Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trải qua chặng đường lịch sử, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ đã không ngừng phát triển toàn diện, thực chất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu về chính sách của Việt Nam tại Hội đồng Các Vấn đề Thế giới Ấn Độ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Theo đặc phái viên Thông tấn xã Việt Nam, tiếp tục chương trình thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ, chiều 1/8, tại Thủ đô New Delhi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu chính sách tại Hội đồng Các Vấn đề Thế giới của Ấn Độ (ICWA).
Dự khán buổi thuyết trình của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có đông đảo các chính khách, giáo sư, nhà nghiên cứu, học giả và sinh viên Ấn Độ.
Hội đồng Các Vấn đề Thế giới của Ấn Độ thành lập năm 1943, được cho là nơi tiên phong trong việc định hình tầm nhìn đối ngoại của Ấn Độ.
Trong suốt hơn bảy thập kỷ qua, nhiều sáng kiến, ý tưởng về đối ngoại của Ấn Độ đã được khởi xướng tại Hội đồng, đóng góp tích cực cho hòa bình và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Đặc biệt, tại đây, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, mà nổi bật là Hội nghị quan hệ châu Á lần thứ nhất năm 1947, đặt nền móng cho sự ra đời của Phong trào Không Liên kết (NAM) sau này.
Chủ tịch Hội đồng Các Vấn đề Thế giới của Ấn Độ cho biết Việt Nam là đối tác quan trọng trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Hai nước cùng giành độc lập từ năm 1945-1947. Tình hữu nghị của hai nước có ảnh hưởng đến hòa bình, thịnh vượng chung của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Các học giả, nhà nghiên cứu của Hội đồng Các Vấn đề Thế giới của Ấn Độ mong muốn được Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về những nhận định về tình hình thế giới và khu vực; chủ trương, đường lối, chính sách, thành tựu và định hướng phát triển của Việt Nam; tầm nhìn Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Ấn Độ trong thời gian tới.
Phát biểu tại đây, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, một lần nữa Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn chân thành về tình cảm và sự sẻ chia sâu sắc mà các nhà lãnh đạo Ấn Độ và nhân dân Ấn Độ đã gửi tới Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Việt Nam và là một người bạn thân thiết của nhân dân Ấn Độ.
“Đây chính là hiện thân của tình đoàn kết mạnh mẽ và hữu nghị sâu sắc giữa nhân dân hai nước chúng ta,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng đến với Ấn Độ trong chuyến thăm này được chứng kiến và cảm nhận sâu sắc về những thành tựu vĩ đại của nền văn minh sông Hằng và sự phát triển vượt bậc của Ấn Độ ngày nay.
Dự khán buổi thuyết trình của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có đông đảo các chính khách, giáo sư, nhà nghiên cứu, học giả và sinh viên Ấn Độ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại cách đây 66 năm, trong chuyến thăm lịch sử đến Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Người Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới của Việt Nam đã khẳng định “Ấn Độ là một nước độc lập, hùng mạnh, đã có nhiều cống hiến quý báu cho hòa bình châu Á và thế giới," và “sự thành công của Ấn Độ trong xây dựng đất nước là nguồn cảm hứng to lớn đối với Việt Nam” - những nhận định đó đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.
Ngày nay, Ấn Độ đang phát huy vai trò ngày càng lớn hơn đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới; tiếp tục là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các nước, trong đó có Việt Nam trên bước đường phát triển của mình.
Nhận định về tình hình thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng thế giới đang tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ “về tổng thể thì hòa bình, nhưng cục bộ có chiến tranh; về tổng thể thì hòa hoãn, nhưng cục bộ có căng thẳng; về tổng thể thì ổn định, nhưng cục bộ có xung đột.”
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, sự biến động sâu sắc, phức tạp của cục diện thế giới ngày nay còn thể hiện ở bốn đặc điểm lớn: Bất trắc và bất ổn của môi trường an ninh toàn cầu đang ở mức cao, xung đột cục bộ và xu hướng tăng cường vũ trang gia tăng phức tạp; Kinh tế thế giới bước vào chu kỳ phát triển mới nhưng vẫn nhiều rủi ro; Chủ nghĩa đa phương tiếp tục đóng vai trò then chốt song hiệu quả hoạt động bị thách thức nghiêm trọng; Thế kỷ 21 là thế kỷ của Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương nhưng khu vực này cũng đứng trước những rủi ro, thách thức lớn từ các điểm nóng, xung đột cục bộ, cạnh tranh nước lớn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng những vấn đề mang tính toàn cầu trên đây cần phải có tư duy toàn diện, tổng thể, đòi hỏi tất cả các nước, các thể chế đa phương hơn lúc nào hết phải kiên trì đối thoại, hợp tác trên tinh thần đoàn kết, thống nhất trong đa dạng để tìm ra các giải pháp hữu hiệu mang tính toàn dân, toàn diện và toàn cầu. Trong đó, mối quan hệ đoàn kết, hợp tác và hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ cần không ngừng được củng cố và phát triển, trở thành nhân tố tích cực đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của cả khu vực và toàn cầu.
Về tình hình Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sau gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã hình thành được lý luận về đường lối đổi mới ở Việt Nam - đó là kết tinh của nhận thức, ý chí, nguyện vọng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam; thể hiện qua các Nghị quyết của Đảng qua các kỳ Đại hội, các nghị quyết của Trung ương và đã được khái quát, hệ thống hóa trong những tác phẩm, công trình lý luận lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thông tin tới Hội đồng, Thủ tướng cho biết Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó hơn 30 nước là đối tác toàn diện, đối tác chiến lược và tương đương. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định những thành tựu đạt được trong thực tiễn đã khẳng định sự đúng đắn của các chủ trương, quan điểm của Việt Nam dựa trên ba nền tảng chính là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; với quan điểm xuyên suốt là giữ vững ổn định chính trị-xã hội; lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thông tin tới Hội đồng về sáu chính sách trọng tâm của Việt Nam về đối ngoại, quốc phòng, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển văn hóa và xây dựng Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định từ một nước bị bao vây, cấm vận, Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó hơn 30 nước là đối tác toàn diện, đối tác chiến lược và tương đương.
Việt Nam cũng là thành viên tích cực, có trách nhiệm của gần 70 tổ chức khu vực và quốc tế.
Từ một nước nghèo nàn lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam ngày nay là nước đang phát triển có thu nhập trung bình; một trong 35 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại; thuộc top 46 nước đứng đầu thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo.
Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.300 USD (năm 2023), tăng gần 60 lần so với thời điểm bắt đầu Đổi mới.
Chia sẻ về 5 bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển của Việt Nam như: Không có gì quý hơn độc lập-tự do; Nhân dân làm nên lịch sử; Đoàn kết là sức mạnh vô địch; Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh từ thực tiễn Đổi mới của Việt Nam, có thể đúc kết: “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp.”
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trải qua chặng đường lịch sử, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Ấn Độ đã không ngừng phát triển toàn diện, thực chất. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Thủ tướng cho biết với mục tiêu đến năm 2030: trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045: trở thành nước phát triển có thu nhập cao, Việt Nam tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ sáu lĩnh vực trọng tâm: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo chuyển biến thực chất trong các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế; Làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, kết hợp hài hoà giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài; Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình, ổn định và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.
Trong chính sách đối ngoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ đã đi qua chặng đường hơn nửa thế kỷ nhưng mối giao lưu mật thiết giữa Việt Nam và Ấn Độ bắt nguồn từ hơn 2.000 năm trước.
Trải qua chặng đường lịch sử, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Ấn Độ đã không ngừng phát triển toàn diện, thực chất. Ấn Độ là một trong ba Đối tác Chiến lược đầu tiên của Việt Nam.
Việc hai nước xác lập khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện là dấu mốc lịch sử, tạo động lực mạnh mẽ cho việc mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong bối cảnh thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp hiện nay, hai nước cần phát huy mạnh mẽ truyền thống quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn để cùng nhau vươn tới các mục tiêu chiến lược mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng vững chắc vào triển vọng tươi sáng của quan hệ hai nước Việt Nam-Ấn Độ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Thủ tướng cho biết trong chuyến thăm lần này, ông và Thủ tướng Ấn Độ đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung về Tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với phương hướng “5 hơn,” bao gồm: Tin cậy chính trị-chiến lược cao hơn; Hợp tác quốc phòng-an ninh sâu sắc hơn; Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thực chất và hiệu quả hơn; Hợp tác khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo rộng mở hơn; Hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân kết nối mật thiết hơn.
Để cụ thể hóa phương hướng “5 hơn” đó, hai bên đề xuất một số ưu tiên như: Củng cố và tăng cường hơn nữa tin cậy chiến lược; tạo nền tảng vững chắc cho việc nâng tầm và làm sâu sắc quan hệ hai nước trong giai đoạn mới; Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đưa hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư phát triển tương xứng với tầm vóc quan hệ; Đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, tăng cường đoàn kết và hiểu biết giữa các dân tộc; Chủ động đóng góp vào việc ứng phó với các thách thức toàn cầu; Cùng nhau đưa hợp tác văn hóa, giáo dục đào tạo, kết nối địa phương, giao lưu nhân dân, du lịch trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho sự phát triển bền vững của hai nước.
Bày tỏ mong Hội đồng Các Vấn đề Thế giới cũng như các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo của Ấn Độ sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với các đối tác Việt Nam, tăng cường nghiên cứu, trao đổi học thuật trong các lĩnh vực cùng quan tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng vững chắc vào triển vọng tươi sáng của quan hệ hai nước.
Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ sẽ tiếp tục “nở rộ dưới bầu trời thanh bình,” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong chuyến thăm đầu tiên tới Ấn Độ năm 1958, cùng đóng góp tích cực vào hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương, cũng như trên thế giới./.
Theo Phạm Tiếp/(TTXVN/Vietnam+)