Thứ năm 19/09/2024 17:58 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Thể hiện cá tính trong mua sắm nội thất

14:11 | 13/01/2008

Nếu mua đồ mới cho cả căn nhà, căn hộ hoặc một căn phòng, bạn có thuận lợi là có thể chọn một bộ nội thất trọn gói, đồng bộ. Khi đó, coi như bạn đã có “sự trợ giúp” của một người thiết kế. Vấn đề còn lại là bạn “ngắm” và cảm nhận như thế nào.

Trước tiên, yếu tố quan trọng bạn cần phải xác định là không gian của nơi đặt món đồ dự tính mua. Giả sử đó là một phòng khách, bạn phải nắm chắc các đặc điểm kiến trúc, vị trí, kích thước, ánh sáng của không gian đó để chọn món đồ có tỷ lệ phù hợp.

 Yếu tố tiếp theo là màu sắc. Nếu căn phòng, căn hộ của bạn đã có màu sắc rồi, trong quá trình tìm kiếm, bạn có thể chọn món đồ thuộc loại “hoà sắc” hoặc “đối sắc”. Nếu màu sắc trong căn hộ sáng, bạn có thể chọn nội thất sáng hơn. Đó là hoà sắc. Màu sắc căn hộ sáng, bạn có thể chọn món đồ màu tối. Đó là đối sắc. Bản thân bạn khi chọn hoà sắc hoặc đối sắc là cũng đã thể hiện một phần tính cách của mình. Có khi vì quá thích một món đồ, bạn phải “hy sinh” màu sắc sẵn có ở nhà. Nếu bạn tin vào ý thích màu sắc của mình, cũng đừng ngần ngại khi quyết định như vậy. Nếu căn phòng, căn hộ chưa có màu sắc gì thì các món đồ nội thất sẽ quyết định màu sắc của nó.

Một yếu tố khác có phần khó hơn, tôi gọi là cái nhìn cảm nhận. Thật khó để nói rằng bạn phải cảm nhận như thế nào, nhưng theo tôi, việc chọn lựa qua yếu tố này sẽ giúp bạn thể hiện ra là bạn thích sự đơn giản hay phức tạp. Ví dụ, khi ta bước vào một căn nhà, dù không có mặt chủ nhân ở đó, ta cũng có thể cảm nhận phần nào sở thích, cá tính của chủ nhân qua một căn phòng ngăn nắp với những món đồ có đường nét sổ thẳng, đơn giản, mạnh mẽ, khoẻ khoắn và cân đối. Một ví dụ khác nữa, tôi nhận thiết kế nội thất cho khách hàng, buổi sơ giao đầu tiên, bước vào nhà khách hàng, tôi quan sát thấy những đôi giày, dép được xếp rất ngay ngắn trật tự ở cửa. Khi ngồi nói chuyện, ly nước lạnh tôi cầm lên có giọt đọng bên ngoài, chủ nhà nhanh tay lấy chiếc khăn đưa lên bàn. Chỉ với hai chi tiết nhỏ, tôi đã thầm đoán ra tính cách của chủ nhà. Ý nghĩ đó giúp tôi trong việc đề nghị một thiết kế phù hợp với chủ nhà. Trường hợp này rất khó để đề nghị một cái gì rườm rà, nhiều chi tiết, khó sắp đặt ngăn nắp trong sử dụng.

 

Yếu tố cuối cùng cũng rất quan trọng là khả năng kinh tế. Có những món đồ nội thất được coi như của gia bảo, nhưng cũng có những món mang tính thời trang. Thị trường có thể có hai bộ salon tương đương nhau về kích thước, màu sắc, kiểu dáng, nhưng bộ bọc da có giá đắt gấp 10 lần bộ bọc simili. Phải hiểu đó chính là dụng ý của nhà thiết kế. Bạn phải trả lời rằng với bạn, yếu tố thời trang quan trọng đến đâu. Có khi đủ tiền, bạn vẫn chọn cái giá rẻ. Chính trong những quyết định như vậy, bạn phải thể hiện cái tôi của mình. Trong việc mua sắm nội thất, cái tôi là quan trọng, nên đặt trước cái “chúng ta”!

 

Có những mẫu nội thất được cả trăm người thích, nhưng nếu bạn không thích thì đừng nên mua. Điều này giải thích một hiện tượng là có những nhà sản xuất nội thất cho ra một mẫu nội thất độc đáo được rất nhiều người thích. Nhưng khi nó đã được nhiều người chấp nhận mua, tự nhiên người ta không thích nữa. Lý do: vì nó đã trở nên quen thuộc và không thể hiện được cái “tôi” của người chủ.

Một người bạn của tôi khi xây nhà dành hẳn cho ông cụ thân sinh một căn phòng và toàn quyền chọn đồ theo ý thích. Ông cụ yêu cầu để căn phòng thông thoáng, chỉ đặt một cái gường nhỏ, một bộ bàn ghế nhỏ, còn toàn bộ căn phòng thiết kế sao cho thuận lợi, vệ sinh để treo lồng chim. Đó là nguyện ước của ông cụ. Tôi đã tới căn phòng đó và thấy rất thú vị. Ông cụ sống rất vui vẻ, thoải mái trong căn phòng có treo những chiếc lồng chim. Tôi kể chuyện này để nói rằng, khi thấy cần thiết, hãy mạnh dạn đưa ra nhu cầu của mình, đừng để phụ thuộc vào ý thích của người khác.

Khi chọn cho mình một không gian nội thất, có thể bạn sẽ gặp người đồng cảm với mình hoặc không đồng cảm. Đừng vội nghe theo ý kiến không đồng cảm. Hãy tự hỏi lại: Có đúng là mình thích như thế và nó phù hợp với mình hay không?

Đó là những bước tuần tự để sắm đồ nội thất trọn gói cho một căn hộ mới toanh. Còn nếu sắm đồ chỉ để bổ sung cho những gì đã có, bạn phải xác định lại: Cái mình đã có là gì? Điều quan trọng nhất là phải phù hợp với cái đã có.

 
KTS Phạm Gia Yên
(Trưởng khoa nội thất Đại học Kiến trúc TP.HCM)

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load