(Xây dựng) - Dự án Khu dịch vụ thương mại, văn phòng và khu dân cư Đông Hương được cho là dự án “tai tiếng và nổi tiếng” nhất tỉnh Thanh Hóa vì những phiên đấu giá không thành hoặc phải hủy kết quả trước đó. Với số tiền trúng đấu giá được cho là “khủng” nhất từ trước đến nay (trên 1.200 tỷ đồng), cùng với “số phận” gian nan hiện vẫn chưa có hồi kết, dự án này đang thu hút sự chú ý cao độ của dư luận trong tỉnh.
Hạ tầng của dự án đang được đầu tư dang dở, hệ thống cây xanh còi cọc do thiếu chăm sóc. |
Cuộc đấu giá “vô tiền khoáng hậu”
Ngày 26/9/2019, tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa diễn ra cuộc đấu giá quyền sử dụng đất đợt 1 của Dự án Khu dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư, thuộc khu đô thị Đông Hương, thành phố Thanh Hóa (mặt bằng quy hoạch số 3241/QĐ-UBND ngày 7/6/2013 của UBND thành phố Thanh Hóa – gọi tắt là MB 3241).
Cuộc đấu giá diễn ra cực “nóng” và căng thẳng, trải qua 30 vòng đấu, kéo dài từ 8 giờ đến 15 giờ cùng ngày, cuối cùng vượt qua 12 đối thủ, Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng ADI – Công ty Cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa (Liên danh ADI – Đông Sơn) đã trở thành chủ nhân của khu “đất vàng” có diện tích 58.000m2, gồm 375 lô đất liền kề và biệt thự. Với giá trúng thầu lên tới 1.215.030.000.000 đồng, so với giá khởi điểm ban đầu 664,4 tỷ đồng, cuộc đấu giá đã tăng thu cho ngân sách Nhà nước số tiền lên tới 548,6 tỷ đồng.
Với số tiền lên tới trên nghìn tỷ, vượt gần gấp đôi so với giá khởi điểm, lại trải qua hàng loạt trục trặc, tai tiếng trước phiên đấu giá ngày 26/9, cuộc đấu giá MB 3241 được xem là nhiều kịch tính, căng thẳng chưa từng có tại thị trường bất động sản Thanh Hóa. Thêm nữa, với giá trị bình quân lên tới 21 triệu đồng/m2, dự án này đã xác lập mặt bằng giá mới cho các dự án bất động sản khu vực lân cận thành phố Thanh Hóa, mở ra tiền lệ cho việc xác định giá khởi điểm mỗi m2 đất sát hơn với giá thực của thị trường, đồng nghĩa với việc chống thất thoát, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Những khó khăn chồng chất “từ trên trời” giáng xuống
Sau khi trúng thầu, bất chấp mặt bằng còn nhiều bất cập, hạ tầng chưa hoàn thiện, nhưng với quyết tâm thực hiện dự án, Liên danh AID – Đông Sơn đã lên phương án kinh doanh với lộ trình, kế hoạch cụ thể để bắt tay vào triển khai dự án.
Ngày 20/12/2019, cùng với số tiền đặt cọc trước đó, liên danh đã nộp vào ngân sách tổng cộng 144 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Mặt khác, liên danh cũng đã ký về nguyên tắc với các ngân hàng có uy tín nhằm đảm bảo nguồn tài chính trong quá trình thực hiện dự án.
Tuy nhiên “người tính không bằng trời tính”, đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ra hàng loạt khó khăn chồng chất đối với các doanh nghiệp, khiến cho liên danh lâm cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Lệnh cách ly xã hội làm cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh tê liệt, hoạt động của các ngân hàng cũng tạm thời “đóng băng”, thị trường bất động sản lâm vào cảnh chợ chiều. Gặp khi đại dịch tạm lui, liên danh vừa mới bắt tay tái khởi động phương án hoạt động thì dịch Covid quái ác đã quay trở lại, kéo theo muôn vàn hệ lụy với những tác động dây truyền đã “đánh gục” hàng loạt doanh nghiệp, kể cả các “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản. Trong đó, Liên danh ADI – Đông Sơn cũng không ngoại lệ.
Trong thế “cưỡi trên lưng hổ”, với quyết tâm hết mức và nhận thức rõ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, liên danh đã huy động tối đa nguồn nội lực để nộp tiếp vào ngân sách tổng số tiền 243 tỷ đồng (hiện đã nộp gần đủ số tiền này), tương ứng với 20% tổng dự án.
Mặt bằng quy hoạch số 3241/QĐ-UBND ngày 7/6/2013 của UBND thành phố Thanh Hóa. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Hoàng Anh Tuấn - đại diện liên danh cho biết: “Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc xoay xở để nộp được số tiền trên có thể nói là cố gắng rất lớn của chúng tôi. Đến giờ phút này, thay mặt liên danh, tôi xin khẳng định, bằng bất cứ giá nào, vì uy tín của doanh nghiệp, vì trách nhiệm đối với chính quyền và nhân dân trong tỉnh, liên danh sẽ kiên quyết theo đuổi dự án này đến cùng”.
Cùng với khẳng định trên, ông Tuấn cũng cho biết thêm, để hoàn thành dự án, liên danh rất cần sự quan tâm, tháo gỡ của tỉnh, của UBND thành phố và các cấp, ngành hữu quan. Trong đó, có cả những khó khăn khách quan như: Dự án được đem ra đấu giá nhưng hạ tầng chưa hoàn thiện hoặc dang dở, xuống cấp như các đường chính đấu nối với mặt bằng dự án chưa xong, trong đó đường trục chính vẫn còn một đoạn phải dừng lại do chưa được giải phóng mặt bằng, còn nhà ở của một số hộ dân. Nhiều tuyến đường nội bộ trong dự án bị hư hỏng, xuống cấp do lâu ngày không được bảo quản, do ảnh hưởng của việc thi công dự án khác, hệ thống cây xanh còn thiếu và không được chăm sóc... Theo ông Tuấn, tình trạng này đã khiến cho giá trị thương mại của MB 3241 bị xuống thấp, mất tính cạnh tranh dù ở vị trí “đắc địa”.
Cần có sự đồng cảm lắng nghe và thấu hiểu của các cấp, ngành hữu quan
Qua các cuộc làm việc giữa liên danh và UBND thành phố cùng các đơn vị liên quan, những khó khăn khách quan do hạ tầng mặt bằng chưa hoàn thiện, đường chính dang dở chưa được đấu nối với dự án, làm giảm giá trị thương mại của khu đất đã được UBND thành phố, các ban, ngành của thành phố ghi nhận và đang tích cực tháo gỡ.
Thêm vào đó, vì là một dự án thuộc loại “đình đám”, thu hút sự quan tâm của dư luận và các cơ quan truyền thông, nên việc nộp tiền sử dụng đất không đúng tiến độ của liên danh thường được báo chí “săm soi” khá kỹ. Theo ông Tuấn, điều này ít nhiều có thể khiến dư luận có sự nhìn nhận không khách quan, thậm chí bi quan về quyết tâm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù trong điều kiện vô vàn khó khăn, liên danh đã hết sức cố gắng, việc huy động nộp được 20% tổng số tiền trúng đấu giá đã cho thấy quyết tâm liên danh không chỉ thể hiện bằng lời nói.
Thế nhưng, trong điều kiện hiện nay, khi mà đại dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu. Kinh tế trong nước cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực bất động sản, hàng loạt doanh nghiệp lâm cảnh thua lỗ, nợ nần, không ít đứng trước bờ vực phá sản. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo các ban, bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thông qua các giải pháp như gia hạn nộp thuế, miễn, giảm tiền chậm nộp, cho vay vốn trả lương người lao động…
Trong bối cảnh như đã nêu, đối với Liên danh ADI – Đông Sơn, mặc dù với quyết tâm và nỗ lực có thừa, nhưng việc xoay đủ thêm gần một nghìn tỷ để nộp vào ngân sách gần như là không thể. Do đó, hơn lúc nào hết, liên danh rất cần sự hỗ trợ tích cực hơn nữa của các cấp, ngành trong tỉnh, nhất là của UBND tỉnh Thanh Hóa để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.
Trước đó, sau khi nộp cơ bản số tiền 243 tỷ vào ngân sách, liên danh đã có công văn gửi UBND tỉnh và thành phố, đề nghị xem xét cho được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất. Gần đây, tiếp tục có công văn gửi UBND tỉnh, đề xuất được hỗ trợ bằng giải pháp chấp thuận đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đợt một cho một phần của dự án, có giá trị tương ứng với số tiền 243 tỷ đồng. Nếu được chấp thuận, giải pháp trên sẽ tạo nguồn lực cho liên danh từng bước vượt qua khó khăn, tạo cú hích để vượt lên, thực hiện có hiệu quả dự án. Đồng nghĩa với việc đem lại lợi ích về kinh tế cho tỉnh, tránh thất thu ngân sách Nhà nước và trong chừng mực nào đó, có thể giúp nhà đầu tư thoát cảnh thua lỗ, nợ nần.
Nói về đề xuất trên, ông Hoàng Anh Tuấn bày tỏ hy vọng sẽ nhận được sự đồng cảm, hỗ trợ kịp thời của UBND tỉnh và các cấp, ngành có thẩm quyền. Cùng với đó, ông cũng cho rằng các cơ quan quản lý dù thật sự muốn hỗ trợ, giải quyết đề xuất của doanh nghiệp, nhưng vẫn phải tuân theo quy định của pháp luật và các quy định chuyên ngành. Do đó, việc giải quyết phải có lộ trình và theo đúng trình tự, thời gian.
Nhiều nguyên nhân khiến cho giá trị thương mại của MB 3241 bị xuống thấp, mất tính cạnh tranh dù ở vị trí “đắc địa”. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Trịnh Huy Triều - Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa cho biết, ông cũng như tập thể lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố rất hiểu và thông cảm với những khó khăn của liên danh trong việc chậm nộp đủ tiền sử dụng đất vào thời điểm khó khăn này. Những bất cập về hạ tầng như đã nêu đã và đang được thành phố chỉ đạo xử lý. Trên tinh thần vì sự phát triển của thành phố, vì sự nghiệp chung, đối với những đề xuất hợp lý của liên danh, thành phố sẽ hết sức ủng hộ, những vấn đề thuộc thẩm quyền sẽ được thành phố giải quyết. Những gì quá thẩm quyền sẽ được báo cáo, đề xuất tỉnh xem xét, tháo gỡ.
Được biết, cùng với thành phố, UBND tỉnh cũng đang nghiên cứu, xem xét và tìm cách vận dụng, tháo gỡ khó khăn đối với liên danh, trên cơ sở các quy định hiện hành của pháp luật. Hy vọng, với sự đồng cảm, lắng nghe và thấu hiểu của các cấp, ngành có thẩm quyền và cả của dư luận, Dự án Khu dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư Đông Hương, được coi là “khủng” nhất xứ Thanh sẽ được thực hiện suôn sẻ, thắng lợi, góp phần đưa thành phố Thanh Hóa trở thành đô thị văn minh, hiện đại và đáng sống.
Đào Nguyên
Theo