(Xây dựng) – Chiều 15/10, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030".
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, ĐBSCL có nhiều lợi thế, tiềm năng về con người, truyền thống lịch sử văn hóa, đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là ngành lúa gạo, thủy hải sản. |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" tại Quyết định số 1490/QĐ-TTg. Đây là Đề án có ý nghĩa quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL nhằm gia tăng giá trị ngành hàng lúa gạo Việt Nam, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Đề án chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2024-2025) tập trung vào 200.000ha có điều kiện về hạ tầng sản xuất và năng lực của các hợp tác xã trong sản xuất và liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp nhằm đạt tiêu chí lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Giai đoạn 2 (2026-2030): Tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tiếp tục nâng cao năng lực của cả hệ thống để mở rộng thêm 800.000ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây cũng là Đề án đầu tiên trên thế giới về sản xuất 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp ở quy mô cấp Chính phủ chỉ đạo, nên nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đối tác quốc tế. Đồng thời, Đề án cũng nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ, nên đã tạo sự khích lệ rất lớn đối với nông dân và doanh nghiệp đang tham gia phát triển ngành hàng lúa gạo ở vùng ĐBSCL nói riêng và ngành lúa gạo cả nước nói chung.
Tuy nhiên, Đề án cũng gặp không gặp không ít khó khăn, thách thức. Đó là bởi Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện Chương trình sản xuất lúa giảm phát thải trên quy mô lớn, các hoạt động, nội dung đều mới, chưa có tiền lệ để tham khảo về cơ chế chính sách, phương pháp triển khai, cách thức tổ chức và huy động nguồn lực. Người nông dân đã quen với phương thức canh tác lúa truyền thống thiếu bền vững, thiếu liên kết; do vậy, cần tuyên truyền phổ biến mạnh mẽ, nâng cao năng lực, được tiếp cận với mô hình trình diễn cụ thể đi kèm với sự hỗ trợ về cơ chế và nguồn lực để tạo động lực, và cơ sở vật chất, kỹ thuật được đảm bảo mới có thể thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Kết cấu hạ tầng, đặc biệt hạ tầng cho tưới tiêu chủ động, cơ giới hóa đồng bộ phục vụ sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp chưa được đảm bảo đồng bộ trên quy mô vùng. Việc huy động nguồn lực đầu tư hiện nay không theo kịp tiến độ triển khai Đề án, đặc biệt nguồn đầu tư từ ngân sách ngay trong giai đoạn 2024-2025 chưa bố trí được nguồn. Trong giai đoạn 2026-2030, cần chuẩn bị sẵn sàng vốn đầu tư hạ tầng từ các nguồn vay nước ngoài và nguồn ngân sách cùng với cơ chế, chính sách thông thoáng để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị và triển khai các dự án đầu tư công thuộc phạm vi đầu tư của Nhà nước cho Đề án. Đồng thời, cần nhanh chóng triển khai gói tín dụng đủ tầm cho các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia Đề án vay ngắn hạn để mua vật tư, thu mua lúa cho nông dân, vay trung và dài hạn để mua máy cơ giới, máy móc thiết bị phục vụ bảo quản, chế biến, đầu tư cho hệ thống kho chứa và logistics.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh 5 vấn đề: “Ta phải thổi hồn vào cây lúa bằng công nghệ số, bằng phát triển xanh, bằng kinh tế tuần hoàn, bằng kinh tế chia sẻ, bằng kinh tế tri thức, bằng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, Thứ hai, chúng ta yêu cây lúa như yêu quý chính bản thân mình. Từ đó, mới tạo ra được cuộc cách mạng cây lúa ĐBSCL nói riêng và các công việc nói chung. Thứ ba là huy động nguồn lực phải đa dạng hóa các nguồn lực, bao gồm: Nguồn lực Trung ương và nguồn lực của địa phương, nguồn lực hợp tác công tư, nguồn lực đi vay, phát hành trái phiếu, nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực của nhân dân. Thứ tư sử dụng nguồn lực là phải khoa học và hiệu quả, xóa bỏ cơ chế xin cho, bao cấp, xóa bỏ thủ tục hành chính rườm rà và làm sao nguồn lực này phải đến tận địa phương, cơ sở sản xuất, đến tận người nông dân. Thứ năm là phải huy tối đa sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị. Nhưng trước hết là phải tính tự lực, tự cường của các địa phương và huy động của người dân, nhân dân làm nên lịch sử, sức mạnh chính là người dân. Nhưng phải có cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực từ nhân dân, từ doanh nghiệp”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải tăng tốc bứt phá hơn nữa để sớm đạt được mục tiêu 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Quy hoạch vùng nguyên liệu lâu dài phải hoàn thành trong quý II/2025. Ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu lúa phân khúc chất lượng cao. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, ưu tiên, cố gắng trình Quốc hội kỳ họp sắp tới. Đồng thời, huy động vốn, ngành Ngân hàng hỗ trợ, nghiên cứu gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng. Về vay vốn các đối tác phát triển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm vay và cấp phát cho các địa phương, Bộ Tài chính lập Quỹ hỗ trợ 1 triệu ha gồm nguồn vốn của Nhà nước, vốn bán tín chỉ cacbon, vốn xã hội hóa, và các nguồn vốn khác. Giao các Bộ, ngành kết nối thị trường trong nước, ngoài nước, kết nối các doanh nghiệp, đối tác, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm. Xây dựng đề án tổng thể bảo vệ ĐBSCL trong đó có cây lúa, giảm phát thải, giảm khí metan, bán tín chỉ cacbon, sản phẩm trong quý II/2025. Khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo triển khai ngay Đề án…
Huỳnh Biển (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Theo