(Xây dựng) – Thành phố Bắc Giang triển khai xây dựng và đưa ra nhiều giải pháp giúp nâng cao năng lực quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội thông qua ứng dụng công nghệ. Trong đó, việc đưa vào vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh (Trung tâm IOC) bước đầu đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực, đáp ứng được nhu cầu của chính quyền và người dân.
TP Bắc Giang được định hướng phát triển trở thành đô thị xanh, thông minh trong tương lai. |
Thành phố thu nhỏ qua IOC
Những năm qua, từ Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tới các tỉnh, thành phố trong cả nước đều hết sức chú trọng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của chính quyền, hướng tới xây dựng chính phủ điện tử. Không nằm ngoài xu hướng đó, với chiến lược phát triển thành phố theo hướng đô thị xanh, thông minh, thành phố Bắc Giang đã đưa vào vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh với tổng mức đầu tư hơn 27 tỷ đồng.
Trung tâm điều hành IOC TP Bắc Giang với hệ thống màn hình ghép, gồm 27 màn hình được điều khiển bởi hệ thống máy tính và bộ điều khiển màn hình trung tâm. Hệ thống máy chủ phân tích, xử lý dữ liệu bao gồm: 5 máy chủ phân tích xử lý các dữ liệu chuyên ngành IOC Flatform; 2 máy chủ phân tích xử lý thông minh an ninh trật tự - an toàn giao thông từ hệ thống camera của thành phố; 2 máy chủ lưu trữ cơ sở dữ liệu và ứng dụng; 2 hệ thống máy chủ NAS, SAN để lưu dữ liệu lớn tập trung cho toàn bộ thành phố trong nhiều năm.
Hiện Trung tâm IOC của thành phố Bắc Giang đã vận hành với 2 phần mềm chính là nội bộ và thương mại. Trong đó hệ thống phần mềm nội bộ gồm 8 phân hệ là: Kinh tế - xã hội; hành chính công; xây dựng đô thị; tài nguyên môi trường; an ninh trật tự - an toàn giao thông; doanh nghiệp - thương mại; giáo dục; y tế. Hệ thống phần mềm thương mại thuộc lớp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong mô hình tổng thể giám sát camera, phần mềm sử dụng hệ thống camera hiện hữu của thành phố đã trang bị để lấy luồng dữ liệu đưa vào công tác phân tích, giám sát và cảnh báo sớm.
Toàn cảnh Trung tâm IOC thành phố Bắc Giang. |
Đánh giá về hiệu quả bước đầu của Trung tâm IOC, ông Đào Công Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Giang cho biết, sau khi đi vào hoạt động, 8 phân hệ đã phát huy hiệu quả hết sức thiết thực, đóng góp tích cực cho công tác xây dựng đô thị xanh, thông minh của thành phố. Trung tâm đã cung cấp và phản ánh toàn diện các dữ liệu số của thành phố, phục vụ công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo thành phố đối với các vấn đề trên địa bàn. Đồng thời, đây cũng là kênh thông tin giúp người dân nắm bắt, phản ánh các vấn đề xã hội, phát triển đô thị… qua đó, giúp các cơ quan chuyên môn của thành phố kịp thời kiểm tra và xử lý được các vấn đề còn tồn đọng, nâng cao sự tín nhiệm chính quyền đối với người dân.
Cũng theo ông Đào Công Hùng, để đảm bảo mục tiêu hướng tới đô thị xanh, giúp người dân có được bầu không khí với chất lượng tốt nhất, an toàn nhất, thành phố Bắc Giang đã cho triển khai lắp đặt 3 trạm quan trắc môi trường tại các khu vực có tính chất nhạy cảm để xác định mức độ môi trường trên địa bàn gồm: Khu công nghiệp, những khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao, khu vực liên quan tới nông nghiệp có nguy cơ xảy ra ô nhiễm. Khi các dữ liệu phân tích có biểu hiện môi trường xấu, lãnh đạo thành phố sẽ trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện giải pháp để khắc phục môi trường.
Ngoài ra, trung tâm còn phát huy hiệu quả chức năng giám sát bằng việc kết nối hình ảnh, dữ liệu với 326 camera trên địa bàn thành phố. Từ đó, phục vụ công tác giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy…
Bức tranh toàn diện về quy hoạch
Theo UBND thành phố Bắc Giang, trong 8 phân hệ của Trung tâm IOC, xây dựng đô thị là một trong những phân hệ được người dân quan tâm và tương tác thường xuyên. Phân hệ xây dựng đô thị được chia làm 8 chỉ tiêu bao gồm: Tổng số công trình khởi công mới; bản đồ quy hoạch đô thị; tổng số giấy phép xây dựng được cấp và số công trình vi phạm quy định trật tự xây dựng trên địa bàn; tổng số công trình được chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng; số lượng và dân số đô thị; diện tích đất đô thị; dự án đầu tư phát triển đô thị; hiện trạng hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Với Trung tâm IOC, người dân có thể dễ dàng nắm bắt các thông tin quy hoạch thông qua bản đồ quy hoạch được cập nhật thường xuyên, liên tục. |
Chia sẻ rõ nét hơn về phân hệ này, ông Đào Công Hùng cho hay: Hiện nay, tất cả quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và những dự án đã được thành phố tích hợp chung vào mục quy hoạch, do đó người dân sẽ không phải đến Sở Xây dựng, UBND thành phố hay UBND các phường, xã để cập nhật thông tin về quy hoạch, thay vào đó, người dân có thể thông qua các thiết bị điện tử thông minh có kết nối internet để cập nhật quy hoạch mọi lúc, mọi nơi.
Không chỉ vậy, tại chỉ tiêu bản đồ quy hoạch đô thị, thành phố Bắc Giang cũng sẽ cập nhật đầy đủ về mật độ xây dựng, tầng cao, khoảng lùi, giao thông… từ đó sẽ giúp người dân có cái nhìn tổng thể về bức tranh quy hoạch của thành phố và dễ dàng tiếp cận các thông tin cần quan tâm.
Đối với vấn đề xử lý vi phạm trật tự xây dựng, thông qua app ý kiến người dân đô thị UBND thành phố sẽ tiếp nhận các phản ánh, khi xác minh và phát hiện vi phạm trật tự xây dựng sẽ tiến hành thiết lập hồ sơ, biên bản và xử lý theo quy định của pháp luật. “Tại phân hệ xây dựng đô thị, chúng tôi cũng sẽ tiến hành đưa ra các số liệu thống kê số lượng các công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, cũng như việc xử phạt, khắc phục sai phạm và sẽ được công khai để người dân cùng theo dõi, giám sát”, ông Hùng thông tin thêm.
Nói về những khó khăn, vướng mắc khi triển khai Trung tâm IOC thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Giang cho rằng: “Mặc dù đã đi học tập kinh nghiệm một số nơi, nhưng khi đưa vào triển khai chúng tôi vẫn còn gặp nhiều bỡ ngỡ, do đó các cán bộ phụ trách vẫn phải vừa học, vừa làm, vừa nghiên cứu. Thời gian tới, khi đã có kinh nghiệm chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cấp, triển khai giai đoạn 2, dự kiến vào năm 2024”.
Được biết, thời gian tới, UBND thành phố Bắc Giang sẽ tổ chức đánh giá hoạt động của Trung tâm IOC sau một thời gian vận hành; ban hành quy chế vận hành trung tâm. Mỗi phòng, ngành rà soát, đề xuất một dịch vụ thông minh của ngành, hướng đến mục tiêu để người dân được thụ hưởng dịch vụ tốt nhất. Cùng đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết về Hệ thống thông tin phản ánh hiện trường, Trung tâm IOC thành phố, góp phần xây dựng thành phố Bắc Giang xanh, thông minh theo đúng mục tiêu đã đề ra.
Kim Thoa – Thân Nam
Theo