Thứ ba 05/11/2024 13:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Thủ đô Hà Nội thay đổi như thế nào sau 13 năm mở rộng địa giới hành chính?

17:12 | 03/08/2021

(Xây dựng) – Thủ đô Hà Nội thay đổi cả về lượng lẫn về chất, đó là khẳng định của một số lãnh đạo địa phương cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, xây dựng sau 13 năm Hà Nội chính thức mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết của Quốc hội.

thu do ha noi thay doi nhu the nao sau 13 nam mo rong dia gioi hanh chinh
Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao.

Ngày 29/5/2008, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Theo đó, tỉnh Hà Đông, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội. Nghị quyết chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2008. Sau khi sáp nhập, Hà Nội trở thành Thủ đô lớn thứ 17 trên thế giới với tổng diện tích hơn 3.300km2 (gấp 3,6 lần trước đó), tổng số dân tăng từ 3,4 triệu lên 6,2 triệu người.

Đến nay, sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, theo người dân, doanh nghiệp, lãnh đạo địa phương và một số chuyên gia cho rằng Thủ đô của chúng ta đã có bước phát triển mạnh mẽ, thay đổi diện mạo một cách đáng kể, phúc lợi xã hội cho người dân được nâng cao, giảm tỷ lệ đói nghèo, giáo dục được cải thiện, tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng... Từ đó kéo theo “đoàn tàu” kinh tế của Thủ đô phát triển lên tầm cao mới.

Phát triển cả về lượng và chất

Thực tế chỉ ra rằng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đội ngũ lãnh đạo của Hà Nội vẫn chung tay, “đấu cật”, cùng nhau vực dậy, lèo lái con tàu mang tên Thủ đô Hà Nội hướng ra biển lớn, sẵn sàng đương đầu với sóng to, gió lớn để mang về những “mẻ cá lớn”.

Cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc sau đó nhanh chóng lan rộng ra khắp thế giới, đến nay sau 2 năm hoành hành khắp nơi, dịch bệnh khiến nền kinh tế cả thế giới chao đảo, sập sệ, số lượng người chết lên đến hàng triệu người, con số ca nhiễm hàng ngày tăng cao đến chóng mặt và Việt Nam chúng ta cũng không thể ngoài cuộc, đương nhiên Hà Nội, nơi trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước lại càng bị ảnh hưởng sớm và nặng nề hơn cả.

thu do ha noi thay doi nhu the nao sau 13 nam mo rong dia gioi hanh chinh
Cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông của Thủ đô sau 13 năm có sự thay đổi đáng kể.

Trước tình hình đó, hầu hết các nền kinh tế của thế giới tăng trưởng âm năm 2020 thì Việt Nam nằm trong tốp các nước tăng trưởng cao nhất châu Á, trong đó có đóng góp quan trọng của Hà Nội với mức tăng trưởng 3,98%, cao hơn mức bình quân cả nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Hà Nội và cả nước vừa phải chống chọi với 2 đợt dịch bệnh vừa phải lo tập trung không để kinh tế bị thụt lùi. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, dịch bệnh dù có tái xuất, tăng cao thời gian gần đây nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Đồng thời, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II/2021 đạt 5,91% (cả nước tăng 5,64%). Thu ngân sách đạt hơn 125 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 53% dự toán Trung ương giao.

Hà Nội còn được biết đến với vai trò là đầu tầu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, có trách nhiệm đóng góp một phần cho việc phát triển kinh tế toàn vùng nói riêng và cả nước nói chung. Hà Nội đóng góp 16% GDP, 18,5% thu ngân sách và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.

Đến cuối năm 2020, Thủ đô Hà Nội đã có 7 đơn vị cấp huyện, 367/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn thành phố đạt 55 triệu đồng/người/năm, vượt 6 triệu đồng so với mục tiêu đề ra; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn chỉ còn 0,37%.

Đó là những con số biết nói, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân thành phố trong suốt thời gian qua. Không chỉ phát triển kinh tế, cơ sở vật chất, hạ tầng đô thị... mà nhiều lĩnh vực khác cũng được ghi nhận theo hướng tích cực.

Ông Nguyễn Bá Dũng, 71 tuổi, được sinh ra và lớn lên tại huyện Ứng Hòa (Hà Tây cũ) và được học tập, công tác, gắn bó với Thủ đô hơn 50 năm chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng: Tôi đã từng đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, sau này đất nước hòa bình trở lại, tôi được trở về Hà Nội học tập, công tác, trải qua nhiều thời kỳ, giai đoạn lịch sử, tôi nhận thấy Thủ đô chúng ta ngày càng phát triển đàng hoàng hơn, to đẹp hơn nhất là sau khi Hà Nội mở rộng. Tôi thấy nhà cao tầng mọc lên san sát, hệ thống giao thông hạ tầng phát triển vượt bậc, an sinh xã hội ngày càng được chú trọng, học hành của con trẻ cũng được nâng cao chất lượng, người dân chúng tôi thấy cuộc sống bớt khổ hơn xưa, tiện nghi hơn xưa, những con đường mới như vành đai 2, vành đai 3 giúp người dân chúng tôi đi lại thuận tiện hơn. Tốc độ đô thị hóa vùng ven phát triển như vũ bão, đâu đâu cũng thấy dự án, biệt thự, thời chúng tôi trước đây không được như thế này.

Diện mạo Thủ đô không chỉ tập trung phát triển ở các quận trung tâm mà sự thay đổi đáng kể cũng được ghi nhận tại các xã, địa bàn khó khăn mà trước đây thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Trong đó có thể kể đến như xã Phú Mãn thuộc huyện Quốc Oai. Theo ông Đinh Công Nhật – Phó Chủ tịch UBND xã: Sau khi chủ trương sáp nhập về Hà Nội được hiện thực hóa, cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi phát triển, đời sống nhân dân đã được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.

Cụ thể như đường trục xã và liên xã 8,5km đã được kiến cứng hóa, bề mặt rộng trung bình 6,5m, đạt tỷ lệ 100%. Tổng chiều dài đường trục xóm và ngõ xóm 27,064km, bề mặt rộng trung bình 3,5m, chiều dài được kiên cứng hóa 17,534km, chiếm tỷ lệ 64,78%. Tổng số kênh mương do xã quản lý là 15,502km, số đã được cứng hóa 9,208km, chiếm 59,4%. Trên địa bàn xã không có nhà tạm, nhà dột nát, tỷ lệ hộ có nhà ở đạt chuẩn theo quy định có đầy đủ các công trình phụ (nhà bếp, công trình vệ sinh khác) chiếm 100%.

thu do ha noi thay doi nhu the nao sau 13 nam mo rong dia gioi hanh chinh
Ông Đinh Công Nhật – Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Thu nhập bình quân theo đầu người năm 2020 là của người dân trên địa bàn khoảng 53 triệu đồng/người, tăng 4,4 lần so với năm 2009 (12 triệu đồng/người). Nếu như năm 2009 tỷ lệ hộ nghèo toàn xã là 4,43% thì đến cuối năm 2020 xã đã xóa sổ hộ nghèo. Năm 2020 tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chiếm 95% so với năm 2009 chỉ đạt 44,3%.

Về giáo dục, xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt chuẩn và duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở mức độ 3. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học đạt 98%.

Tốc độ đô thị hóa nhanh

Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội: Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết mở rộng, về mặt kiến trúc, quy hoạch, Hà Nội đã đạt được những điểm nổi trội như: Đã cơ bản hoàn thành hệ thống quy hoạch nhằm cụ thể hóa quy hoạch chung được duyệt theo Quyết định 1259. Trong đó, điểm đáng mừng là quy hoạch của 6 quận nội đô từ hơn chục năm nay chưa điều chỉnh thì vừa rồi đã được phê duyệt từ tháng 3/2021. Mặt khác, Hà Nội đang quyết liệt trong vấn đề điều chỉnh quy hoạch sao cho phù hợp với tốc độ phát triển tất yếu và phù hợp với quy hoạch, định hướng chung của Thủ đô.

Thành phố cũng đang quyết liệt điều chỉnh Luật Thủ đô sau hơn 10 năm thực hiện. Trong Luật Thủ đô có 27 điều thì có tới 11 điều liên quan đến xây dựng, quy hoạch và lần này tập trung điều chỉnh các vấn đề liên quan đến quy hoạch, quản lý nhà ở, quản lý kiến trúc đô thị...

Một vấn đề lớn đang được Hà Nội rất quan tâm đó là sau khi mở rộng địa giới, tốc độ dân số của Thủ đô tăng rất nhanh, nếu như trước đây dự kiến đến năm 2020 dân số Hà Nội vào khoảng 7 triệu dân thì hiện nay đã là 8 triệu dân, do vậy việc điều chỉnh quy hoạch cũng cần phải hướng đến vấn đề dân số và phân bổ dân cư cho hợp lý.

Theo Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, Hà Nội sau khi mở rộng chỉ có 40% là thành thị, 60% là nông thôn. Tỷ lệ đô thị hóa tăng khá nhanh, đạt gần 50% và khả năng đến 2025 sẽ đạt khoảng 60%, kèm với đó là mục tiêu đến 2025 sẽ chuyển 5 huyện lên quận.

Bên cạnh những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế, xây dựng, hạ tầng đô thị, quy hoạch, thì vẫn còn những tồn tại cần Hà Nội tập trung giải quyết. Như hiện nay còn 2 quy hoạch phân khu chưa được triển khai đó là quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống, hiện nay Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có ý kiến, sắp tới thành phố sẽ có báo cáo với Bộ Xây dựng để xem xét. Vấn đề đô thị hóa về cơ bản là tốc độ tăng nhanh nhưng vẫn chưa đạt được như chỉ tiêu đề ra.

Chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, nhiều dự án, khu đô thị còn chậm triển khai, chưa đưa đất vào sử dụng, tình trạng biệt thự, liền kề xây lên còn bỏ hoang nhiều, chưa có người ở gây mất mỹ quan đô thị, lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, làm xấu đi hình ảnh Thủ đô Hà Nội.

Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm còn chậm tiến độ, chưa đưa vào sử dụng sau hàng chục năm thi công xây dựng gây bức xúc trong quần chúng nhân dân trong đó phải kể đến như Dự án dường sắt Cát Linh – Hà Đông. Đặc biệt, có những dự án đã đưa vào sử dụng nhưng không đạt hiệu quả cao như tuyến buýt nhanh BRT.

Nhằm thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô Hà Nội nhanh hơn nữa, toàn diện hơn nữa, các chuyên gia cho rằng cần phải sớm hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù, thông qua sửa Luật Thủ đô, để làm được việc này thì rất cần sự quan tâm, chỉ đạo trừ Trung ương, Bộ Chính trị. Thêm vào đó, Bộ Chính trị cần sớm ra Nghị quyết mới về Hà Nội để Hà Nội có định hướng lớn trong triển khai phát triển, từ đó để hướng tới mục tiêu Hà Nội vì cả nước. Theo đó, cơ chế chính sách đặc thù bao gồm, cơ chế chính sách về tài chính, về dân số và phân bổ dân cư, đặc biệt là mô hình kinh tế đô thị cần phải có đổi mới, sáng tạo hơn nữa.

Đỗ Quang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load