Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy đang được đẩy mạnh từ Trung ương xuống địa phương, hướng tới mục tiêu đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
![]() |
Quang cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. (Nguồn: TTXVN) |
Cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang chuyển động mạnh mẽ từ Trung ương xuống địa phương.
Tất cả đang hướng tới mục tiêu đáp ứng yêu cầu rất cao, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Đủ cơ sở pháp lý để đi vào hoạt động
Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV bế mạc ngày 19/2 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy.
Tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, thông qua 4 luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và 4 Nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; thông qua 6 Nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia.
Quốc hội đã bầu 2 Phó Chủ tịch Quốc hội và 6 Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Nghị quyết số về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Chiều 18/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị triển khai nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức Chính phủ, giao nhiệm vụ cho một số thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 mới được bổ nhiệm.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các thành viên Chính phủ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 14 Bộ và 3 cơ quan ngang Bộ.
Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV có 25 thành viên gồm Thủ tướng Chính phủ, 7 Phó Thủ tướng Chính phủ, 14 Bộ trưởng, 3 Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
Như vậy, các cơ quan theo tổ chức bộ máy mới đã có đủ cơ sở pháp lý để đi vào hoạt động từ 1/3/2025 tới.
Từ việc, chọn người
Từ những kết quả quan trọng bước đầu trong cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, Bộ Chính trị đã định hướng nhiều việc phải làm từ nay tới Đại hội XIV và sau Đại hội XIV của Đảng. Mục tiêu cao nhất là hoàn thiện mô hình tổng thể của hệ thống chính trị hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/2/2025 về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025.
Bộ Chính trị đề nghị Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục chủ trì, phối hợp với các ban đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương tập trung đôn đốc triển khai, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, bất cập, vướng mắc phát sinh trong triển khai thực hiện, không để ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, bảo đảm thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và Kết luận số 118-KL/TW của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW.
Tại Kết luận 126, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung thực hiện tốt, bảo đảm đúng tiến độ một số nội dung, nhiệm vụ. Trong đó, quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ phải tiếp tục làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, chế độ, chính sách đối với cán bộ bị tác động, ảnh hưởng; bố trí cán bộ phải công tâm, khách quan theo tinh thần "từ việc chọn người," giữ được những cán bộ có năng lực, không để "chảy máu chất xám," không để phát sinh những vấn đề phức tạp về nội bộ, không để ảnh hưởng đến việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp.
Một nội dung, nhiệm vụ rất quan trọng nữa tại Kết luận 126 là Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện).
Xây dựng phương án tiếp tục sắp xếp cấp xã phù hợp với mô hình tổ chức mới, đề xuất tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp xã; định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh; đề xuất chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, quy định của Đảng có liên quan, báo cáo Bộ Chính trị trong quý 3/2025.
Tạo điều kiện cho lớp trẻ cống hiến
Cùng với những chuyển động từ Trung ương, các bộ, ban, ngành và các địa phương cũng đang mạnh mẽ triển khai tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương.
Tính đến thời điểm này, Ban Chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy khi điều chuyển một số đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về Bộ Nội vụ đã nhận được đơn tình nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi và nghỉ thôi việc của trên 180 người.
Trong số này có những người giữ vị trí vụ trưởng, vụ phó, phó cục trưởng còn thời gian công tác từ 4 đến hơn 5 năm nhưng vì lợi ích chung đã tự nguyện viết đơn xin nghỉ hưu sớm, nhường cho người tuổi trẻ hơn, cán bộ trong diện quy hoạch có điều kiện cống hiến.
Tuần qua, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đã tổ chức Hội nghị công bố các quyết định về sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác tổ chức cán bộ với quyết tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương thời gian tới.
![]() |
Bà Châu Thị Mỹ Phương, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Tiền Giang (thứ ba, phải sang), trao Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc thành lập 5 sở mới. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN) |
Tại Tiền Giang, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Danh đã đề nghị các sở mới thành lập khẩn trương xây dựng, cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị mới để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp khi đến làm việc với đơn vị sau hợp nhất.
Lãnh đạo các sở mới thành lập cần tăng cường đoàn kết, thống nhất nội bộ cơ quan; bố trí, sắp xếp cán bộ lãnh đạo, công chức cần ưu tiên lựa chọn người có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực công tác.
Song hành với đó, các địa phương cũng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức do sắp xếp tổ chức, bộ máy, nhân sự trên địa bàn.
Như Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 7.000 nhân sự chịu tác động khi sắp xếp bộ máy, cơ cấu lại và sắp xếp đơn vị hành chính các cấp...
Thành phố dự kiến chi gần 17.000 tỷ đồng hỗ trợ thêm cho các trường hợp này.../.
Theo Hạnh Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)