Thứ sáu 22/11/2024 23:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Thị trường BĐS 2023: Phục hồi sau đại dịch

14:02 | 23/01/2023

(Xây dựng) – Năm 2022 được đánh giá là năm đầy biến động đối với thị trường BĐS và các DN BĐS Việt Nam khi dòng vốn cho BĐS suy giảm, nhiều dự án vướng thủ tục pháp lý không triển khai được, cơ cấu sản phẩm BĐS mất cân đối, chưa phù hợp nhu cầu thị trường…

Thị trường BĐS 2023: Phục hồi sau đại dịch

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo mạnh mẽ từ Chính phủ và động thái tích cực từ phía các Bộ ngành, địa phương, thị trường BĐS 2023 kỳ vọng, các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cụ thể sẽ sớm được triển khai, giúp khơi thông thị trường này.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tình hình thị trường BĐS năm 2022 đã có dấu hiệu hồi phục và phát triển. Về cơ bản, thị trường đã cân bằng trở lại giữa hoạt động đầu tư, kinh doanh với mua bán để sử dụng. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang đối diện tình trạng thiếu nguồn cung ở tất cả phân khúc sản phẩm và cơ cấu hàng hóa không phù hợp, thiếu trầm trọng NƠXH và nhà ở thương mại giá rẻ, giá giao dịch tăng cao.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua thị trường BĐS phát triển nhanh, tác động đến nhiều ngành nghề, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, thị trường này gần đây có một số dấu hiệu phát triển không ổn định.

Điển hình là nguồn cung, nhiều dự án đầu tư vướng thủ tục pháp lý chưa triển khai thực hiện hoặc dừng thi công khiến nguồn cung giảm. Đến hết quý III/2022, cả nước có 104 dự án đang triển khai (bằng 51% so với cùng kỳ) và 63 dự án nhà ở thương mại hoàn thành.

Cơ cấu sản phẩm BĐS đang mất cân đối, chưa phù hợp nhu cầu thị trường. Có thể kể đến như nhà ở thương mại cao cấp nhiều, trong khi dự án nhà ở giá trung bình phù hợp với đại đa số người dân lại ít, nhất là NƠXH, nhà ở công nhân. Ngoài ra, việc mất cân đối trong cơ cấu, giá nhà ở vì thế ở mức cao, người dân khó tiếp cận, tác động đến tính thanh khoản, lượng giao dịch giảm, nhất là trong quý IV/2022. DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS khó tiếp cận vốn tín dụng, khiến cho dự án BĐS dừng thi công. Lãi suất cho vay, tỉ giá ngoại tệ, giá nguyên vật liệu tăng tác động đến DN đầu tư BĐS…

Một số chuyên gia cho rằng, thị trường BĐS hiện vẫn tồn tại khá nhiều liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng dù chính quyền tích cực hỗ trợ DN; định giá đất; quy hoạch sử dụng đất; giao đất thực hiện dự án…

Thị trường BĐS suy giảm bất thường đã tạo ra những hệ lụy xấu cho nền kinh tế, trước hết là ảnh hưởng trực tiếp đến các DN BĐS, sau đó là nhiều ngành nghề xem thị trường BĐS là thị trường đầu ra, như ngành sắt thép, cát đá, máy móc, logistics, hàng hoá tiêu dùng phục vụ nhà ở...

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, thị trường BĐS và các DN BĐS Việt Nam vừa trải qua một năm 2022 đầy biến động. Đáng chú ý, dòng vốn cho BĐS suy giảm trong nhiều giai đoạn. Tình hình chứng khoán cũng giảm sâu, nhiều DN bán giải chấp khiến dòng vốn đầu tư ngày càng khó khăn. Tất cả tạo ra bối cảnh khó khăn cho thị trường BĐS thời gian qua.

Tháo gỡ điểm nghẽn cho thị trường BĐS

Năm 2023, theo kế hoạch, Quốc hội sẽ thông qua các đạo luật cơ bản liên quan đến thị trường BĐS như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở…

Các chuyên gia nhận định, hành lang pháp lý này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ điểm nghẽn về mặt pháp lý, giúp thị trường có nhiều cơ hội để phát triển theo đúng chu kỳ.

Đáng chú ý, Chính phủ đã thành lập tổ công tác theo Quyết định 1435/QĐ-TTg nhằm rà soát thực trạng khó khăn của DN, địa phương có các dự án đang bị vướng mắc. Tiếp đó, ngày 14/12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện 1164/CĐ-TTg để đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện theo Quyết định 1435 nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở.

Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật theo thẩm quyền còn chồng chéo, bất cập gây cản trở trong triển khai thực hiện dự án BĐS thuộc lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh BĐS.

Đồng thời, Thủ tướng ra hàng loạt các công điện gửi đến các Bộ ngành như Bộ Tài chính để yêu cầu xem xét các vấn đề đang tạo điểm nghẽn cho thị trường, cho DN như tín dụng, phát hành trái phiếu...

Bộ Xây dựng cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, DN, Bộ trưởng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra, làm việc với UBND 5 thành phố trực thuộc Trung ương và một số DN BĐS để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS trên địa bàn.

Cùng đó, Bộ Xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; ban hành các văn bản theo thẩm quyền hoặc đề xuất ban hành Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, NƠXH và khu đô thị…

Về vấn đề NƠXH, Bộ Xây dựng đang tích cực tháo gỡ khó khăn, nhằm thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ NƠXH, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Kết quả trong năm 2022, các địa phương đã khởi công được 19 dự án NƠXH, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, với tổng số 33.194 căn, tổng diện tích xây dựng 1,8 triệu m2.

Bộ đã hoàn thiện, trình Thủ tướng đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Tuy nhiên, các DN xây dựng NƠXH đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí ngay ở khâu thủ tục pháp lý.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, trong thời gian tới, sẽ xử lý lại các chính sách ưu đãi xây dựng NƠXH. Khi có những ưu đãi sẽ giúp giảm giá bán NƠXH. Ngoài ra, khi giảm bớt các thủ tục hành chính, giảm chi phí lãi vay, nhân công, sử dụng đất... cũng giúp hạ giá NƠXH.

Bên cạnh đó, Bộ đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để đánh giá cụ thể tình hình, diễn biến dòng vốn vào thị trường BĐS, đề xuất giải pháp xử lý phù hợp.

Các chuyên gia cũng nhận định, thị trường BĐS 2023 vẫn còn đối diện với nhiều thách thức, như việc tiếp cận vốn vay và mặt bằng lãi suất. Do đó, thị trường cần tập trung tháo gỡ các vấn đề chính đó là: Thị trường BĐS phát triển nhanh, hấp thụ dòng vốn lớn và lệch pha cung cầu; phát triển các mô hình đô thị lõi, vệ tinh chưa phù hợp dẫn đến sự kỳ vọng tăng giá quá cao; thông qua chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương cần đưa ra phương án hỗ trợ phù hợp.

Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực cho rằng, trong năm tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo để kênh tín dụng ngân hàng làm sao phân bổ nguồn vốn tín dụng sớm hơn, không bị phân cấp như năm qua, tức là có lộ trình kiểm soát chặt chẽ, đồng thời cần khơi thông mạnh kênh trái phiếu DN, cũng như kênh phát hành cổ phiếu…

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cần đẩy mạnh tái cấu trúc, gồm tái cấu trúc chủ sở hữu, hệ thống vận hành và tái cấu trúc năng lực. Trong đó, DN cần tư duy lại thị trường, phân khúc tạo được dòng tiền bền vững và hiệu quả hơn, bao gồm việc áp dụng công nghệ trong vận hành quản lý và giới thiệu sản phẩm đến người mua...

Trong thời điểm cận kề năm 2023, những động thái quyết liệt và liên tục của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương được kỳ vọng không chỉ tháo gỡ các nút thắt cho thị trường mà còn là "phương thuốc" hữu hiệu vực dậy tâm lý nhà đầu tư.

Linh Đan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load