Thứ bảy 23/11/2024 03:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Thành phố thông minh và vấn đề quản trị đô thị

18:40 | 15/10/2016

Xây dựng thành phố thông minh đang trở thành một trào lưu của các đô thị trên thế giới và Việt Nam cũng đang bước đầu tiếp cận. Quá trình đô thị hóa ở các nước đi sau có nhiều cơ hội để thay đổi; tuy nhiên cần chú ý những khác biệt về nền tảng xã hội khi học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước. Bài viết thảo luận về tình hình phát triển đô thị thông minh trên thế giới và ở Việt Nam và gợi ý một số vấn đề về quản trị đô thị tương lai.


Thành phố Bollywood (Ấn Độ) phát triển theo mô hình đô thị thông minh.

Thành phố thông minh

Bước sang thế kỷ 21, thế giới biến đổi nhanh chóng cùng với sự phát triển ứng dụng khoa học công nghệ. Công nghệ và sự thay đổi xã hội tạo ra những đột phá về tổ chức đi lại, sử dụng năng lượng, hệ thống phân phối logistics, quản lý cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ công. Sự hội tụ của những thay đổi về công nghệ làm thay đổi nhận thức, thay đổi các thể chế và cách chúng ta tạo ra giá trị của thời đại mới, đặc biệt là khu vực đô thị - nơi hội tụ của tinh hoa và sáng tạo.

Thành phố “thông minh” hay “thông minh hơn” ra đời là một tất yếu khi công nghệ chín muồi, nhu cầu đủ lớn và điều kiện xã hội đáp ứng. Nhìn lại 50 năm trước, khái niệm thành phố thông minh đã từng được đề cập ở Hoa Kỳ nhưng chưa được hoàn thiện. Cho tới gần đây, sự nở rộ của các thành phố thông minh phản ánh sự hội tụ của nhiều yếu tố, từ nhu cầu thay đổi cho tới sự chín muồi của công nghệ và trưởng thành của thể chế, và nền tảng xã hội. Từ góc độ thị trường và xã hội, sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư và cải thiện chất lượng sống là động lực để cả doanh nghiệp, chính quyền, và người dân phải thông minh hơn. Từ góc độ công nghệ, sự chín muồi của công nghệ đã thay đổi cách thức quản lý sản xuất và cung cấp dịch vụ. Trong bối cảnh đó, các thể chế và các nhà quản lý chấp nhận cái mới, chấp nhận sự tham gia và giám sát của người dân, chấp nhận thay đổi cuộc chơi để tăng sức cạnh.

Khái niệm thành phố thông minh được sử dụng từ năm 2005 bởi một loạt các công ty công nghệ dành cho việc ứng dụng các hệ thống thông tin vào việc vận hành hạ tầng đô thị như các tòa nhà, giao thông, cung cấp điện nước và an toàn xã hội. Ý tưởng này cũng hình thành nền tảng dựa trên công nghệ thông tin cho các công tác quy hoạch, phát triển và vận hành các thành phố. Năm 2008, tập đoàn IBM đề cập đến “thành phố thông minh” như một phần của ý tưởng “Hành tinh thông minh hơn”. Sau đó, khái niệm này trở thành chiến lược nổi bật và xu hướng cạnh tranh giữa các nước.

Có rất nhiều định nghĩa và cách hiểu “thành phố thông minh” dưới dạng biểu hiện của “thành phố tri thức”, “thành phố kỹ thuật số”, “thành phố tự động” hoặc “thành phố sinh thái”. Tuy nhiên thành phố thông minh được hiểu là sự hội tụ của ba yếu tố: hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững và môi trường sống thân thiện biểu hiện qua nền kinh tế thông minh, đi lại thông minh, cư dân thông minh, môi trường thông minh, quản lý đô thị thông minh và cuộc sống thông minh. Cơ sở của sự thông minh là công nghệ thông tin và truyền thông (Information Communication Technology - ICT) giúp cho tất cả các lĩnh vực như để vận hành hệ thống hạ tầng, cung cấp tiện ích đô thị, bảo vệ môi trường và an toàn cộng đồng, cung cấp dịch vụ đô thị và các nhu cầu khác một cách thông minh, giúp cho kinh tế đô thị tăng trưởng và phát triển bền vững. Hình bên mô tả khái quát về các khía cạnh của thành phố thông minh hiện nay.


Các lĩnh vực của thành phố thông minh.

Trên thế giới hiện nay có khoảng hơn 100 thành phố đã triển khai các chương trình để hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố thông minh. Mỗi quốc gia hoặc thành phố lựa chọn cách riêng để đạt được mục tiêu của mình phụ thuộc vào bối cảnh phát triển. Có thể hình dung tình hình phát triển của các thành phố tiêu biểu trên thế giới trong đồ họa sau:

Tại Việt Nam, xu hướng xây dựng đô thị thông minh đang được quan tâm và thúc đẩy. Thành phố thông minh được coi là lựa chọn tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới cũng như khả năng tiếp cận của Việt Nam. Các đề xuất phát triển và đầu tư cho đô thị thông minh đang mở rộng như Đà Nẵng, TP HCM, Thái Nguyên, Hà Nội và Bình Dương trong lĩnh vực giao thông, cấp nước, quản lý môi trường… Các chương trình gắn với xây dựng Chính phủ điện tử đang thúc đẩy sự thay đổi trên các lĩnh vực quản lý ngân sách, thuế, hải quan và quản lý đất đai.

Trong những năm gần đây, việc ứng dụng các thiết bị di động thông minh đã du nhập vào Việt Nam và phát triển mạnh trong nhiều ngành kinh tế. Công nghệ thông minh đã len lỏi vào các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán, truyền thông. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào khai thác thế mạnh của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), Internet của vạn vật (IoT) để nâng cao hiệu suất, giảm chi phí và cải thiện chất lượng dịch vụ. Một số lĩnh vực then chốt của cuộc sống đô thị như giao thông và dịch vụ tiện ích cũng có những ứng dụng như tìm đường, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hay dịch vụ các tòa nhà thông minh.

Việc phát triển thành phố thông minh đã xúc tiến thông qua nhiều chương trình hợp tác quốc tế. Nhiều đề xuất hợp tác quốc tế với Nhật Bản, Phần Lan, Hà Lan và Hoa Kỳ đã và đang thiết lập nhằm hỗ trợ Việt Nam trong việc ứng dụng phát triển thành phố thông minh. Ba năm gần đây, nhiều dự án đang được đề xuất theo một số chủ đề ở các thành phố. Nhiều địa phương khác cũng đang nghiên cứu và tương lai sẽ có nhiều đề xuất dự án ứng dụng mới.

Ở cấp độ quốc gia, việc hình thành các tổ chức và nghiên cứu đã được xúc tiến. Chính phủ thành lập Ban Xây dựng phát triển hệ thống thành phố mhông minh với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành. Mục tiêu triển khai trong giai đoạn 2006 - 2020 là vận động các nước, doanh nghiệp tham gia hợp tác, tư vấn, và các địa phương đăng ký tham gia mô hình sẽ xây dựng đề án triển khai. Chính phủ cũng ký kết các chương trình hỗ trợ từ các đối tác nước ngoài như IBM, Cisco, Hàn Quốc, Phần Lan, chấp thuận các dự án đầu tư và đề xuất các khung chương trình liên quan đến việc xây dựng, phát triển thành phố thông minh. Tuy nhiên, việc triển khai còn nhiều việc phải làm bao gồm từ bộ khung thể chế, từ chương trình, dự án đầu tư, cơ chế thu hút và xây dựng năng lực.

Kết quả của quá trình phát triển chính phủ điện tử và tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý nhà nước cũng góp phần vào xây dựng thành phố thông minh. Đến nay, 96,6% Bộ, ngành đã xây dựng website riêng, 100% các tỉnh, thành phố có cổng thông tin điện tử, 83,6% các thông tin chỉ đạo, điều hành được đăng trên internet. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin đã từ chuyển mức tin học hóa hoạt động hành chính là chủ yếu sang việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ ngày càng cao. Hiện, có trên 89.000 dịch vụ công mức độ 1 và 2, 890 dịch vụ công mức độ 3 và 11 dịch vụ ở mức độ 4 được cung cấp trực tuyến. Những ứng dụng trên mở rộng các kênh thông tin, phổ biến kiến thức, giảm chi phí giao dịch và tăng khả năng thích ứng của xã hội.

Việt Nam đã và đang triển khai nhiều ứng dụng công nghệ “thông minh” ở khu vực đô thị. Các dự án theo ngành điện, nước, giao thông và công trình thông minh của khu vực tư nhân đã bắt đầu thực hiện. Tuy nhiên, sự thay đổi về quản trị ở cấp độ thành phố và liên ngành mới dừng ở mức độ đề án, thiếu các dự án nghiên cứu đánh giá và thí điểm song hành với đầu tư về mặt kỹ thuật.

Thành phố thông minh nhìn từ góc độ quản trị

Không phải ngẫu nhiên thành phố thông minh phải dựa trên cả ba trụ cột là công nghệ, quản trị  và cư dân. Hệ thống quản trị chính là cầu nối đảm bảo sự tương thích với sự thay đổi của công nghệ và trình độ của cư dân. Công nghệ năng lượng tái tạo như pin mặt trời hay trạm phát điện, chỉ đem lại hiệu quả khi cơ chế khuyến khích đủ lâu dài để các hộ tiêu thụ đầu tư thu hồi vốn và chính sách bù giá ra đời nhằm khỏa lấp khoảng cách giữa thị trường hiện tại và tương lai. Sự ra đời của dịch vụ Uber và Grab taxi làm cho bên cung cấp có lợi thế về quyền chọn khách hàng nhưng lợi thế thông tin làm có thể làm người lái taxi nâng giá tùy ý và chèn ép khách hàng và dẫn tới cạnh tranh không bình đẳng với taxi truyền thống. Có thể nói, sự vượt trội của công nghệ có thể dẫn tới những nhóm đi trước “bóc lột” số còn lại và dẫn tới xung đột mới và những vấn đề như vậy đòi hỏi hệ thống quản trị và thể chế phải thay đổi theo hướng thông minh hơn. Thể chế thông minh hơn và quản trị thông minh hơn sẽ giúp giảm bớt sự lạm dụng, tái phân bổ lợi ích và nguồn lực khi cần thiết, và mở rộng phạm vi tác động ưu việt của công nghệ tới các nhóm xã hội khác nhau.

Nền tảng để bước vào ứng dụng thông minh ở các nước phát triển cũng có những đặc điểm riêng. Hai mươi năm qua, hệ thống quản trị của họ đã chuyển đổi từ quản lý đô thị với chính quyền làm trung tâm sang quản trị đô thị lấy liên minh với các chủ thể khác làm sức mạnh. Tiếp cận quản trị đô thị giúp thay đổi hệ thống hành chính cứng nhắc chỉ tập trung giải quyết những gì theo “đúng quy định” sang tiếp cận theo hướng “đáp ứng đòi hỏi xã hội” trên cơ sở khai thác sức sáng tạo và nguồn lực rộng mở. Nói cách khác, thay vì sử dụng nguồn lực của mình thực thi nhiệm vụ hành chính (Government), chính quyền dùng sức mạnh và ảnh hưởng của mình khi liên minh với các bên tham gia - để điều phối các nguồn lực xã hội hướng đến mục tiêu phát triểnchung (Governance).

Sự “thông minh” về xã hội là nền tảng để phát huy ứng dụng về công nghệ. Hệ thống quy hoạch và quản lý dựa vào nền tảng dân chủ tạo cơ chế sàng lọc về xã hội để các ưu việt về công nghệ được mổ xẻ rộng rãi lựa chọn nhờ quá trình đối thoại. Mô hình “quy hoạch giao tiếp” (communicative planning) đã thay thế quy hoạch dựa vào các chuyên gia và giúp đạt tới sự hợp lý về xã hội. Quá trình thảo luận với các bên tham gia ở đa cấp độ và đa chiều làm cho sự “thông minh” của xã hội được phát huy. Từ cách tiếp cận này, việc quản lý theo dự án (project-based development) đã chuyển thành thảo luận để giải quyết vấn đề phát triển theo khu vực (Area based development) . Nói cách khác, sự “thông minh” trong quản trị ở các nước phát triển có sự đóng góp của công nghệ và xã hội. Công nghệ truyền thông và tin học (ICT) phát triển đã giúp chính quyền tận dụng tốt và tạo điều kiện cho sự thăng hoa của sáng tạo và hệ thống tự động lựa chọn các giải pháp thích ứng - tối ưu - thông minh.

Trong quá trình phát triển, các nước đi trước cũng có những sai lầm song họ đã điều chỉnh. Trong thế kỷ XX, sự thăng hoa của kỹ nghệ xe hơi và năng lượng hóa thạch đã tạo ra hình mẫu đô thị phát triển lan tỏa và lệ thuộc vào xe hơi. Tuy nhiên, quá trình này đã được điều chỉnh và nhiều công cụ mới đã được khai thác để giúp các thành phố tăng tưởng (smart growth).Việc mở rộng thành phố được đánh giá kỹ, lựa chọn khôn ngoan khu vực phát triển dựa trên nền tảng quy hoạch tham gia để có bộ khung không gian như hiện nay.

Các nước đang phát triển hướng đến xây dựng thành phố thông minh trong bối cảnh đô thị hóa nhanh có lợi thế bởi sự chín muồi của công nghệ có thể giúp đi tắt và đón đầu. Tuy nhiên, có thể nói thách thức ở nhiều nước đang phát triển là dù có đồ án quy hoạch “đẹp” và chính sách “hay” thì vẫn không triển khai được vì năng lực thể chế và phức tạp của vấn đề xã hội. Hệ thống thông minh cần cả sự tương tác đa chiều và nền tảng để khai thác là sự tương tác và giao tiếp phân tán - phân quyền. Điều này đòi hỏi một cấp độ mới trong hợp tác và chia sẻ không dễ đạt được nếu thiếu nền tảng quản trị và xã hội “mở”. Có nhiều vấn đề cần cân nhắc nếu so sánh về nền tảng xã hội, thể chế, cũng như kinh nghiệm về các bài học phát triển mà các nước đi trước đã trải qua.

Ngoài nền tảng khác biệt, các nước đang phát triển còn phải chú ý tới những khó khăn về kỹ thuật và năng lực. Việc mua thiết bị camera giám sát; điều khiển hành trình, hay thiết kế công trình “xanh” có thể giúp một bộ phận thành phố nhanh chóng “thông minh hơn”; tuy nhiên, hệ thống kỹ thuật làm việc tốt khi các cơ sở dữ liệu được xây dựng và quản lý đồng bộ nhưng cơ sở dữ liệu đầu tư bài bản, cập nhật, và kết nối luôn là yếu điểm ở các nước đang phát triển. Vấn đề năng lực thể chế đảm bảo cho các hệ thống kỹ thuật hoạt động ổn định cũng là những mối quan ngại. Sự lệ thuộc về công nghệ từ bên ngoài cũng tiềm ẩn rủi ro bởi mua công nghệ từ CISCO, SIEMENS, HONEYWELL hay IBM thì dễ xong để đáp ứng yêu cầu thường xuyên nâng cấp phần mềm và phần cứng để đảm bảo chất lượng lại không dễ nếu ngân sách không đảm bảo.

Có thể nói, việc nhân rộng ứng dụng thông minh lên cấp độ đô thị vẫn là thách thức của các nước đang phát triển. Công nghệ mới có thể mua và áp dụng nhanh chóng ở cấp độ dự án hoặc công trình, xong để trở thành một thành phố thông minh và toàn diện cần có một nền tảng xã hội phù hợp. Nhiều hệ thống kết cấu hạ tầng có thể áp dụng nhanh công nghệ mới để giải quyết bài toán tối ưu tại một đầu mối tập trung. Không chỉ có vậy, nếu thành phố thông minh trở thành vũ khí bị chính trị hóa, các thành phố có thể bị lôi cuốn vào các cuộc chạy đua mua sắm thiết bị nhưng không đầu tư nâng cấp đồng bộ về hạ tầng mềm, nền tảng xã hội để khai thác hiệu quả thông qua quá trình quản trị phù hợp. Kết quả đầu tư lớn nhưng hiệu quả đem lại không giúp các thành phố thông minh hơn, đủ để cạnh tranh trên phạm vi quốc tế.

Một số suy nghĩ về quản trị hướng tới thành phố thông minh ở Việt Nam

Thành phố thông minh cần được hiểu là làm cho tổ chức xã hội đô thị đó thông minh hơn. Thông minh không phải là đích mà là phương tiện để phát triển bền vững, cạnh tranh, thịnh vượng và cuộc sống có chất lượng. Thông minh hơn là một quá trình diễn tiến không ngừng, không phải mới bắt đầu và không kết thúc với sự sáng tạo rộng rãi của xã hội là nền tảng. Thông minh hơn không chỉ dựa vào công nghệ kết nối và tính toán hay kiểm soát, mà còn cả hệ thống quản trị với sự tương tác của các bên tham gia với mục tiêu cao nhất là phục vụ con người. Trách nhiệm của hệ thống quản trị là xây dựng nền tảng cho sự sáng tạo và thông minh hơn.

Các thành phố đi trước có nhiều bài học cần được học hỏi và tiếp thu, xong cần nhận thức sự khác biệt của “người đi sau” về cả cơ hội, lợi thế, lẫn khó khăn. Cơ cấu không gian, tổ chức quy hoạch đô thị, hệ thống quản trị, và sự khác biệt về nền tảng xã hội cần đánh giá đúng mức để nâng tầm “thông minh” vượt ra các khu vực tách biệt và lĩnh vực có thể dễ dàng áp dụng công nghệ mới. Sự tiếp thu của cá thể là quá trình tự nhiên, xong sự lan tỏa ở phạm vi đô thị cần có sự chủ động của chính quyền để thay đổi thể chế.

Bối cảnh thay đổi nhanh như hiện nay đòi hỏi các thành phố cần sớm có các nghiên cứu đánh giá tổng hợp để tìm ra các lĩnh vực đột phá để tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài cho doanh nghiệp và xã hội. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần phải chú trọng cả các lĩnh vực truyền thống vì chúng ta vẫn đang mở rộng đô thị và việc đầu tiên là quản lý tích hợp.

Nền tảng của “thông minh” ở cấp độ đô thị là cách thức chia sẻ và hợp tác hữu hiệu, do đó chúng ta có thể bắt đầu bằng việc mở các kho dữ liệu ra để chia sẻ. Công nghệ điện toán đám mây và kết nối diện rộng sẽ giúp các bên tham gia tối ưu hóa các lựa chọn cả ở phía sản xuất và tiêu thụ. Trong ‘thế giới nhanh’, thông tin càng chia sẻ càng có giá trị nên hệ thống quản trị cần tạo đột phá bằng việc kết nối các dữ liệu, từ không gian và môi trường cho tới chính sách đầu tư phát triển, dịch vụ hành chính và các thông tin xã hội giúp tìm kiếm cơ hội phát triển và điều chỉnh hành vi.

Về lâu dài, cần phát triển năng lực quản trị để chuyển sang hệ thống quản trị có tính liên minh và tận dụng nguồn lực xã hội trong phát triển (Governmen). Đồng thời, chúng ta cần nâng tầm công nghệ “thông minh” từ cấp độ công trình và lĩnh vực lên phạm vi cấp thành phố. Điều này đòi hỏi sự chủ động của chính quyền trong kết nối theo khu vực (Area Based Development) thay vì dự án (project based). Điều này liên quan đến kết nối giữa các bên trong quan hệ chiều ngang và dọc cũng như với bên ngoài Nhà nước.

Tất nhiên các nền tảng của công nghệ như chất lượng cảm biến - hệ thống đo lường và phản biện xã hội cũng phải xây dựng; đầu tư xây dựng năng lực cho các trung tâm thu thập phân tích và xử lý dữ liệu lớn (Big Data). Công nghệ thuần túy với người Việt có lẽ không phải là thách thức lớn.

Vấn đề cơ chế ra quyết định cũng cần được chú ý. Hệ thống ra quyết định cần tạo nền tảng để sự thông minh vừa đạt đýợc qua cő chế tập trung cao độ để tối ýu hóa nguồn lực, nhýng cũng phải đủ linh hoạt để các lựa chọn của cő chế nguồn lực vŕ ngýời trả tiền ‘phân tán’ phản ánh đýợc sự đa dạng của thị trýờng vŕ đặc biệt lŕ phát huy sự sáng tạo trong phát triển.

Mong rằng những nội dung trao đổi có thể trở thŕnh gợi ý cho các nghiên cứu bài bản cho các thành phố trong việc xây dựng nền tảng cho sự phát triển thành phố thông minh, thịnh vượng, nhân văn, và bền vững.

TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, ThS. Đào Thị Bích Vân/TCKTVN

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load