Thứ ba 15/10/2024 17:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Thị trường bất động sản vẫn gặp khó dù liên tục được tháo gỡ

19:15 | 22/09/2023

(Xây dựng) - Sáng 22/9, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn Phát triển bền vững thị trường bất động sản và trao chứng nhận cho các dự án đáng sống 2023.

Thị trường bất động sản vẫn gặp khó dù liên tục được tháo gỡ
Các khách mời tham gia Diễn đàn Phát triển bền vững thị trường bất động sản.

Thị trường bất động sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết thị trường bất động sản có vai trò và vị trí quan trọng đặc biệt đối với nền kinh tế quốc dân của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong năm 2022 và đặc biệt là nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn do bối cảnh chung của tình hình kinh tế. Mặc dù trong những tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và một số Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản có tác động đến lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên tình cảnh thị trường vẫn trầm lắng và chưa phục hồi được trở lại.

Theo một số đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, thị trường bất động sản đang đối mặt với vô vàn khó khăn và thách thức. Tác động của Covid-19 lên thị trường bất động sản là rất rõ ràng khi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều bất lợi, hàng loạt dự án phải tạm dừng xây dựng... Trong thời gian vừa qua, các dự án bất động sản mới được cấp phép giảm so với các năm trước đại dịch khiến nguồn cung bất động sản, nhà ở đặc biệt là nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp vẫn còn hạn chế. Nguồn cung giảm khiến giá bất động sản, nhà ở, đất nền bắt đầu gia tăng kể từ đầu năm 2021. Đến cuối năm, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5-7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020. Điển hình nhất là căn hộ chung cư vốn được xem là biện pháp cứu cánh thì lại liên tục lập những mốc giá mới do số lượng căn hộ chung cư đưa ra thị trường giảm sút. Căn hộ của các chung cư bình dân có mức giá 25-30 triệu đồng/m2 - 30 triệu đồng/m2, chung cư trung cấp có mức giá 30-50 triệu đồng/m2, chung cư cao cấp có mức giá trên 50 triệu đồng/m2 bắt đầu vượt quá khả năng đầu tư của các tầng lớp người dân tương ứng.

Thị trường bất động sản vẫn gặp khó dù liên tục được tháo gỡ
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn.

Mặc dù trước các cơn sốt nhà đất như vậy, theo các báo cáo về chỉ số tâm lý người tiêu dùng bất động sản Việt Nam trong hai năm 2022 và 2023 lại cho thấy lượng người Việt Nam vẫn muốn sở hữu thêm bất động sản là rất cao, đặc biệt là với lý do mua để đầu tư hay vừa đầu tư vừa cho thuê bởi từ lâu bất động sản vẫn được coi là một dạng đầu tư sinh lời cao, an toàn và tâm lý muốn sở hữu nhà đất nhằm để dành cho con cái lớn lên có tài sản riêng trong tương lai. Ngoài ra, khi tỷ lệ lạm phát có xu hướng tăng do những bất ổn về chiến tranh, kinh tế - chính trị thế giới, nguồn tài chính đầu tư vào bất động sản được xem là một phương án giúp bảo toàn dòng vốn trước rủi ro. Điều này giúp người dân và các nhà đầu tư có thể bảo toàn giá trị tài sản thông qua các bất động sản trong nước, đồng thời tránh sự mất ổn định ở những kênh đầu tư khác vốn phụ thuộc nhiều hơn những biến động từ thế giới.

Theo Báo cáo đánh giá thị trường bất động sản được trình bày, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết ngoài những ảnh hưởng từ những yếu tố phát sinh như dịch bệnh, chiến tranh, xung đột, thiên tai... mang tính thời điểm thì sự vận hành thị trường bất động sản Việt Nam thời gian vừa qua vẫn nằm trong một tổng thể các vấn đề chung về khoảng cách giữa các chính sách, định hướng phát triển và thực tế vận động của thị trường không thể giải quyết ngay trong một sớm một chiều mà cần nhiều thời gian để thử nghiệm hay rút kinh nghiệm.

Trong thời gian vừa qua, Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, tích cực triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao và đạt được một số kết quả cụ thể.

Đến nay, Tổ công tác đã làm việc trực tiếp với nhiều địa phương, tiếp nhận, xem xét, xử lý 112 văn bản liên quan đến 174 dự án bất động sản, với nhiều nội dung kiến nghị về quy hoạch, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, cấp phép xây dựng, chuyển nhượng dự án…

Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ công tác đã hướng dẫn, giải đáp khoảng 30 nội dung kiến nghị liên quan tới 180 dự án nhà ở, khu đô thị; cùng 37 văn bản kiến nghị của doanh nghiệp và người dân. Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án (tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu), trong đó có 28 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác, có 39 dự án qua rà soát của địa phương.

Tại Hà Nội, Tổ công tác đã giải đáp, hướng dẫn khoảng 20 nội dung kiến nghị liên quan đến 712 dự án nhà ở, khu đô thị. Ngoài ra, có 12 văn bản kiến nghị của doanh nghiệp hiện đã đề nghị UBND Thành phố Hà Nội giải quyết tháo gỡ theo thẩm quyền. Đến nay, Hà Nội đã chỉ đạo và giải quyết được 419 dự án (tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu).

Những khó khăn vẫn bủa vây

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết trong những năm qua, thị trường vẫn còn đó những thăng trầm, nhất là năm 2022 vừa qua, thị trường gặp phải không ít khó khăn vướng mắc, nhất là về mặt pháp lý, có tới 70% các vướng mắc xuất phát từ pháp lý.

Theo ông Hiệp hiện nay, thị trường bất động sản đang tồn tại 4 vướng mắc lớn. Thứ nhất, là vấn đề giải phóng mặt bằng; thứ hai, là vấn đề quy hoạch; thứ ba, là định giá đất; thứ tư, là chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Vì vậy, pháp luật cần tập trung vào các vấn đề đã nêu để tháo gỡ cho thị trường.

Bên cạnh đó, vấn đề về thủ tục hành chính cũng là một trong những vướng mắc, gây khó cho doanh nghiệp hiện nay.

Các doanh nghiệp bất động sản hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới trong quý giảm (Quý I/2023 là 940 doanh nghiệp, giảm 63,2% so với cùng kỳ năm 2022), bên cạnh đó số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp (tăng 30,2%) và 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước (số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, Cục Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Thị trường bất động sản vẫn gặp khó dù liên tục được tháo gỡ
Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp trao chứng nhận cho các dự án đáng sống năm 2023.

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện đang gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.

Hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án.

Lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh; phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO; có Tập đoàn giảm 30% đến 50% lực lượng lao động).

Trong quý I năm 2023, theo khảo sát thì có thêm khoảng 30-50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động so với quý trước, đồng thời ước lượng số Môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30 - 40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn.

Lê Trang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load