Thứ sáu 20/09/2024 15:12 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Sức khỏe /

Tiếp tục đấu thầu thuốc tập trung, thí điểm đấu thầu vật tư y tế

11:07 | 10/04/2018

Tại buổi làm việc với Bộ Y tế vào chiều 9/4 về nội dung công tác tổ chức đấu thầu, đàm phán giá thuốc và đấu thầu thiết bị y tế nhằm kéo giảm chi phí khám chữa bệnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Y tế cần minh bạch quy trình, tiêu chí, trách nhiệm trong đàm phán giá thuốc, đồng thời ngay trong năm nay Bộ cần triển khai thí điểm đấu thầu vật tư y tế.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Thành Chung

Phải minh bạch đàm phán giá thuốc và đấu thầu thuốc

Trong năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan tổ chức đấu thầu mua thuốc tập trung quốc gia lần đầu tiên gồm 6 thuốc của 5 hoạt chất thuộc danh mục chi trả của BHYT. Kết quả đã lựa chọn được các mặt hàng thuốc có chất lượng, ưu tiên thuốc trong nước, hoàn thành mục tiêu giảm giá thuốc trên 15% (tổng giá trị các mặt hàng đã trúng thầu giảm 21,1%).

Tuy nhiên, đến nay, dù đã hết quý I/2018, nhưng Bộ Y tế  và BHXH Việt Nam vẫn chưa có kế hoạch đấu thầu thuốc lần 2, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ.

Theo lý giải của ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, vướng mắc hiện nay là có ý kiến cho rằng phải xác định được tiêu chí phân định danh mục thuốc, trong đó có thuốc có nhiều số đăng ký. Thực tế trong quá trình thực hiện, có những thuốc chỉ có 1 số đăng ký như biệt dược gốc khi đấu thấu tập trung có thể cắt giảm 10-15% chi phí, nhưng ngược lại có nhiều thuốc có nhiều số đăng ký lại không trúng thầu, nguyên nhân được chỉ ra là do năng lực của nhà thầu không đáp ứng được.

“Vì vậy, để thực hiện đấu thầu tập trung cấp quốc gia lần 2, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế cùng ban hành danh mục thuốc đợt này để thực hiện. Nếu chờ bổ sung tiêu chí phân định này thì rất khó để triển khai đấu thầu đợt 2”, ông Phạm Lương Sơn cho biết.

Đại diện BHXH Việt Nam cũng đề xuất mở rộng thêm 20 danh mục thuốc đấu thầu trong đợt đấu thầu tập trung cấp quốc gia lần 2 tới. Riêng đối với thuốc hiếm, thuốc biệt dược gốc, thuốc có 1 số đăng ký thì nên đàm phán, không nhất thiết phải đấu thầu.

Về phía Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, theo quy định hiện hành, đấu thầu thuốc có 3 cấp: Cấp quốc gia (đấu thầu tập trung), cấp tỉnh (hiện nay, 63/63 tỉnh đã đấu thầu thuốc cấp tỉnh) và cấp bệnh viện. Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang có kế hoạch mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia và danh mục thuốc đấu thầu cấp tỉnh.

Đồng thời, Bộ cũng đề xuất về đàm phán giá các loại thuốc biệt dược gốc mà thuốc đó đã có nhiều thuốc generic nhóm 1 thay thế, các trường hợp đàm phán giá với các thuốc này không đạt mục tiêu giảm giá đề ra sẽ thực hiện đấu thầu rộng rãi.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Y tế cần xác định và phân biệt rõ ràng, công khai minh bạch thuốc nào sẽ thực hiện đàm phán, thuốc nào sẽ thực hiện đấu thầu. Hiện nay, đấu thầu đã có quy định, cơ sở pháp lý, nhưng đàm phán thì chưa có cơ sở, tiêu chí, quy định hay trách nhiệm của ai, đơn vị nào.

“Do đó, Bộ Y tế cần chủ động rà soát việc đàm phán giá, để đề xuất xây dựng thông tư về vấn đề này, nhằm bảo đảm có quy định chặt chẽ, rõ ràng về thủ tục, quyền, trách nhiệm, có cơ sở pháp lý bảo đảm công khai minh bạch, hài hòa lợi ích”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế trong năm 2018 tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về đấu thầu tập trung, Bộ Y tế cần sớm đáp ứng yêu cầu đề xuất của BHXH Việt Nam để danh mục nào sớm triển khai.

Thí điểm ngay đấu thầu vật tư y tế

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện đấu thầu thuốc thuộc danh mục chi trả của BHYT, việc đấu thầu vật tư y tế cũng được Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ quan tâm trong nhiều cuộc họp gần đây.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Lương Sơn đã chỉ ra một số bất cập về giá vật tư y tế, khi cùng một loại nhưng giá chênh nhau quá nhiều. Ví dụ như thủy tinh thể nhân tạo, trong năm 2017, Quỹ  BHYT thanh toán gần 900 tỷ đồng, giá của vật tư này, dải giá từ 200.000 đồng đến 28 triệu đồng/cái. Cùng một stent mạch vành của Đức ở Thanh Hóa hơn 58 triệu/cái, BVĐK Thống Nhất Đồng Nai hơn 38,5 triệu/cái, BVĐK tỉnh Bắc Giang hơn 29 triệu/cái; ổ khớp nhân tạo chênh lệch giá giữa Phú Thọ và Thanh Hóa tới 38 triệu đồng. BHXH Việt Nam đã kiểm tra và thu hồi về Quỹ BHYT.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề “cần phải chứng minh rõ cùng một stent nhưng tại sao giá khác nhau. Còn dải giá khác nhau với nhiều loại stent khác nhau là chuyện bình thường. Vì vậy, cần phải giải thích chính xác, không để dư luận hiểu sai”.

Ông Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc BV Mắt Trung ương giải thích, hiện có quá nhiều nhà cung cấp thủy tinh thể đến từ nhiều quốc gia. Thậm chí, cùng một nước cũng có nhiều tiêu chí khác nhau, nhiều hãng khác nhau, chưa kể các hãng còn liên doanh với các nước khác... nên kiểm soát về giá và chất lượng rất khó. Có những hãng uy tín, họ đầu tư rất nhiều vào công nghệ nên giá cao. Cũng tại nước đó, nhiều hãng ít tên tuổi hơn lại có tiêu chí khác. Vì vậy, khi đấu thầu không cẩn thận dễ vi phạm pháp luật, ông Hiệp chia sẻ.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) cũng cho biết, nếu là thuốc kém chất lượng thì có thể điều chỉnh thay thuốc, nhưng vật tư tiêu hao cấy vào cơ thể con người thì rất khó cứu. Đơn cử chỉ là cái chốt một chiều, khi cử động nếu chốt tốt thì không sao, nhưng chốt chất lượng kém sẽ bị lỏng và phải mổ lại.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý, đừng quá cầu toàn trong đấu thầu trang thiết bị vật tư y tế. Ngay năm nay cố gắng thí điểm đấu thầu tập trung vật tư y tế lần đầu với tinh thần là công khai, minh bạch, chất lượng phải đặt trên hàng đầu, đảm bảo tính cạnh tranh về giá, chứ không phải “hy sinh” chất lượng theo giá mà ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Phó Thủ tướng gợi ý, trước mắt, có thể chọn một vài vật tư để thí điểm hoặc có thể căn cứ trên gợi ý của BHXH Việt Nam, có thể thí điểm trong phạm vi các BV trực thuộc Bộ Y tế trước, để Bộ Y tế làm trước, sau đó BHXH tham gia.

Trước khi thí điểm, Bộ Y tế cần trình Chính phủ kế hoạch cho phép thí điểm. 

BHXH Việt Nam đề xuất 6 nhóm đấu thấu tập trung đối với vật tư y tế gồm: Thủy tinh thể nhân tạo các loại; giá đỡ (stent đặt động mạch vành), ổ khớp nhân tạo; kim luồn tĩnh mạch; đinh đặt vít, ốc vít dùng trong phẫu thuật; bóng nong. Đây là những vật tư y tế sử dụng nhiều và giá trị thanh toán cao trong năm 2017.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, ngay trong năm nay, Bộ sẽ thí điểm đấu thầu tập trung quốc gia đối với nhóm vật tư y tế. Theo đó, Bộ sẽ chọn nhóm vật tư tiêu hao có sử dụng nhiều và không phức tạp như kim cánh bướm, kim truyền… sau đó sẽ mở rộng ra các vật tư khác.

Theo Thành Chung - Thúy Hà/Baochinhphu.vn

Cùng chuyên mục
  • Dự án Bệnh viện Đa khoa Cà Mau 1.200 giường: Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến

    (Xây dựng) – Hội đồng tư vấn có báo cáo kiểm tra kết quả lựa chon nhà thầu Gói thầu 27. Theo đó, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án công trình xây dựng tỉnh Cà Mau chưa xem xét toàn diện, khách quan, chưa đảm bảo quy định và mục tiêu của đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Bên mời thầu là Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư xây dựng Hợp Nhất xem thường pháp luật và công tác đấu thầu của Nhà nước. Gói thầu 27 được xét lại. Dự án tiếp tục kéo dài.

  • Bệnh viện Nhi Hà Nội sẽ khánh thành nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

    (Xây dựng) - Dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội giai đoạn 1 tại phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) với tổng vốn gần 794 tỷ đồng sẽ khánh thành vào đầu tháng 10, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

  • Ngành Y tế Quảng Ninh chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh sau mưa bão

    (Xây dựng) – Sau bão số 3 nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ninh bị ngập lụt cục bộ do mưa lớn kéo dài ở hầu khắp các địa phương, làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh. Ứng phó tình huống này, ngành Y tế Quảng Ninh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường, an toàn thực phẩm trong và sau mưa lũ.

  • Đắk Nông: Nhiều chính sách đãi ngộ nhằm thu hút bác sỹ về công tác

    (Xây dựng) - Ngày 6/9, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông Huỳnh Thanh Huynh đã thông báo về quy định chính sách thu hút, đãi ngộ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh.

  • Tập đoàn Y tế Phương Châu: Tổ chức Hội nghị khoa học thường niên 2024 về công nghệ mới

    (Xây dựng) – Ngày 6/9, tại thành phố Cần Thơ, Tập đoàn Y tế Phương Châu đã long trọng tổ chức Hội nghị khoa học thường niên (ACP) 2024 lần thứ 8, với chủ đề “An toàn mẹ và thai nhi từ hệ sinh thái đa chuyên khoa - mang đến trải nghiệm y tế xuất sắc cho cộng đồng”. Hội nghị thu hút hơn 1.000 đại biểu tham dự cùng với sự hiện diện của đại diện Sở Y tế thành phố Cần Thơ, các ban, ngành, các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ, chuyên gia đầu ngành của các bệnh viện đến từ khắp các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

  • Thanh Hóa: Sẽ đầu tư xây dựng dự án hơn 360 tỷ đồng

    (Xây dựng) – UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 3558/QĐ-UBND, về việc phê duyệt dự án xây dựng Trung tâm tim mạch - Hồi sức tích cực - Chẩn đoán hình ảnh và Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, với tổng mức đầu tư hơn 360 tỷ đồng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load