Thứ sáu 19/04/2024 21:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Trung Quốc sẽ không xây dựng thêm các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài

14:25 | 22/09/2021

(Xây dựng) – Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 21/9/2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các nước đang phát triển khác trong việc phát triển xanh, năng lượng carbon thấp và không xây dựng thêm các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài.

trung quoc se khong xay dung them cac du an nhiet dien than moi o nuoc ngoai
Biểu tình phản đối dự án nhà máy điện than Kusile tại Nam Phi do Trung Quốc hậu thuẫn (Ảnh: Internet).

Tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mang tới niềm vui cho các tổ chức và cá nhân hành động vì khí hậu trên toàn cầu. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc trở thành nhà tài trợ lớn nhất cho các dự án điện than tại nước ngoài.

Dữ liệu phân tích từ Trung tâm Chính sách phát triển toàn cầu của Đại học Boston cho biết, từ năm 2013 đến năm 2019, các tổ chức của Trung Quốc đã tham gia đầu tư, tài trợ khoảng 69GW công suất các dự án điện than ở nước ngoài. Trong đó có khoảng 32GW đã hoạt động và 37GW đang trong giai đoạn lập kế hoạch, hoặc xây dựng.

Tính từ năm 2000 đến nay, các quốc gia nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhận vốn từ các ngân hàng chính sách của Trung Quốc vào các dự án điện than theo công suất lắp đặt từ cao xuống thấp lần lượt là Indonesia, Việt Nam, Pakistan, Nam Phi, Ấn Độ và Bangladesh.

Tuy nhiên, hoạt động đầu tư vào các dự án nhiệt điện than ở nước ngoài của Trung Quốc đã giảm mạnh trong những năm gần đây. Tính riêng trong năm 2020, đầu tư của Trung Quốc vào năng lượng tái tạo ở các nước nằm trong sáng kiến Vành đai và Con đường lần đầu tiên vượt qua mức đầu tư vào các dự án năng lượng hóa thạch, chiếm 56% tổng đầu tư vào năng lượng tại các quốc gia đó.

Trong nửa đầu năm 2021, Trung Quốc không cấp vốn, hoặc đầu tư vào bất kỳ dự án than nào (kể cả điện than và khai thác than) tại các nước thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường. Đặc biệt, một số tín hiệu từ Chính phủ và các ngân hàng Trung Quốc đang cho thấy sự chuyển hướng sang giảm dần, hoặc thậm chí chấm dứt hỗ trợ cho các dự án điện than tại nước ngoài.

Trong một tuyên bố chung với Hoa Kỳ vào tháng 4/2021, Trung Quốc đã cam kết mở rộng đầu tư ra nước ngoài để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Đến tháng 7/2021, Bộ Thương mại và Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc đã ban hành “Hướng dẫn về Phát triển Xanh của Hợp tác và Đầu tư ở Nước ngoài”, trong đó khuyến khích các công ty Trung Quốc “tuân theo các quy tắc và các tiêu chuẩn xanh quốc tế” khi đầu tư và hợp tác ở nước ngoài.

Mặt khác, nhiều ngân hàng thương mại lớn tại Trung Quốc cũng tuyên bố sẵn sàng kiểm soát các khoản đầu tư vào điện than ở nước ngoài và xem xét các chiến lược rút lui khỏi điện than như Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc, Ngân hàng Công Thương Trung Quốc…

Thực tế, kể từ năm 2020, ngày càng nhiều nền kinh tế đang phát triển trong sáng kiến Vành đai và Con đường như Bangladesh, Pakistan, Indonesia hay Philippines đã thực hiện những bước đi lớn nhằm thoát khỏi các kế hoạch mở rộng điện than đầy tham vọng trước đây.

Sự tăng cường đồng thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu và nhu cầu về một quá trình chuyển đổi năng lượng đã đóng một vai trò lớn trong sự thay đổi này. Bên cạnh đó, sự sụt giảm mạnh trong triển vọng tăng trưởng kinh tế do đại dịch Covid-19 cũng khiến ngành điện than đối mặt với nguy cơ thừa và trở thành tài sản mắc kẹt.

Không những thế, 2 quốc gia đầu tư điện than ở nước ngoài chỉ sau Trung Quốc là Nhật Bản và Hàn Quốc đã sớm cam kết chấm dứt tài trợ công cho điện than ở nước ngoài, góp phần quan trọng thay đổi cuộc chơi trong việc cung cấp tài chính và hỗ trợ khác cho việc mở rộng công suất điện than tại châu Á.

Bình luận về động thái mới nhất của Trung Quốc, Phó Chủ tịch về Khí hậu và Kinh tế, Viện Tài nguyên Thế giới Helen Mountford cho biết: “Cam kết của Trung Quốc cho thấy nguồn tài chính công quốc tế cho điện than đang bị chặn lại. Cam kết của Trung Quốc được đưa ra sau những cam kết gần đây của Hàn Quốc và Nhật Bản là đại diện cho một bước ngoặt lịch sử trong quá trình loại bỏ loại nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất thế giới”.

“Cam kết của Trung Quốc trong việc ngừng xây dựng các dự án điện than quốc tế sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu, tạo ra nhiều việc làm hơn trong lĩnh vực năng lượng sạch và đồng thời cũng cải thiện chất lượng không khí. Đây là một tín hiệu quan trọng trước Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu (COP26) khi các quốc gia cần cùng nhau xây dựng sự đoàn kết và triển khai các hành động vì khí hậu toàn cầu... Để hoàn toàn cắt nguồn tài trợ đầu tư vào than, điều quan trọng là các nhà đầu tư tư nhân và các thể chế tài chính cần đưa ra các cam kết tương tự và thực hiện các hành động”.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Chính sách phát triển toàn cầu của Đại học Boston, Tiến sĩ Kevin P. Gallagher cho rằng: “Trung Quốc đáng được khen ngợi vì đã cam kết ngừng xây dựng các nhà máy điện than mới tại nước ngoài. Giờ đây, khi các Chính phủ lớn trên thế giới đã làm gương và cấm đầu tư các nhà máy điện than ở nước ngoài, đã đến lúc khu vực tư nhân làm theo khi họ chiếm tới 87% vốn tài trợ cho điện than tại nước ngoài. Chúng ta sẽ không thể đáp ứng các mục tiêu phát triển và khí hậu toàn cầu nếu khu vực tư nhân tiếp tục tài trợ cho điện than ở nước ngoài, trong khi các Chính phủ hàng đầu đã dừng lại”.

Dịch Phong (tổng hợp)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load