(Xây dựng) – Ngày 30/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022, nhằm phổ biến Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết số 148/NQ–CP đề ra 5 nhóm nhiệm vụ gồm 33 nhiệm vụ và 15 chỉ tiêu cụ thể trong quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị. |
Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 diễn ra vào ngày 30/11
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu trụ sở Chính phủ và các điểm cầu trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Thủ tướng Phạm Minh Chính; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ: Xây dựng, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ.
Cùng tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các Bộ: Công an, Quốc phòng, Y tế, Công Thương, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng; lãnh đạo các Ủy ban Pháp luật, Kinh tế, Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện các tổ chức quốc tế: Ngân hàng Thế giới (WB); Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ); Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat); Cơ quan Phát triển Pháp (AFD); Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB); Viện Kỹ thuật và Công nghệ Xây dựng Hàn Quốc (KICT); Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ (SECO)… và đại diện lãnh đạo các Hội, Hiệp hội, các trường Đại học, Viện nghiên cứu, đại diện một số doanh nghiệp liên quan cùng tham dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; Lãnh đạo UBND cấp tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành liên quan; Các chính quyền đô thị trực thuộc địa phương…
Nghị quyết số 148/NQ–CP đề ra 5 nhóm nhiệm vụ và 33 nhiệm vụ và 15 chỉ tiêu cụ thể
Trước đó, ngày 11/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành Nghị quyết số 148/NQ–CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW.
Nghị quyết số 148/NQ–CP có 4 mục tiêu chính. Thứ nhất là xây dựng và ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thống nhất trong công tác chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt sâu rộng các nội dung và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của lãnh đạo các ngành, các cấp đối với công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ hai là cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu tại Nghị quyết 06-NQ/TW bằng các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực của Chính phủ gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được mục tiêu của Nghị quyết.
Thứ ba là phát huy vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo nguyên tắc phân công, phân nhiệm rõ ràng, tập trung, dân chủ.
Thứ tư là phấn đấu đạt các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 06-NQ/TW.
Tại Nghị quyết số 148/NQ–CP, Chính phủ đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ và 33 nhiệm vụ và 15 chỉ tiêu cụ thể trong quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị:
- Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đến năm 2045 trên 45% và trên 50% vào năm 2030
- Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đến năm 2025 đạt 1.5 % - 1.9% và đến năm 2030 đạt 1,9% - 2,3%
- Số lượng đô thị toàn quốc vào năm 2025 khoảng 950 - 1.000 và đến năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200
- Tỷ lệ đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hoá cấp đô thị đạt 100% vào năm 2025.
- Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị đạt 100% vào năm 2025.
- Tỷ lệ các đô thị hiện có và đô thị mới có chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị đạt 100% vào năm 2025.
- Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt tỷ lệ 11% – 16% vào năm 2025 và 16-26% vào năm 2030
- Diện tích cây xanh đô thị bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt 6-8m2/người vào năm 2025 và 8-10m2/người vào năm 2030
- Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị trên 28m2/người vào năm 2025 và trên 32m2/người vào năm 2030
- Tỷ lệ phủ kín hạ tầng mạng băng rộng cáp quang đến các hộ gia đình trên 80% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030
- Tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 80% vào năm 2025 và trên 100% vào năm 2030
- Đóng góp kinh tế khu vực đô thị vào GDP cả nước đạt trên 75% vào năm 2025 và trên 85% vào năm 2030
- Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của các đô thị trực thuộc Trung ương đạt 25%-30% vào năm 2025 và 35%-40% vào năm 2030
- Số lượng đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế 3-5 đô thị
- Hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.
Ngay sau khi Nghị quyết số 148/NQ–CP được ban hành và hướng đến Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022, ngày 16/11, Bộ Xây dựng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức thành công 3 Hội thảo chuyên đề: “Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững”; “Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và chuyển đổi số trong quản lý đô thị”; “Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị Việt Nam”.
Với sự điều hành của lãnh đạo Bộ Xây dựng; Ban Kinh tế Trung ương; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam; Diễn đàn đô thị Việt Nam và lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ Xây dựng… 3 hội thảo chuyên đề đã nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu tham dự, gồm: Đại diện của các cơ quan quản lý Nhà nước; các tổ chức trong nước và quốc tế, các Hội, Hiệp hội, Tổng hội, các Viện nghiên cứu, trường Đại học và chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp tham gia phát triển đô thị trong cả nước…
Quý Anh
Theo