(Xây dựng) - Chưa đầy 20 năm xây dựng và phát triển, từ một thị xã tỉnh lỵ nghèo, thị xã Bắc Kạn đã có những bứt phá ngoạn mục lên đô thị loại III, và chính thức trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bắc Kạn từ tháng 5 lịch sử này.
Từ một thị xã nghèo…
Ngày 1/1/1997, tỉnh Bắc Kạn được tái lập. Thị xã Bắc Kạn từ một thị xã vùng trở thành thị xã tỉnh lỵ của tỉnh có diện tích tự nhiên là 13.688ha, với 8 đơn vị hành chính gồm 04 phường: Đức Xuân, Sông Cầu, Nguyễn Thị Minh Khai, Phùng Chí Kiên và 04 xã: Huyền Tụng, Xuất Hóa, Nông Thượng, Dương Quang.
Khi mới tái lập tỉnh, giao thông của thị xã phần lớn là đường cấp phối và đường đất. Toàn thị xã có khoảng 10km đường nhựa thuộc Tỉnh lộ 257 và Quốc lộ 3 đoạn qua thị xã Bắc Kạn đã xuống cấp nghiêm trọng, không có hệ thống điện chiếu sáng. Toàn thị xã chỉ có duy nhất 1 bệnh viện với quy mô khoảng 50 giường bệnh; có 01 trường THCS, 01 trường THPT và một số trường tiểu học, 01 nhà mẫu giáo liên cơ, hầu hết các trường lớp học đều bằng tranh tre, nứa lá, không đáp ứng được nhu cầu học tập của con em các dân tộc thị xã Bắc Kạn. Tỷ lệ học sinh đến trường và chất lượng đào tạo thấp. Hầu hết các thôn thuộc các xã ngoại thị đều chưa có điện chiếu sáng. Toàn thị xã chỉ có 1 trụ sở làm việc cũ với quy mô 3 tầng, diện tích khoảng 1.000m2 nhưng đã xuống cấp một nửa. Chưa có nhà máy cấp nước, hầu hết nước dùng cho sinh hoạt là từ giếng đào, nước sông và nước khe tự chảy. Hệ thống thoát nước tự chảy, chưa có quy hoạch.
Trước tình hình đó, thị xã Bắc Kạn đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề và các đề án phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tổ chức, điều hành và hướng dẫn nhân dân chuyển dịch mạnh nền kinh tế sang sản xuất hàng hóa, lấy năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế làm mục tiêu phấn đấu, xây dựng đô thị ngày một phát triển.
Giai đoạn 2000 - 2010, kinh tế - xã hội thị xã bắt đầu phát triển có tính đột phá. Các hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển phong phú, đa dạng, thích ứng với cơ chế thị trường. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng. Trong 10 năm, cùng với sự hỗ trợ của cấp trên, thị xã đã đầu tư trên 100 tỷ đồng xây dựng các hạ tầng chính như: Điện, đường giao thông, trường học, nước sinh hoạt, thủy lợi… Đến năm 2010, 100% hộ dân trên địa bàn được sử dụng điện lưới quốc gia, 90% hộ dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; 100% xã, phường có điện thoại liên lạc thông suốt và có điểm bưu điện văn hóa; bình quân lương thực đầu người đạt 170kg/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,03%...
… Lên đô thị loại III
Dưới sự chỉ đạo điều hành sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ và nhân dân Bắc Kạn, cơ cấu kinh tế của thị xã tiếp tục chuyển dịch một cách nhanh chóng và đúng hướng, tăng dần tỷ trọng thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp; thị xã Bắc Kạn dần có diện mạo của một đô thị với không gian được mở rộng, hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ, cảnh quan đô thị ngày càng khang trang, văn minh, sạch đẹp; lĩnh vực văn hóa xã hội được quan tâm phát triển, an ninh quốc phòng được giữ vững, đáp ứng yêu cầu của một trung tâm tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Là đầu mối phân phối hàng hóa bán buôn, bán lẻ đi toàn tỉnh, trên địa bàn thị xã đã hình thành một hệ thống chợ, cửa hàng kinh doanh trong đó có 2 chợ lớn với tổng diện tích sàn xây dựng trên 10.000m2. Ngoài ra còn có một số lượng lớn các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp nhỏ hoạt động theo quy mô gia đình hoặc công ty TNHH tham gia kinh doanh trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ với các ngành nghề chủ yếu như: Cơ khí, sửa chữa ôtô, xe máy, lắp đặt trang bị nội thất, vận tải, may mặc, dịch vụ khách sạn, nhà hàng ăn uống, cửa hàng điện máy, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, đồ nội thất gia đình, mộc gia dụng, chế biến nông - lâm sản, dịch vụ xây dựng…
Trên địa bàn thị xã cũng đã có sự góp mặt của nhiều ngân hàng uy tín như: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Bắc Kạn, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, Chi nhánh Ngân hàng Công thương Bắc Kạn, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và một số tổ chức tín dụng... là nơi luân chuyển nguồn vốn cho các doanh nghiệp và nhân dân, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của thị xã.
Hệ thống đường giao thông được xây dựng và dần hoàn thiện. Mạng lưới giao thông đường bộ liên hoàn. Các tuyến đường giao thông nông thôn đến các xã đã được bê tông hóa đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn. Đường liên xã, phường, liên thôn, tổ ngày càng được củng cố và hoàn thiện, vừa phục cho việc phát triển kinh tế - xã hội, vừa tạo sự liên hoàn trong thế trận phòng thủ của thị xã.
Cơ sở hạ tầng thuộc các lĩnh vực xã hội được quan tâm đầu tư nâng cấp, nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng đạt hiệu quả thiết thực. Mạng lưới y tế của thị xã được củng cố xây dựng đáp ứng với yêu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng, đội ngũ giáo viên luôn được kiện toàn; chất lượng giáo dục được nâng cao. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thị xã luôn được ổn định giữ vững.
Với những kết quả đã đạt được trong xây dựng và phát triển, Quyết định số 713-QĐ/BXD ngày 02/8/2012 Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã công nhận thị xã Bắc Kạn là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Bắc Kạn.
Thành phố trực thuộc tỉnh
Trên nền tảng của là một đô thị loại III, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bắc Kạn nói chung và thị xã Bắc Kạn nói riêng tiếp tục tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nỗ lực phấn đấu xây dựng thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, trong đó ưu tiên hàng đầu là xây dựng hạ tầng đô thị.
Để giải quyết bài toán về vốn xây dựng nâng cấp hạ tầng cơ sở, HĐND tỉnh khóa VIII đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 29/7/2013 về việc nhất trí dùng nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh để đầu tư xây dựng thị xã Bắc Kạn đạt tiêu chuẩn thành phố thuộc tỉnh vào năm 2015 với tổng số vốn đầu tư 41 tỷ đồng, trong đó: 9 tỷ đồng dành cho lập quy hoạch chi tiết 02 xã Xuất Hóa và Huyền Tụng, lập đề án thành lập 02 phường Xuất Hóa và Huyền Tụng, lập đề án thành lập Thành phố Bắc Kạn thuộc tỉnh Bắc Kạn; 16 tỷ đồng cho hoàn thiện các tiêu chí về hệ thống hạ tầng đô thị hiện nay còn thấp; 16 tỷ đồng cho giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đô thị loại III đã đạt.
Trong quá trình thực hiện nâng cấp hạ tầng cơ sở, thị xã Bắc Kạn đã đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm như: Nhà hợp khối trụ sở làm việc của Thị ủy - HĐND - UBND thị xã Bắc Kạn; thực hiện Đồ án quy hoạch chi tiết khu đô thị Xuất Hóa, khu đô thị Huyền Tụng và Đề án thành lập các phường Xuất Hóa, Huyền Tụng thuộc thị xã Bắc Kạn, Đề án thành lập thành phố Bắc Kạn thuộc tỉnh Bắc Kạn; tiến hành trồng cây xanh, cây cảnh, cây bóng mát trên các tuyến đường nội thị; sơn kẻ mặt đường, sơn kẻ chỗ đỗ xe; lắp đặt biển báo hiệu đường bộ; lát gạch vỉa hè đường Thanh Niên, đường Nguyễn Thị Minh Khai; sửa chữa duy tu Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ thị xã Bắc Kạn…
Cùng với đó, thị xã cũng đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư xây dựng và khai thác các kết cấu hạ tầng đô thị như: Xây dựng hệ thống điện chiếu sáng các ngõ hẻm; hoàn chỉnh dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị phía Nam và khu tái định cư Đức Xuân; quy hoạch các khu chức năng bờ Bắc sông Cầu; nâng cấp chợ Đức Xuân; xây dựng điểm mua bán tại khu dân cư Quang Sơn (phường Sông Cầu), chợ Nguyễn Thị Minh Khai; từng bước sắp xếp và hình thành các khu dịch vụ chức năng như phố ẩm thực, các khu vui chơi, giải trí, công viên hai bên bờ sông Cầu; xây dựng trường Trung học cơ sở Đức Xuân; Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề thị xã; hoàn chỉnh Dự án xử lý rác thải tại thôn Khuổi Mật, xã Huyền Tụng...; thực hiện kịp thời công tác giải phóng mặt bằng, nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình dự án trọng điểm.
Về chức năng đô thị, thị xã Bắc Kạn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội của tỉnh Bắc Kạn. Trên địa bàn tập trung các cơ quan Đảng, Nhà nước, các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, các đơn vị lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp địa phương; có trung tâm văn hoá thông tin tỉnh, Nhà thi đấu đa năng hiện đại đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi tập luyện của nhân dân; là đầu mối giao thông quan trọng có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đô thị hoá; có nhiều thuận lợi về kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch; có vị trí rất thuận lợi nằm trên tuyến Quốc lộ 3 thông thương với các tỉnh trong vùng Đông Bắc - Bắc bộ như Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nội...
Trên cơ sở những nỗ lực ấy, ngày 11/3/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các Tờ trình của Chính phủ đối với Đề án thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính dưới cấp tỉnh. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc thành lập thành phố Bắc Kạn trực thuộc tỉnh Bắc Kạn.
Tạo đà hướng tới tương lai
Thành phố Bắc Kạn hiện đang trên đà phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt từ 19 - 20%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 22 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ. Nếu như năm 1994, tỷ trọng thương mại - dịch vụ là 46%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 40%, nông - lâm nghiệp 14% thì đến hết năm 2014, tỷ trọng thương mại - dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế đã tăng lên 54,2%, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 38%, sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 7,8%.
Công tác thu chi ngân sách đã được cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo, nhìn chung thu ngân sách trên địa bàn hàng năm đều đạt và vượt dự toán giao, năm sau cao hơn năm trước, góp phần củng cố và cải thiện tình hình tài chính, ổn định kinh tế, làm tiền đề khai thác các nguồn lực khác.
Cùng với đó, các hoạt động tài chính, ngân hàng ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của thành phố. Hiện tại, trên địa bàn thành phố đã có sự góp mặt của nhiều ngân hàng uy tín như: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Bắc Kạn, chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, chi nhánh Ngân hàng Công thương Bắc Kạn, chi nhánh Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, một số tổ chức tín dụng... đã thực sự là nơi luân chuyển nguồn vốn cho các doanh nghiệp và nhân dân góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của địa phương.
Theo bà Hà Thị Hương, Bí thư Thành ủy: Thành phố Bắc Kạn hiện đang tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, góp phần đưa nền kinh tế của thành phố phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng của tỉnh Bắc Kạn.
“Đô thị hóa nhanh, nhưng thành phố Bắc Kạn vẫn giữ bản sắc văn hóa riêng. Thành phố xác định ba trụ cột để xây dựng địa phương phát triển vừa mang bản sắc riêng, trẻ trung, hiện đại, phát triển đi lên cùng đất nước là truyền thống văn hóa được bảo tồn, phát huy, cùng với kinh tế phát triển, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh”- bà Hà Thị Hương phát biểu.
Nguyễn Thành Vân
Theo