Trên thực tế ở Hà Nội, ngay khi một con đường mới được mở ra, chẳng hạn như tuyến đường Trần Khát Chân, Giang Vân Minh, hay đường Liễu Giai mở rộng… các công trình nhà dân đua nhau mọc lên với các hình thức kiến trúc khác nhau, người dân nghiễm nhiên được hưởng lợi nhuận từ sự tăng vọt của giá trị đất đai. Nhưng những ngôi nhà do họ tự xây, theo kiểu “Mạnh ai nấy làm” đã tạo ra sự chấp vá khập khiễng về kiến trúc, làm xấu đi bộ mặt đường phố, như nhiều người đã từng nói “Hà Nội chỉ có đường đẹp nhưng không có phố đẹp”.
Từ lâu vần đề này đã gây nhiều bức xúc cho xã hội, đã được phản ánh trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Vậy nên chăng, thay vì chỉ giải phóng mặt đường, Nhà nước có thể giải phóng trên diện rộng hơn, sau đó tiến hành quy hoạch và TKĐT mặt phố hai bên trục đường mới mở (?). Bằng cách đó không những khắc phục được những bất cập nói trên, mà Nhà nước còn thu hồi được giá trị chênh lệch của đất đai để bù đắp vào chi phí làm đường, đồng thời sẽ xây dựng được một diện mạo hiện đại, mới mẻ cho mặt phố.
Một tồn tại khác là khi quy hoạch chi tiết cho một thành phố hay một khu đô thị mới, do thiếu TKĐT nên chưa có những quy định rõ ràng và công khai rộng rãi về chiều cao tầng, chiều cao nhà cũng như hình thức và kết cấu mặt ngoài công trình, dẫn đến việc xây dựng mỗi công trình đơn lẻ cũng như không gian tổng thể của tuyến phố còn thiếu tính thống nhất về cảnh quan. Điều đó không chỉ dẫn đến tình trạng thiếu trật tự trong xây dựng mà còn tạo điều kiện cho sự luồn lách pháp luật, tiêu cực trong quản lý. Vì vậy, ta cần sớm đưa ra những văn bản pháp quy mang tính hướng dẫn, chỉ đạo và quản lý trong công tác TKĐT cho mỗi khu vực đô thị hay thành phố, coi đó là cơ sở, là công cụ để quản lý, kiểm soát và khống chế việc xây dựng. Mặt khác, cũng cần ban hành và phổ biến rộng rãi sách hướng dẫn vể TKĐT để nâng cao nhận thức của người dân trong việc xây dựng đô thị. Học tập, tham khảo về TKĐT của các nước trên thế giới là việc làm cần thiết , qua đó ta có thể học hỏi những kinh nghiệm và rút ngắn giai đoạn của quá trình hình thành những tư duy chiến lược trong công tác TKĐT.
Trung Quốc là một ví dụ điển hình về việc này. Năm 1949 nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, việc quy hoạch đô thị của Trung Quốc chịu sự ảnh hưởng của nền kinh tế kế hoạch, mọi việc quy hoạch và xây dựng đều thụ động theo sự sắp xếp có kế hoạch của Nhà nước. Năm 1980 Trung Quốc chuyển sang nền kinh tế thị trường, giai đoạn này nền kinh tế của Trung Quốc nói chung, công tác quy hoạch và xây dựng nói riêng bước đầu bị xáo trộn, vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Nhà nước. Nhưng họ đã kịp thời lập lại kỷ cương bằng giải pháp hình thành một ngành mới là TKĐT, nhằm quản lý một cách có hiệu quả công tác xây dựng trong nước. Năm 1986 họ cử một số cán bộ đầu ngành sang Mỹ học tập về TKĐT, để áp dụng cho hoàn cảnh của Trung Quốc.
Nhằm thuyết phục và thay đổi tư duy cũ (do chịu sự ảnh hưởng của nền kinh tế kế hoạch) trong lĩnh vực quy hoạch, họ đã xây dựng thí điểm thành phố Thẩm Quyến theo hướng “đặc khu kinh tế” áp dụng trong cơ chế thị trường. Thẩm quyến có những chính sách riêng mà không cần thông qua Chính phủ, bỏ bớt những thủ tục rườm rà và kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực đầu tư xây dựng đô thị. Nhờ thế chỉ sau một thời gian ngắn Thẩm Quyến đã có những bước phát triển vượt bậc so với các thành phố khác, điều đó chỉ có thể có được ở cơ chế kinh tế thị trường. Năm 1987 Thẩm Quyến đã đưa ra được quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết khống chế, quy hoạch chi tiết tu bổ và TKĐT,… nhưng phải đến năm 1990 Trung Quốc mới ban hành được các bước quy hoạch này áp dụng cho toàn quốc. Trong quy hoạch và TKĐT, Thẩm Quyến đã xây dựng một khung kết cấu của thành phố, bao gồm: tổ chức giao thông, kết cấu không gian, hình thái kiến trúc, nét đặc sắc của khu vực, ccá kết điểm… và coi đó như những tiêu chí để quản lý thành phố. Thành phố Thẩm Quyến có 4 kết điểm chính: khu trung tâm Phúc Điền, khu Thành Hoa Kiều, khu thương nghiệp Đông Môn, khu thương nghiệp Bắc Hoa Cương. Đây là nơi đầu tư tập trung lớn các nguồn tài chính và những kết điểm này sẽ trở thành chất xúc tác, thúc đẩy sự phát triển của thành phố.
Trong TKĐT, Thẩm Quyến còn đưa ra những quy định cụ thể từ hình thức kiến trúc, chiều cao công trình, vật liệu, màu sắc, khoảng lùi của công trình… bằng các bản vẽ, hệ thống văn bản và điều lệ quản lý kèm theo. Những bản thiết kế này là quy định bắt buộc cho chủ đầu tư, để đảm bảo được hình thái đô thị theo quy hoạch định sẵn.
Năm 1986 Thẩm Quyến tổ chức hội nghị đầu tiên về TKĐT để tập hợp các phương án thiết kế quy hoạch, chọn ra những phương án xuất sắc nhất, nhằm đẩy mạnh sự phát triển đô thị. Qua hội nghị này, họ nắm bắt ngay được những thành quả và lợi ích kinh tế mang lại, chứ không chỉ đơn thuần qua nghiên cứu trên sách vở. Cứ 5 năm họ lại tập trung các vấn đề khó khăn gặp phải và đưa ra hướng giải quyết (gọi là cương lĩnh 5 năm). Ngoài ra hàng năm, Thẩm Quyến còn tổ chức các quy hoạch, nghiên cứu mang tính chuyên đề, những kế hoạch về công tác quy hoạch và quản lý cần thực thi trong năm, những bản báo cáo về công việc đã thực hiện trong công tác quy hoạch. Đồng thời việc công bố rộng rãi các bản vẽ quy hoạch, xây dựng được tăng cường trên phương tiện truyền thông, nhằm lấy trưng cầu ý dân. Sau đó nhà nước sẽ trả lời bằng văn bản chính thức đối với các câu hỏi và sự phản hồi của người dân. Vì vậy hệ thống quy hoạch của TP không ngừng được cải tiến, đổi mới theo thời gian, mà còn luôn được sự ủng hộ chấp hành từ phía nhân dân. Hai mươi năm trước, Thẩm Quyến là 1 làng chài nhỏ bé mà giờ đây nó đã trở thành một trong những thành phố phát triển vào bậc nhất của Trung Quốc. Sự phát triển của Thẩm Quyến đã làm thay đổi thế giới quan của những người hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch. Từ đó, TKĐT được nhân rộng ra ở các thành phố khác của Trung Quốc như: thành phố Đại Khánh, thành phố Chu Hải, thành phố Thiên Tân, ...
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, vì vậy việc đưa ra được một bộ khung về những văn bản mang tính pháp quy, hướng dẫn về TKĐT, không chỉ đơn thuần là trách nhiệm của những người làm công tác quy hoạch, mà còn phụ thuộc vào cơ chế chính sách của Chính Phủ và nhận thức của những người dân. Nhưng muốn đẩy mạnh cả một hệ thống quy hoạch của một đất nước, thì phải chỉnh sửa cả thể chế của nó và đưa ra những pháp lệnh quản lý một cách rõ ràng. Cho dù bằng cách này hay cách khác, con đường nào rồi cũng sẽ dẫn đến đích, chỉ có điều là thời gian kéo dài bao lâu và mức độ hoàn thiện đến đâu… Tất cả điều đó phụ thuộc vào sự nỗ lực của mỗi chúng ta./.