Thứ sáu 29/03/2024 08:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thị trường bất động sản 2021 sẽ phát triển ổn định

21:02 | 20/02/2021

(Xây dựng) - Với những kết quả tích cực của năm 2020, Bộ Xây dựng nhận định thị trường bất động sản năm 2021 sẽ tiếp tục phát triển ổn định.

thi truong bat dong san 2021 se phat trien on dinh
Ảnh minh họa.

Ngành bất động sản có đóng góp không nhỏ trong nền kinh tế

Mới đây, Bộ Xây dựng đã công bố Báo cáo thị trường bất động sản quý IV/2020. Theo đó, năm 2020 đánh dấu nhiều khó khăn với kinh tế thế giới và Việt Nam. Ở trong nước, bên cạnh những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, tình hình biến đổi khí hậu đã gây ra hiện tượng bão, lũ, lụt ảnh hưởng nặng nề tới các tỉnh khu vực miền Trung.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn duy trì tăng trưởng, đạt mức 2,91% nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và có các chính sách kịp thời hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành Công nghiệp năm 2020 tăng 3,36% so với năm trước, đóng góp 1,12 điểm phần trăm tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành Xây dựng tăng 6,76%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành Bất động sản đóng góp khoảng 4,42% (nếu tính cả những đóng góp gián tiếp của các yếu tố vốn, đất đai, vật liệu, xây dựng… trong lĩnh vực bất động sản thì đóng góp của ngành Bất động sản còn cao hơn, khoảng 8 - 11%).

Theo Bộ Xây dựng, có được kết quả đáng ghi nhận đó là nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị và sự chung sức đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân, cùng với sự chỉ đạo, điều hành và thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội” của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương.

Pháp lý hoàn chỉnh đồng bộ

Trong năm 2020, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành tích cực nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách để đảm bảo tính đồng bộ, liên thông của hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản, như: Luật Xây dựng 2020 và Luật Đầu tư 2020 cùng với nhiều văn bản pháp luật khác.

Cụ thể, Luật Xây dựng 2020 có nhiều quy định tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện hơn so với trước đây như: quy định cụ thể việc xác định “chủ đầu tư” dự án đầu tư xây dựng; tích hợp thẩm định “thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở” với thực hiện thủ tục cấp Giấy phép xây dựng; mở rộng các trường hợp không phải cấp phép xây dựng…; tăng cường phân cấp trong thực hiện thủ tục cấp Giấy phép xây dựng; đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật về đầu tư, đầu tư công và pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Luật Đầu tư 2020 (kết hợp sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ môi trường) đã tạo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, công nhận chủ đầu tư.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ và các Bộ, ngành đã hết sức nỗ lực, khẩn trương nghiên cứu để ban hành nhanh chóng, kịp thời nhiều cơ chế, chính sách giúp tháo gỡ khó khăn, phục hồi, phát triển nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng như: Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 3 năm 2020 (số 41/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ) đã giao các Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương bổ sung, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn và nghiên cứu hoàn thiện chính sách để đẩy mạnh hơn nữa về phát triển nhà ở xã hội;

Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã giao các Bộ, cơ quan liên quan phối hợp nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp.

Năm 2021 thị trường bất động sản sẽ phát triển ổn định

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng, tài chính, thuế liên quan đến nhà ở và bất động sản; đôn đốc các địa phương báo cáo tình hình phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; kiểm tra tình hình thực hiện dự án bất động sản cao cấp, sử dụng nhiều diện tích đất tại các địa phương trọng điểm; đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, “thổi giá”, “làm giá” để lừa đảo, trục lợi; triển khai phần mềm sử dụng chung để kết nối, tích hợp, cập nhật số liệu, dữ liệu vào hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản.

Cụ thể, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, xây dựng, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo an sinh xã hội; Quản lý, phát triển quỹ nhà ở công vụ của Chính phủ giai đoạn 2021 – 2025…

Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành có liên quan đã kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản do tác động của dịch bệnh. Trong đó, thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ liên quan tới phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện và đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân Khu công nghiệp. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả các Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp (đến nay hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng hơn 5.210.000m2 nhà ở xã hội).

Bên cạnh công tác quản lý thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các Chương trình hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội như: Chương trình hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg; Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt; Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2018 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 lần lượt tại các Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 14/6/2018 và số 319/QĐ-TTg ngày 1/3/2020.

Xu hướng thị trường về trạng thái cân bằng

Năm 2020, nhìn tổng thể, cơ cấu hàng hóa bất động sản đã được điều chỉnh từng bước nhưng vẫn chưa thực sự hợp lý, vẫn còn biểu hiện dư cung ở một số phân khúc bất động sản cao cấp tại các đô thị lớn, trong khi rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.

Một số doanh nghiệp vẫn tập trung đầu tư vào các loại hình bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, chưa coi trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở bình dân giá rẻ, nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cho đại bộ phận người dân còn đang bị hạn chế về mức thu nhập, nhất là các đối tượng người nghèo, người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt, thông qua nhiều nghị quyết, chỉ thị; đồng thời các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động có nhiều giải pháp hợp lý, sử dụng hiệu quả các công cụ điều tiết chính như: tín dụng, thuế, đất đai, quy hoạch... nên thị trường bất động sản trong năm 2020 không rơi vào trạng thái “trầm lắng”, “đóng băng” toàn diện mà chỉ giảm phát ở một số phân khúc như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, văn phòng cho thuê.

Trong quý IV/2020, trên cả nước có 67 dự án nhà ở thương mại với 16.257 căn hô được cấp phép, 1.182 dự án với 197.934 căn hộ đang triển khai xây dựng; 44 dự án với 4.273 căn hộ hoàn thành. Cụ thể, tại miền Bắc có 19 dự án với 3.343 căn hộ được cấp phép; 191 dự án với 37.850 căn hộ đang triển khai xây dựng; 15 dự án với 1.633 căn hộ hoàn thành;

Tại miền Trung có 26 dự án với 7.607 căn hộ được cấp phép; 326 dự án với 73.041 căn hộ đang triển khai xây dựng; 16 dự án với 1.821 căn hộ hoàn thành; Tại miền Nam có 22 dự án với 5.307 căn hộ được cấp phép; 665 dự án với 87.043 căn hộ đang triển khai xây dựng; 13 dự án với 819 căn hộ hoàn thành.

Đối với dự án nhà ở xã hội, trong quý IV/2020, có 1 dự án được cấp phép mới, 63 dự án với 102.157 căn đang triển khai, 8 dự án với 1.677 căn hoàn thành.

Đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng, trên cả nước có 1 dự án mới với 3.300 căn hộ du lịch được cấp phép; 93 dự án với 19.128 căn hộ du lịch và 6.759 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng; 18 dự án với 62 căn hộ du lịch, 370 biệt thự du lịch hoàn thành.

Qua một năm 2020 với nhiều thách thức, nhưng với những tín hiệu, xu hướng tích cực của thị trường và toàn nền kinh tế trong quý IV/2020, có thể nói thị trường bất động sản đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, để từng bước đứng vững, phục hồi. Đặc biệt trong thời gian tới, bất động sản công nghiệp có thể coi là điểm sáng của thị trường bất động sản bởi nhiều nguyên do như: Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực; kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều tập đoàn đa quốc gia và điểm đến là Việt Nam; việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cũng là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam…

“Với những dấu hiệu, kết quả tích cực nêu trên sẽ là cơ sở, động lực tốt cho thị trường bất động sản năm 2021 tiếp tục phát triển ổn định”, Bộ Xây dựng cho hay.

Kim Oanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load