(Xây dựng) - Mới đây, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời với chủ đề “Luật Đất đai năm 2024: Quyền lợi và nghĩa vụ của người dân - Trách nhiệm của chính quyền”.
Các đại biểu tham dự chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời với chủ đề “Luật Đất đai năm 2024: Quyền lợi và nghĩa vụ của người dân - Trách nhiệm của chính quyền”. |
Tại chương trình, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau khi Luật Đất đai 2024 được Quốc hội thông qua, điều chỉnh thời gian có hiệu lực (từ ngày 1/8/2024), UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có Kế hoạch số 1754 ngày 21/5/2024 để triển khai đồng bộ, kịp thời trên toàn địa bàn Thành phố.
Về việc xây dựng bảng giá đất, ông Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, nội dung tác động đến nhiều người dân, các đối tượng, vì vậy Thành phố làm hết sức thận trọng.
Còn về đối tượng tác động, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố cho biết, theo quy định của Luật Đất đai 2024 sẽ có 12 đối tượng chịu tác động của bảng giá đất. Chủ yếu bảng giá đất sẽ tác động đến việc nộp thuế, nộp nghĩa vụ tài chính, nộp phí lệ phí và nộp phạt do vi phạm hành chính.
Liên quan đến cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ, theo Luật Đất đai năm 2024, cá nhân, hộ gia đình được giao đất không đúng thẩm quyền trước ngày 15/10/1993 đến nay không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Khoản 1 Điều 140 Luật Đất đai 2024.
Các trường hợp sử dụng đất sau ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2014 do được giao đất không đúng thẩm quyền khi cấp Giấy chứng nhận phải phù hợp quy hoạch. Đối với trường hợp có nhà tạm trước thời điểm 1/7/2006 đang không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 148.
Đối với thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp lên đất ở theo Luật Đất đai mới, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở sang đất ở hoặc chuyển mục đích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân chỉ căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Trong khi đó, liên quan đến công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Khiết cho biết, đây là công tác đã và đang được chính quyền Thành phố hết sức quan tâm nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng.
Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi kiến nghị hướng dẫn cách giải quyết các hồ sơ bị ách tắc liên quan điều chỉnh bảng giá đất. |
Ngoài việc vừa phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong khu vực giải tỏa (phải có nguồn nhà tái định cư trước để người dân lựa chọn), hạn chế thấp nhất khiếu nại, tố cáo của người dân.
Trong đó, theo khoản 6 Điều 91 Luật Đất đai năm 2024 quy định UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư để bảo đảm chủ động trong việc bố trí tái định cư cho người có đất thu hồi. Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết dự kiến, chính quyền Thành phố sẽ báo cáo HĐND để nghe góp ý trước khi trình Ban Thường vụ Thành ủy. Bảng giá đất điều chỉnh của Thành phố phải phù hợp với quy định Luật Đất đai 2024 và phù hợp thực tiễn của địa phương.
“Vấn đề phát sinh là thực hiện nghĩa vụ tài chính sau ngày 1/8 sẽ áp dụng bảng giá đất nào. Đây là vướng mắc của cả các địa phương khác, không chỉ của Thành phố Hồ Chí Minh. UBND Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ký văn bản báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính để tháo gỡ”, ông Bùi Xuân Cường thông tin thêm.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa gửi văn bản xin ý kiến Thủ tướng hướng dẫn việc tính nghĩa vụ tài chính đất đai với hồ sơ phát sinh sau ngày 1/8 đến khi có bảng giá đất điều chỉnh. Theo đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đang gặp khó trong việc giải quyết các thủ tục hành chính về nghĩa vụ tài chính trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/8 đến thời điểm Bảng giá đất điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 được ban hành. Cụ thể, trước đây hàng năm, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đều trình HĐND Thành phố thông qua hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để áp dụng cho từng nhóm đối tượng, từng khu vực địa bàn, từng mục đích sử dụng đất nên đã phần nào giải quyết phù hợp các hồ sơ về nghĩa vụ tài chính về đất đai trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/8, không có quy định việc UBND Thành phố hàng năm trình HĐND Thành phố thông qua hệ số K như Luật Đất đai năm 2013 nên Bảng giá đất áp dụng sau ngày 1/8 sẽ không áp dụng nhân hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024. Do đó, nếu Thành phố áp dụng tính thuế theo bảng giá cũ mà không nhân với hệ số K, sẽ không phù hợp điều kiện giá đất thực tế tại địa phương. Ngược lại, nếu tính theo phương án sử dụng bảng giá đất chưa điều chỉnh nhân với hệ số K thì hiện nay chưa có quy định hướng dẫn. Nhằm tránh ách tắc trong quá trình giải quyết hồ sơ liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất đai phát sinh trong giai đoạn từ ngày 1/8 đến khi Bảng giá đất điều chỉnh được ban hành, UBND Thành phố kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện giải quyết nội dung vướng mắc nêu trên để Thành phố Hồ Chí Minh có cơ sở thực hiện. |
Viết Dũng
Theo