chi tiêu tiền tỷ, giám sát tới đâu
Chính Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội khi tiết lộ về khoản chi phí cắt cỏ cho 24km Đại lộ Thăng Long là 53 tỷ đồng một năm đã lên tiếng cảm thán: Chi phí như trên là không thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, cũng chỉ khi vị lãnh đạo thành phố đưa ra con số cụ thể như vậy, người dân mới "ồ" lên rằng, hóa ra thành phố đã bạo tay chi những khoản như thế.
Sự lãng phí là vấn đề được bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam nêu lên khi nói về câu chuyện này. "Hiện mọi người quan tâm nhiều tới thất thu thuế nhưng vấn đề lớn là chi bất cập thì còn ít người quan tâm," bà Cúc lên tiếng.
Theo bà, luật ngân sách hiện tại đã phân cấp rõ ràng và ngân sách của từng địa phương, việc thu chi, phân bổ ngân sách ra sao sẽ có Hội đồng Nhân dân của địa phương đó duyệt. Việc quyết toán tổng chi sau đó cũng được thành phố thực hiện để báo cáo tuy nhiên quyết toán thường chỉ có tổng chi mà không chi li cho từng khoản cắt cỏ, chống ngập úng,...
Điều này cũng được ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính thừa nhận. Ông khẳng định, việc phân cấp ngân sách cũng đồng nghĩa các địa phương toàn quyền chủ động thu, chi của địa phương mình.
Việc báo cáo Trung ương theo ông Hưng cũng không được báo cáo từng nhiệm vụ mà chỉ có con số tổng chi.
"Làm sao biết được người ta chi cắt cỏ chỗ này bao nhiêu. Cái này bọn tôi không biết," đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Có cái nhìn chi tiết hơn, bà Dương Thị Việt Anh, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) đặt ra câu hỏi về cách tính cho khoản chi trên ra sao và những khoản này được công khai, góp ý như thế nào.
"Về chi tiết, các khoản chi phải có phê duyệt của Hội đồng Nhân dân nhưng Hội đồng nhân dân có đọc không. Đây không phải vài trăm nghìn đồng hay vài trăm triệu đồng. Đó là khoản lớn thì Hội đồng Nhân dân phải biết, và liệu Hội đồng nhân dân có chất vấn không," bà Việt Anh nêu câu hỏi.
Theo bà, đây có thể không phải là khoản tiền mới chi mà đã được thực hiện trong nhiều năm. "Người dân không thể biết chi tiết mà phải trông vào Hội đồng Nhân dân," đại diện CDI nêu vấn đề.
Kỷ luật ngân sách lỏng lẻo
Việc chi vài chục tỷ đồng cắt cỏ ở Hà Nội gợi nhớ về một loạt vụ việc địa phương rỗng túi gây xôn xao dư luận cuối năm 2015.
Chuyện là, tỉnh Cà Mau những tháng cuối năm 2015 đã phải xin tạm ứng ngân sách của năm 2016 cho thành phố Cà Mau để giải quyết khó khăn vì không còn tiền trả lương cán bộ, công chức. Tương tự, Thành ủy Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) cuối năm ngoái cũng cho biết, kinh phí chỉ còn đủ trả lương và tiền điện nước đến hết tháng 11/2015 sau đó chưa biết lấy tiền đâu trả lương. Sau đó không lâu, tới lượt 14 bệnh viện ở Đăk Lăk kêu thiếu tiền trả cho bác sỹ, cán bộ, công nhân viên vì hụt thu.
Hà Nội có thể chưa tới mức phải cùng kiệt như thế nhưng đặt trong bức tranh lớn hơn khi thu ngân sách năm nay không mấy dễ dàng, nợ công tăng nhanh, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, kỷ luật tài chính đang thực sự lỏng lẻo.
Nhắc lại quyết toán ngân sách năm 2014 vừa trình Quốc hội trong kỳ họp gần đây, ông Long cho hay, mức bội chi ngân sách theo dự toán là 5,3% GDP nhưng thực tế lên tới 6,61% GDP.
"Nguyên nhân cơ bản là kỷ luật ngân sách lỏng lẻo, chi sai định mức, vượt dự toán," vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh lại.
Cũng về kỷ luật ngân sách, ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính lại đặt ra lo lắng về tốc độ thu ngân sách không đạt kế hoạch nhưng chi vẫn theo kế hoạch.
Riêng về chi ngân sách, đây là vấn đề theo ông "khó" từ lâu khi chi thường xuyên quá nhiều, chiếm tới 2/3 tổng chi khiến nhiều khoản chi khác như chi đầu tư phát triển bị ảnh hưởng.
Ông khẳng định, bất cứ khoản chi nào lãng phí trong thời điểm hiện tại cũng là vấn đề nhất là khi nhu cầu về cơ sở hạ tầng đang rất lớn. Khoản chi này theo ông nếu tạo thành nút thắt sẽ dẫn tới khu vực sản xuất, thương mại cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Cũng về câu chuyện này, bà Dương Thị Việt Anh, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển và Hội nhập cho rằng, bài toán đang đặt ra không chỉ Hà Nội hay một địa phương nào mà cần công khai minh bạch cả ngân sách Trung ương.
Theo bà, Luật ngân sách Nhà nước năm 2015 sắp có hiệu lực có nêu quy định, dự toán ngân sách sẽ không chỉ gửi tới đại biểu Quốc hội mà còn được công khai để người dân cùng biết trước khi Quốc hội "bấm nút." Điều này được bà hy vọng giúp mọi người biết xem từng khoản chi cho các lĩnh vực dự kiến là bao nhiêu, có hợp lý hay chưa.
Tổng thu ngân sách 7 tháng đạt 583.600 tỷ đồng, bằng 57,5% dự toán năm trong đó riêng thu nội địa đạt 472.700 tỷ đồng, bằng 60,2% dự toán năm. Trong khi ấy, thu từ dầu thô trong 7 tháng năm nay mới đạt 23.900 tỷ đồng, bằng 43,9% dự toán năm. Số thu trên giảm 43,4% so với cùng kỳ năm 2015. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu sau 7 tháng ước đạt trên 150.000 tỷ đồng, bằng 55,7% dự toán năm.
Cũng trong 7 tháng, chi ngân sách đạt hơn 662.000 tỷ đồng, tăng 4,9% so cùng kỳ năm 2015. Qua đó, bội chi ngân sách ước 7 tháng là 78.500 tỷ đồng, bằng khoảng 31% dự toán năm.
Theo Xuân Dũng/Vietnamplus
Theo