Ngày 20-6, Bộ Xây dựng và Cơ quan Hỗ trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành Xây dựng” (VCEP) thuộc chương trình năng lượng sạch USAID Việt Nam”.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá cao những thành quả mà dự án đạt được sau 4 năm hoạt động. Những kết quả, sản phẩm thực của dự án đã đóng góp tích cực vào việc triển khai các hoạt động thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong các công trình xây dựng.
Với sự hỗ trợ của dự án, ngày 11-5 vừa qua, Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh của ngành Xây dựng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó có nội dung về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng.
Ông Michael Greene, Giám đốc USAID Việt Nam khẳng định, dự án đã góp phần không nhỏ trong lộ trình xây dựng các tòa nhà sạch hơn, hiệu quả hơn về mặt năng lượng để ngành Xây dựng đi đầu trong việc xúc tiến các hoạt động tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Ông Michael Greene, Giám đốc USAID Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Được khởi động vào năm 2014, dự án “Thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành Xây dựng” đã giúp ngành Xây dựng thu thập và phân tích cơ sở dữ liệu hiệu năng nhiều công trình xây dựng. Đây là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng giúp hỗ trợ soạn thảo kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành Xây dựng và dự báo chỉ tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong tương lai. Các dữ liệu này cũng được tập hợp để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia đầu tiên về hiệu năng các công trình xây dựng ở Việt Nam trên cơ sở phân tích các dữ liệu thu thập được từ khảo sát năng lượng của 280 công trình tại 5 thành phố lớn nhất Việt Nam năm 2016.
Trong 4 năm hoạt động, VCEP đã hoàn tất 5 dự án trình diễn về mô phỏng năng lượng bao gồm: Trung tâm Đào tạo cán bộ quản lý năng lượng (ETC) Hà Nội, trụ sở mới của Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC), tòa nhà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam, công trình phức hợp nhà ở - khách sạn 33 Trúc Bạch và nâng cấp tòa nhà văn phòng Capital Place ở nội đô TP Hồ Chí Minh. Đây là những dự án sử dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu, cấu kiện xây dựng và công nghệ hiệu năng cao. Theo tính toán, tại 5 công trình này, các biện pháp tiết kiệm năng lượng giúp tiết giảm 22-45,5% chi phí năng lượng (tương đương 170.000 USD mỗi năm) và cắt giảm phát thải nhà kính hơn 1.000 tấn CO2.
Cũng trong khuôn khổ dự án, các chương trình đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ và các chủ công trình trong việc thiết kế, thi công, nghiệm thu và vận hành các công trình đã được triển khai rộng khắp tại 47 tỉnh, thành phố trên cả nước, với gần 3.000 học viên được đào tạo. 75% học viên cho biết đã được hưởng lợi từ chương trình và sử dụng kiến thức đã học để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo Bình Minh/hanoimoi.com.vn