Thứ năm 25/04/2024 22:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 là biện pháp hiệu quả phòng, chống dịch bệnh

15:12 | 16/06/2021

(Xây dựng) - Các loại vắc xin phòng COVID-19 hiện nay đều có hiệu lực bảo vệ từ trên 60% đến 95% vì vậy Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo vắc xin là vũ khí để chấm dứt đại dịch COVID-19.

tiem vac xin phong covid 19 la bien phap hieu qua phong chong dich benh
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 là biện pháp hiệu quả phòng chống dịch bệnh, giúp giảm biến chứng và tử vong (Ảnh minh họa: Internet).

Hiện nay không có một loại vắc xin nào có hiệu lực bảo vệ 100%, tức sau tiêm vẫn còn một tỷ lệ nhất định các trường hợp đã được tiêm có thể vẫn bị mắc bệnh.

Trao đổi với báo chí sáng 15/6 tại cuộc họp giao Ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định, tiêm vắc xin là một trong những biện pháp hiệu quả, chủ động để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giúp giảm các biến chứng, di chứng nặng và tử vong”.

Giáo sư Đức Anh chia sẻ thêm: “Do đó, có thể có trường hợp một người bị nhiễm vi rút gây bệnh COVID-19 ngay trước hoặc sau khi tiêm vắc xin rồi sau đó bị bệnh do vắc xin chưa có đủ thời gian để tạo ra miễn dịch hoặc một số ít đã được tiêm đủ nhưng vẫn mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu mắc bệnh, các triệu chứng thường nhẹ và không để lại biến chứng, di chứng nặng nề".

Dẫn chứng tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, GS.TS Đặng Đức Anh phân tích thêm: “Các trường hợp nhân viên y tế tại đây (đã được tiêm vắc xin) mắc COVID-19 đều không có triệu chứng, trừ một vài người sốt nhẹ. Các nhân viên y tế này vẫn sinh hoạt, thậm chí có thể làm việc bình thường dù đang tiếp tục được cách ly, điều trị. Bệnh cảnh lâm sàng của họ khác so với những bệnh nhân COVID-19 chưa tiêm mũi nào đang được điều trị tại bệnh viện”.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng thông tin tới báo chí về tác dụng của vắc xin phòng COVID-19, ngoài tác dụng giảm số người nhiễm vi rút, các loại vắc xin phòng bệnh sẽ giúp làm giảm số trường hợp bị biến chứng nặng, giảm số người phải nhập viện điều trị do bệnh nhẹ và giảm nguy cơ tử vong. Như vậy, vắc xin phòng COVID-19 nói chung và vắc xin AstraZeneca nói riêng không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêm mà còn giúp duy trìn khả năng của hệ thống y tế, tránh rơi vào tình trạng quá tải do phải chăm sóc người bệnh nặng, đồng thời giúp cuộc sống sớm trở lại bình thường và phát triển kinh tế.

Đối với vắc xin AstraZeneca, kết quả của một số nghiên cứu cho thấy sau khi tiêm một liều từ 22-90 ngày vẫn có một số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 nhưng số trường hợp tử vong giảm đến 80% so với nhóm không tiêm chủng. Sau khi tiêm hai liều, số trường hợp tử vong giảm gần 100%.

Bộ Y tế khẳng định, việc tiêm chủng vắc xin là biện pháp hiệu quả trong phòng bệnh, phòng các biến chứng và tử vong do bệnh gây ra. Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao, độ bao phủ trong cộng đồng 70-85% thì sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng khuyến cáo để đảm bảo hiệu quả tối đa của vắc xin, mỗi người cần phải được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng phải từ 70%-85% để đạt được miễn dịch cộng đồng phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Đồng thời, sau khi tiêm vắc xin, mọi người vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Thông điệp 5K để bảo đảm an toàn cho mình, gia đình và cho cộng đồng trước đại dịch. Tiêm vắc xin COVID-19 là quyền lợi của cá nhân, là trách nhiệm với cộng đồng, khi đến lượt bạn hãy đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin và theo dõi sức khỏe.

Trước đó, ngày 14/6, Bộ Y tế có 2 công văn hỏa tốc gửi các Bộ: Quốc phòng, Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 4 viện vệ sinh dịch tễ đầu ngành, gồm: Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang về việc khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin Covid-19.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã đàm phán thành công và sẽ có hơn 120 triệu liều vắc xin Covid-19 trong năm 2021, từ các hãng AstraZeneca, Pfizer-BioNTech, Moderna, từ Nga và Cơ chế Covax.

Hà Khánh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load