Thứ năm 26/12/2024 08:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Du lịch /

Thanh Hóa: Thành phố Sầm Sơn hướng đến đô thị du lịch biển văn minh, hiện đại

14:41 | 12/12/2022

(Xây dựng) - Sầm Sơn là đô thị du lịch trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa với bãi biển trải dài, nước trong xanh… có vị trí giao thương với các vùng miền trên cả nước, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới, bộ mặt đô thị tại Sầm Sơn được xây dựng ngày càng văn minh, hiện đại.

Thanh Hóa: Thành phố Sầm Sơn hướng đến đô thị du lịch biển văn minh, hiện đại
Đường Hồ Xuân Hương thành phố biển Sầm Sơn về đêm.

Tháng 4/2017, Sầm Sơn được công nhận là thành phố, 4 xã lên phường và 3 xã tiếp tục xây dựng Nông thôn mới gồm: Quảng Hùng, Quảng Đại và Quảng Minh. Tính đến năm 2021, thành phố Sầm Sơn đã huy động được gần 1000 tỷ đồng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn đạt chuẩn theo các tiêu chí Nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, thành phố đã phát huy được những tiềm năng lợi thế để phát triển ngành nghề kinh tế biển, du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 53,3 triệu đồng, trong đó 3 xã Nông thôn mới đạt gần 51 triệu đồng/ người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,2%, 3 xã Nông thôn mới là 2%. Đến nay, cả 3 xã đã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới; thành phố không có nợ đọng trong xây dựng Nông thôn mới.

Định hướng xây dựng Nông thôn mới gắn với phát triển đô thị hiện đại trong tương lai nên Sầm Sơn đã chú trọng thực hiện tiêu chí quy hoạch. Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã thuê các đơn vị tư vấn lập 2 quy hoạch quan trọng là “Quy hoạch chung thành phố Sầm Sơn đến năm 2040”, “Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 – khu dân cư đô thị hóa và các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật thị xã Sầm Sơn” và nhiều quy hoạch quản lý xây dựng chi tiết khác.

Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2010–2020 của thành phố đạt 14,8%. Tổng giá trị sản xuất ngành dịch vụ, thương mại giai đoạn 2010–2020 đạt 43.283 tỷ đồng; năm 2021 tuy gặp khó khăn trước đại dịch Covid-19 nhưng giá trị sản xuất của hoạt động thương mại, dịch vụ đã đạt 5.376 tỷ đồng.

Hoạt động du lịch của thành phố có nhiều đổi mới, cơ bản khắc phục được những hạn chế, yếu kém làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Thanh Hóa những giai đoạn trước. Hạ tầng du lịch phát triển mạnh với nhiều điểm nhấn, như: Quần thể khu nghỉ dưỡng cao cấp FLC; không gian bãi biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương; Dự án Quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội thành phố đang được đầu tư xây dựng... Du lịch Sầm Sơn đã và đang được nâng tầm, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Từ sự phát triển kinh tế, tiêu chí thu nhập cũng như đời sống vật chất của người dân được cải thiện đáng kể. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người toàn thành phố đạt 53,36 triệu đồng, riêng 3 xã xây dựng Nông thôn mới đạt 50,9 triệu đồng, khoảng cách thu nhập giữa khu vực nông thôn và đô thị ngày càng thu hẹp. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của 3 xã Quảng Hùng, Quảng Minh và Quảng Đại chỉ còn hơn 1% và tiếp tục giảm.

Thanh Hóa: Thành phố Sầm Sơn hướng đến đô thị du lịch biển văn minh, hiện đại
Thanh Hóa: Thành phố Sầm Sơn hướng đến đô thị du lịch biển văn minh, hiện đại
Trục cảnh quan thành phố đang được đầu tư xây dựng, du lịch biển Sầm Sơn đã và đang được nâng tầm, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Cùng với huy động sức dân, Sầm Sơn đã tranh thủ nhiều nguồn lực, đầu tư phát triển hạ tầng. Hơn 10 năm qua, toàn thành phố đã nâng cấp, xây dựng mới và kiên cố hóa gần 70km kênh mương cho phát triển sản xuất, hiện đại hóa hàng chục tuyến giao thông.

Với hạ tầng và thiết chế văn hóa, thành phố đã dành hơn 30 tỷ đồng hỗ trợ để trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích. 27 công trình trường học với 156 phòng học và 6 nhà hiệu bộ được đầu tư xây dựng mới, nhiều trường khác được đầu tư chỉnh trang khuôn viên, đáp ứng nhu cầu dạy và học tại các địa phương.

Tại Sầm Sơn, nhiệm vụ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được cấp ủy, chính quyền thành phố đến các xã xác định là nhiệm vụ quan trọng. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố đã tập trung khai thác mọi tiềm năng, lợi thế so sánh để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.

Hoạt động du lịch cũng có nhiều đổi mới, khai thác ngày càng có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã đầu tư về Sầm Sơn, góp phần phát triển hệ thống hạ tầng du lịch, hạ tầng xã hội khang trang, hiện đại.

Ông Lê Viết Huy (45 tuổi) một ngư dân phường Quảng Vinh phấn khởi cho biết: “Nhờ có sự hỗ trợ của thành phố và chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho vay vốn, gia đình tôi đã chuyển đổi nghề từ đi biển sang kinh doanh. Hiện nay, cuộc sống và thu nhập của gia đình đã khấm khá hơn so với trước. Tôi có được cơ ngơi như ngày hôm nay là nhờ chương trình xây dựng Nông thôn mới. Nếu không có đường, điện, nước sạch thì muốn phát triển kinh tế cũng khó khăn lắm”.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Lê Văn Tú - Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn chia sẻ: “Thành phố Sầm Sơn đã và đang triển khai thực hiện công tác xây dựng thương hiệu cho du lịch Sầm Sơn thân thiện, mến khách, có một đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp từ người bán hàng cho đến các chủ nhà hàng, cơ sở kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, thường xuyên tuyên truyền vận động người dân tham gia vệ sinh bãi biển, bảo vệ và chăm sóc cây xanh, đảm bảo an ninh trật tự và chỉ đạo các khu vui chơi tổ chức tốt các hoạt động vui chơi, không nâng giá, ép giá trong mùa cao điểm”.

“Với những chủ trương đúng đắn của tỉnh Thanh Hóa, sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm của chính quyền và nhân dân Sầm Sơn sau khi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cùng những thay đổi to lớn về chất lượng dịch vụ du lịch, diện mạo đô thị Sầm Sơn đang phát triển đúng hướng và nhanh chóng đạt tới mục tiêu lớn nhất là xây dựng Sầm Sơn trở thành một đô thị du lịch biển văn minh, hiện đại”, vị Chủ tịch chia sẻ thêm.

Tiến Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load