Thứ hai 14/10/2024 21:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Cấp, thoát nước

20:05 | 02/10/2024

(Xây dựng) – Ngày 2/10, Bộ Xây dựng tổ chức phiên họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Cấp, thoát nước để lấy ý kiến của các Bộ, ngành, doanh nghiệp và chuyên gia.

Tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Cấp, thoát nước
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì phiên họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Cấp, thoát nước.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về cấp, thoát nước

Mở đầu phiên họp, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Tạ Quang Vinh đã trình bày tóm tắt những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Cấp, thoát nước. Theo đó, Luật Cấp, thoát nước bao gồm 8 chương, 75 Điều. Chương I là những quy định chung về phạm vi điều chỉnh của Luật; Nguyên tắc quản lý hoạt động cấp, thoát nước; Chính sách phát triển cấp, thoát nước; Nguồn nước cho hệ thống cấp nước; Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về cấp, thoát nước; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về pháp luật cấp, thoát nước; Bảo vệ công trình cấp, thoát nước…

Chương II là quy định về cơ sở dữ liệu, điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển cấp, thoát nước. Chương III là quy định về đầu tư phát triển hệ thống cấp, thoát nước. Chương IV là quy định về quản lý vận hành hệ thống cấp, thoát nước. Chương V là quy định về dịch vụ cấp, thoát nước. Chương VI là quy định về giá nước sạch và dịch vụ thoát nước. Chương VII là quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về cấp, thoát nước. Chương VIII là quy định về điều khoản thi hành.

Tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Cấp, thoát nước
Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Tạ Quang Vinh tóm tắt nội dung dự thảo Luật Cấp, thoát nước.

Mục đích xây dựng Luật Cấp, thoát nước là hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ với công cụ quản lý, phát triển cấp nước sạch, thoát nước mưa, chống ngập và thu gom, xử lý nước thải từ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư xây dựng đến khai thác, vận hành và trách nhiệm quản lý công trình cấp thoát nước; Cung cấp nước sạch ổn định, bảo đảm quyền được tiếp cận nguồn nước cho người dân, thu gom, xử lý nước thải cho mục đích bảo vệ môi trường, thoát nước mưa, chống ngập gắn với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Hướng tới phát triển, quản lý cấp, thoát nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất cơ sở dữ liệu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về cấp thoát nước; giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư cấp, thoát nước và đẩy mạnh xã hội hóa; Xây dựng cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực đầu tư, vận hành công trình cấp, thoát nước.

Dự thảo Luật đã bám sát 3 chính sách tại đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước được Quốc hội thông qua, bao gồm: Phát triển cấp, thoát nước đồng bộ, thống nhất, hiệu quả theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch; Quản lý, vận hành và khai thác hệ thống cấp, thoát nước; Bảo đảm nguồn lực phát triển cấp, thoát nước.

Dự thảo Luật đã nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm quốc tế với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ).

Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Ban soạn thảo và Tổ biên tập đã tiếp thu ý kiến của các chuyên gia; đăng tải dự thảo Luật và Tờ trình lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Xây dựng để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; Gửi văn bản lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Theo kết quả rà soát hơn 40 Luật hiện hành, Luật Cấp, thoát nước cơ bản thống, đồng bộ với các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động cấp, thoát nước.

Tại phiên họp lần này, Bộ Xây dựng mong muốn nhận được góp ý của thành viên Ban soạn thảo để tiếp thu, lắng nghe với tinh thần cầu thị nhằm sớm hoàn thiện dự thảo Luật Cấp, thoát nước.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, Bộ Xây dựng sẽ phải trình dự thảo Luật để Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào tháng 5/2025. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, dự thảo Luật phải trình Bộ Tư pháp và Chính phủ cho ý kiến trong tháng 12/2024. Vì vậy, từ nay cho đến thời điểm đó, Bộ Xây dựng rất mong muốn các chuyên gia tiếp tục đóng góp ý kiến cụ thể, chi tiết nhằm hoàn thiện Luật Cấp, thoát nước.

Luật phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, mang đặc thù của ngành Nước

Tại phiên họp, đại diện Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn kiến nghị rà soát các thuật ngữ, khái niệm; Tích hợp quy hoạch cấp, thoát nước vào quy hoạch vùng quy hoạch tỉnh.

Tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Cấp, thoát nước
Đại diện Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đóng góp ý kiến tại phiên họp.

Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội góp ý việc bổ sung quy định tận dụng bùn thải của hoạt động cấp nước. Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội kiến nghị bổ sung quy định về khắc phục sự cố khi hệ thống thoát nước bị hư hỏng do thiên tai; Bổ sung quy định về an toàn, an ninh cho công trình thoát nước; Bổ sung quy định về xử lý bùn thải của hoạt động thoát nước; Nghiên cứu việc quy định một số công trình bắt buộc phải tái sử dụng nước thay vì chỉ khuyến khích; Làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nước trong việc ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, phê duyệt công nghệ mới…

Tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Cấp, thoát nước
Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đóng góp ý kiến tại phiên họp.

Công ty Nước và Môi trường Bình Dương kiến nghị bổ sung các chế tài cụ thể; Bổ sung quy định về việc phối hợp giữa cơ quan chuyên ngành địa phương với doanh nghiệp; Xem xét quy định về giá dịch vụ cấp, thoát nước; Làm rõ nội dung chồng chéo dịch vụ cấp, thoát nước…

Tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Cấp, thoát nước
TS. Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Cấp, thoát nước Việt Nam kiến nghị xem xét thay đổi lộ trình điều chỉnh giá nước từ hàng năm thành 3 năm.

TS. Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Cấp, thoát nước Việt Nam kiến nghị rà soát chương I về quy định chung, điều chỉnh quy định về phạm vi đối tượng, xem xét bổ sung, điều chỉnh một số từ ngữ, khái niệm; Rà soát nguyên tắc kết hợp các công trình hạ tầng kỹ thuật với công trình cấp, thoát nước; Xem xét nội dung ban hành quy hoạch và kế hoạch cấp, thoát nước; Bổ sung yêu cầu đối với công trình cấp, thoát nước đặc biệt quan trọng; Bổ sung quy định về quản lý, vận hành công trình cấp, thoát nước khi xảy ra thiên tai; Thay đổi lộ trình điều chỉnh giá nước từ hàng năm thành 3 năm; Xem xét cách tính giá nước sạch, giá nước thô, giá dịch vụ nước thải phù hợp hơn…

Tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Cấp, thoát nước
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về xã hội hóa các hoạt động cấp, thoát nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý việc điều chỉnh quy định về khai thác, sử dụng nguồn nước đối với hoạt động cấp nước; Nghiên cứu bổ sung quy định về xã hội hóa các hoạt động cấp, thoát nước; Điều chỉnh quy định về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về cấp, thoát nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn góp ý điều chỉnh các quy định về cấp nước cho khu vực nông thôn. Bộ Tài chính góp ý về nguyên tắc định giá nước sạch, dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị rà soát dự thảo Luật, đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật đã có hiệu lực; Xem xét tích hợp quy hoạch chuyên ngành cấp, thoát nước vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn để giảm bớt thủ tục…

Bộ Y tế kiến nghị bổ sung quy định về quản lý bùn thải trong hoạt động cấp nước; Bổ sung phương án cấp nước cho người dân khi công trình cấp nước phải dừng hoạt động vì không đảm bảo chất lượng…

Bộ Khoa học và Công nghệ góp ý về quy mô, công suất của công trình xử lý nước thải tập trung. Bộ Công an kiến nghị bổ sung quy định đánh giá sự phù hợp của chiến lược cấp, thoát nước với quy hoạch tỉnh; Nghiên cứu ban hành quy chuẩn chung về cấp, thoát nước cho tất cả các ngành… Bộ Tư pháp kiến nghị rà soát nội dung các hành vi bị cấm; Điều chỉnh nội dung hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về cấp, thoát nước…

Văn phòng Chính phủ đề nghị không quy định chi tiết về cấp nước cho phòng cháy chữa cháy, tránh chồng chéo với quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy; Nghiên cứu ban hành cơ chế định giá nước, nghiên cứu phân cấp thẩm quyền cho các địa phương; Làm rõ hơn nội dung khuyến khích đầu tư, xã hội hóa trong hoạt động cấp, thoát nước… Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị rà soát các nội dung phạm vi điều chỉnh, bảo đảm an ninh, an toàn cấp nước…

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đánh giá cao nội dung của dự thảo Luật Cấp, thoát nước. Đây là Luật ban hành lần đầu tiên, là mong muốn từ lâu của những tổ chức, cá nhân làm việc trong lĩnh vực cấp, thoát nước.

Thứ trưởng yêu cầu, Ban soạn thảo và Tổ biên tập phải đảm bảo xây dựng dự thảo Luật đúng quy trình xây dựng pháp luật, bám sát các chính sách, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật. Luật Cấp, thoát nước phải đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, mang tính chất đặc thù của ngành Nước.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị các Bộ, ngành, doanh nghiệp và các Hội, Hiệp hội tiếp tục nghiên cứu kỹ nội dung của dự thảo Luật để đóng góp ý kiến cho Ban soạn thảo và Tổ biên tập. Thứ trưởng cũng đề nghị Ban soạn thảo và Tổ biên tập nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp để sớm hoàn thiện dự thảo Luật.

Dịch Phong

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load