Thứ hai 27/01/2025 22:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2025)

Tư cách một người cách mệnh với giáo dục, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên hiện nay

08:23 | 27/01/2025

Đầu Xuân Canh Ngọ 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản họp ở Hồng Công (Trung Quốc) từ ngày 6/1 đến ngày 7/2 để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là sự kiện trọng đại, một bước ngoặt lịch sử, là kết quả tất yếu của sự phát triển phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, trước yêu cầu cần phải có một đảng chân chính cách mạng lãnh đạo.

Tư cách một người cách mệnh với giáo dục, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng công tác cán bộ. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Trước đó, năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã xuất bản tác phẩm nổi tiếng Đường Cách mệnh (sau này được xếp hạng là bảo vật quốc gia). Tác phẩm đó là sự chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chính trị, tư tưởng, lý luận và về tổ chức, cán bộ để thành lập Đảng Cộng sản, thực hiện vai trò lãnh đạo và sứ mệnh lịch sử của Đảng. Trong các điều kiện cơ bản, Nguyễn Ái Quốc đặc biệt đề cao vai trò của cán bộ, Người nêu ở trang đầu về tư cách một người cách mệnh với 23 điều[1].

Đó là những vấn đề căn cốt nhất đối với một người cách mạng. Phải có lý tưởng cách mạng, giữ chủ nghĩa cho vững. Đặt nhiệm vụ cách mạng vì dân, vì nước lên trên hết, vị công vong tư. Phải cần kiệm, ít lòng tham muốn về vật chất. Luôn luôn học hỏi, nghiên cứu, xem xét. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Sẵn sàng hy sinh vì cách mạng. Nói thì phải làm. Cả quyết sửa lỗi mình. Giữ nghiêm kỷ luật. Với người khác thì khoan thứ. Làm việc phải xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán, dũng cảm, phục tùng đoàn thể.

Quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng công tác cán bộ. Người nhấn mạnh trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947): Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng.

Đặc biệt chú trọng giáo dục, tu dưỡng đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên, coi đạo đức là gốc. Hồ Chí Minh cho rằng: "Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra.

Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư"[2]. Người nhấn mạnh những đức tính tốt của người cách mạng: NHÂN, NGHĨA, TRÍ, DŨNG, LIÊM. Người còn nêu rõ tư cách của Đảng cách mạng chân chính với 12 điều.

Với các lực lượng đặc biệt, đặc thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ những yêu cầu riêng. Năm 1948, Người đề ra 6 điều về tư cách người công an cách mạng, trong đó điều đầu tiên, đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính. Cũng năm đó, Người nêu ra 4 điều của người làm tướng, trong đó có "Hạnh dục phương" nghĩa là đạo đức, đức hạnh phải vuông vắn, ngay thẳng. Người nói chuyện tại Hội nghị quân sự lần thứ năm (8/1948) nhấn mạnh, trong quân đội nhiệm vụ của người tướng là: Trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung.

Trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, càng phải đề cao đạo đức của cán bộ, đảng viên. Năm 1958, Hồ Chí Minh viết tác phẩm Đạo đức cách mạng nêu rõ những chuẩn mực về đạo đức của người cách mạng. Ngày 3/2/1969, Người viết bài Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Tháng 6/1968, Hồ Chí Minh nêu rõ: Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu thì mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Người nhấn mạnh: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân"[3].

Thấm nhuần những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước, thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn chú trọng nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo, cầm quyền và đạo đức cách mạng trong Đảng, phê phán và xử lý nghiêm những thói hư, tật xấu trái với tư cách của người cách mạng. Phần đông cán bộ, đảng viên không ngừng học hỏi nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh, rèn luyện đạo đức và được nhân dân tin cậy.

Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên có những khuyết điểm, sai phạm lớn, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Hội nghị Trung ương 4 khóa XII (10/2016) thẳng thắn chỉ rõ: "Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ"[4].

Từ thực tế đó, vấn đề giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, bồi đắp phẩm chất, tư cách của người cách mạng càng trở nên bức thiết. Đại hội XIII của Đảng (1/2021) nhấn mạnh: "Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ"[5].

Trong sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Công tác cán bộ lại là then chốt của xây dựng Đảng. Nhiều năm vừa qua, Đảng quyết tâm lãnh đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và đã có những kết quả rất quan trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân ủng hộ và tin tưởng.

Không ít cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo cao cấp mắc khuyết điểm, sai phạm phải thôi giữ các chức vụ, bị thi hành kỷ luật đảng, nhà nước, truy cứu trách nhiệm hình sự. Những cán bộ, đảng viên sai phạm đó đều xuất phát từ các nguyên nhân đã được chỉ rõ. Buông lỏng và thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý. Vi phạm các nguyên tắc, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Họ đã không tu dưỡng, rèn luyện phẩm hạnh của chiến sĩ cộng sản và không có được tư cách của một người cách mạng.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành những nghị quyết, quy định rất quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, quy định của Bộ Chính trị về 19 điều đảng viên không được làm, các quy định về trách nhiệm nêu gương…

Từ sự nghiên cứu và tổng kết thực tiễn, ngày 9/5/2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới với 5 điều cơ bản, toàn diện. Điều 1: Yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc. Điều 2: Dân chủ, đổi mới, sáng tạo, hội nhập. Điều 3: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Điều 4: Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm. Điều 5: Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời. Những chuẩn mực đó là cơ sở để cán bộ, đảng viên phấn đấu, rèn luyện.

Đó cũng là nội dung cần được quán triệt trong sinh hoạt chi bộ, cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Chuẩn mực đó là định hướng để xây dựng chương trình, giáo trình giáo dục đạo đức cách mạng trong các nhà trường, trước hết là hệ thống trường Đảng. Hiện nay, Đảng lãnh đạo để tập trung xây dựng tổ chức hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Nhiệm vụ đó gắn liền với sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để phát huy cao nhất tài năng, cống hiến của mỗi người và cũng đặt ra yêu cầu mới về tiêu chuẩn cán bộ và chuẩn mực về tư cách người cách mạng.

Trong điều kiện và hoàn cảnh mới hiện nay, nhất là khi bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nhiều yêu cầu mới đặt ra đối với năng lực, trí tuệ của cán bộ, đảng viên, của chiến sĩ cộng sản và tư cách, phẩm hạnh của con người cách mạng. Phải tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với lý tưởng cách mạng, con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, hùng cường, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Không ngừng học tập, nâng cao trình độ, trí tuệ, năng lực lãnh đạo, quản lý, ứng dụng và thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, cách mạng chuyển đổi số, công nghệ thông tin hiện đại.

Ra sức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, lãng phí và những tiêu cực khác. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, dám hành động vì lợi ích chung. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với những người cộng sản như thế, nhất định dân tộc Việt Nam sẽ đi đến bờ vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước.

------------

[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, trang 280.

[2] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, trang 291.

[3] Hồ Chí Minh Sđd, tập 15, trang 672.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, trang 23.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, trang 180.

Theo PGS, TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC/Nhandan.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load