(Xây dựng) - Nếu như năm 2018 không có thêm nhà máy xi măng (XM) nào đi vào sản xuất thì dự kiến năm 2019 sẽ có 02 dây chuyền với tổng công suất 4,1 triệu tấn đưa vào vận hành (XM Nam Đông, Thừa Thiên - Huế, công suất 1,8 triệu tấn/năm và XM Thành Thắng 3, Hà Nam công suất 2,3 triệu tấn/năm).
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Đến năm 2020, cả nước có 89 dây chuyền sản xuất XM
Đến năm 2020, dự kiến có thêm 05 dây chuyền XM với tổng công suất 12,7 triệu tấn đưa vào vận hành, gồm XM Minh Tâm (Bình Phước), công suất 2,3 triệu tấn/năm; XM Tân Thắng (Nghệ An), công suất 1,8 triệu tấn/năm; XM Hệ Dưỡng 2 (Ninh Bình), công suất 1,8 triệu tấn/năm; XM Xuân Thành 3 (Hà Nam), công suất 4,5 triệu tấn/năm và XM Long Sơn 3 (Thanh Hóa) công suất 2,3 triệu tấn/năm. Như vậy, đến năm 2020, cả nước sẽ có 89 dây chuyền sản xuất XM với tổng công suất khoảng 115 triệu tấn.
Nhìn bức tranh toàn cảnh ngành XM cho thấy: Một nửa số dây chuyền có công suất nhỏ, còn lại là dây chuyền công suất lớn. Đây là tất yếu lịch sử, khi chúng ta chuyển đổi từ nước thiếu phải nhập khẩu XM sang thành nước sản xuất đủ XM tiêu thụ trong nước và đáp ứng một phần xuất khẩu. Hiện cả nước có 42 dây chuyền công suất nhỏ hơn 0,91 triệu tấn XM/năm; trong đó có 29 dây chuyền công suất nhỏ từ 0,25-0,65 triệu tấn XM/năm. Đây là dây chuyền đầu tư từ lâu, thiết bị cũ, xuống cấp, mức tiêu hao nhiên liệu lớn, tạo ra sản phẩm có giá thành cao, sức cạnh tranh rất thấp, thậm chí đã có lò nung dừng sản xuất clanhke để mua clanhke từ các dây chuyền lớn về nghiền XM.
Cả nước có 40 dây chuyền từ 1,0 triệu tấn XM /năm trở lên; trong đó có 25 dây chuyền công suất từ 1,8-4,5 triệu tấn XM /năm. Những dây chuyền này có công nghệ hiện đại, tự động hóa và cơ giới hóa rất cao, tiêu hao ít nhiên liệu, giá thành XM thấp, chất lượng XM tốt, sản xuất luôn đạt hoặc vượt công suất thiết kế.
13 dây chuyền lắp đặt hệ thống sử dụng nhiệt khí thải
Trong cơ cấu giá XM, chi phí cho năng lượng chiếm 60%, trong đó điện năng chiếm đến 30%. Trước đây định mức tiêu hao điện năng là 100 kwh/tấn XM. Nay, các doanh nghiệp ngành XM áp dụng các biện pháp nhằm giảm tiêu hao điện năng cũng như áp dụng các biện pháp khoa học vào sản xuất thì định mức điện năng của ngành còn 90-95 kwh/tấn XM. Doanh nghiệp XM nào tiết kiệm lắm thì chi phí điện năng cũng chiếm 14% chi phí điện năng trong giá thành sản xuất. Còn nếu chưa tiết kiệm triệt để thì mức chi phí điện năng ở con số trên 15% trở lên.
Trong bối cảnh giá điện, xăng dầu không ngừng tăng lên, các nhà máy XM cũng đang nỗ lực giảm tiêu hao điện năng và nhiệt năng. Tuy nhiên, con số lắp đặt hệ thống sử dụng nhiệt khí thải lò nung để phát điện còn khá khiêm tốn. Hiện cả nước có 8 nhà máy với 13 dây chuyền đã lắp đặt hệ thống sử dụng nhiệt khí thải lò nung để phát điện, tiết kiệm được 20-30% sản lượng điện, đó là XM Chinfong 02 dây chuyền, XM Công Thanh 02 dây chuyền, XM Xuân Thành 02 dây chuyền, XM Long Sơn 02 dây chuyền, XM Thành Thắng 01 dây chuyền, XM Sông Lam 02 dây chuyền, XM Holcim 01 dây chuyền, XM Hà Tiên 01 dây chuyền. Còn việc đốt rác thải sinh hoạt và chất thải nguy hại cũng đã được 03 nhà máy XM là Holcim, Hà Tiên và Thành Công thực hiện.
Vũ Huyền
Theo