Thứ ba 05/11/2024 09:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Tháng Sáu Hà Nội, em và những cơn mưa

14:34 | 03/06/2021

(Xây dựng) - Tháng Sáu, niềm cô đơn ùa về phố, từng đàn chim bay đi thiên di trong một giấc ngủ dài mộng mị.

thang sau ha noi em va nhung con mua

Tháng Sáu giọt guitar ngân nga rơi từ căn gác cổ nhà ai buồn bã xo vai lăn dài xuống phố.

Tháng Sáu long lanh mắt màu lá me xanh, tháng Sáu, Hà Nội, em và những cơn mưa.

Mỗi khi có dịp trở về Hà Nội tôi lại dông dài với những cơn mưa tháng Sáu, những cơn mưa kỷ niệm, những cơn mưa em còn bày biện nỗi nhớ học trò, trên những con phố nhỏ, quả sấu chín rụng vào đêm đèn khuya bay lên.

Dọc con phố Phan Đình Phùng, thủa xưa tôi thường qua đây, đám học trò vẫn như chưa biết điều gì sắp xảy ra với cuộc chia ly âm thầm sắc đỏ. Vẫn còn đó là phố, vẫn còn đó là những hàng sấu già nua, vẫn còn đó là những cơn mưa, ngóng đợi ngày dài vời vợi.

Mưa về ngang phố, mưa về ngang tay, mưa về ngang cây, mưa còn đợi mây, mưa sầm mưa sập, mưa rối mưa bời, mưa thỏ thẻ lời, phố ơi còn tôi, mưa bỏ quên rồi, phố ơi còn em…

Phố ơi còn em, chiều vội lên đèn, phố Phan Đình Phùng, phố Mai Xuân Thưởng, là phố Hàng Cót là phố Hoàng Diệu, là phố Đặng Dung kéo về Hàng Bún. Phố lên màu nhớ, phố bờn bợt mưa, ở đâu phố vừa một tà áo trắng, ở đâu phố vừa giọt mưa câm lặng, ở đâu phố vừa sấu rơi đường khuya?

Sấu rơi đường khuya, mưa rơi đường khuya, nhớ rơi đường khuya, buồn rơi đường khuya, tôi rơi đường khuya, em còn đường khuya?

Em còn đường khuya, mưa vùi tháng Sáu, em còn đường khuya, bầy sẻ nương náu, em còn đường khuya phố già chết lặng, em còn đường khuya tôi chờ ai kia?

Những cơn mưa tháng Sáu như một bản tình ca của em, của ai, của tôi, người của muôn nơi, những góc phố, những tâm tình phố, những bờ vai phố, những nhớ nhung phố, những thở dài phố, Hà Nội trầm ngâm…

Nếu tháng Năm là một tháng ồn ào và náo nhiệt thì tôi lại thấy, lại nghĩ tháng Sáu ở Hà Nội mỏng manh, mươn mướt, thườn thượt hoài niệm.

Có những buổi chiều Khâm Thiên, con phố trổ mình trong mưa, con phố trắng xóa, con phố nênh nổi, con phố chìm bọt, con phố chiều rơi mù khơi. Theo người, theo xe, theo những ngược xuôi mà nghe, mưa đổ về thành phố. Qua Nguyễn Lương Bằng, qua Tôn Đức Thắng, tôi bùi ngùi Ngã Tư Sở, tôi dầm dề Nguyễn Trãi, tôi mưa Thanh Xuân, tôi đăng đàn tháng

Sáu, và tôi chết lặng một hồ sen Phùng Khoang. Phùng Khoang là một làng cổ của Hà Nội, gọi là hồ sen nhưng đó chỉ là một khoảng hồ nhỏ trước mặt của chùa Phùng Khoang nằm kế bên cổng làng. Chùa Phùng Khoang là một trong những công trình kiến trúc có quy mô lớn và theo ý nghĩa của người xưa thì chùa Phùng Khoang có tầm quan trọng ảnh hưởng tới sự tín ngưỡng, tôn giáo tạo nên một không gian văn hóa vô cùng đặc biệt. Bởi chùa Phùng Khoang là hợp thể của các đơn nguyên kiến trúc có thể kể đến như: tam quan gác chuông, toà tam bảo, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu và tăng phòng…

Trong những giấc mưa của thành phố, trong những bụi bặm mà cơn mưa xô xuống vệ đường, những đóa sen nhỏ nhoi ven hồ vẫy mưa mà lên, vẫy mưa mà quên, vẫy mưa mà tình mà tự, vẫy mưa mà thương em nhớ ai.

Nhắc đến sen ở Hà Nội người ta sẽ phải kể ngay đến sen Hồ Tây, hay đầm sen Xuân Đỉnh nằm ở ngõ 408 đường Xuân Đỉnh, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, được xem là một trong những chốn sen lâu đời và có diện tích rộng nhất của thành phố, bởi không có nơi nào trồng được thứ sen đẹp, nhiều cánh, lâu tàn, hương thơm lâu như sen ở chốn này.

Dẫu vậy thì mỗi khi vào mùa, mỗi khi tháng Sáu, mỗi khi Hà Nội trở mình thơm tho, lòng tôi lại vụng về những cơn mưa bên những cánh sen mỏng chen vài bông súng tím ngơ tím ngát ở cái hồ nước chẳng lấy đâu mà thênh thang Phùng Khoang.

Đời người kể cũng lạ, đôi khi chỉ là một ánh mắt, một cái nắm tay, thì cơn mưa dẫu có ngang qua đời bạn một lần thôi cũng đủ để những bong bóng phập phồng một đời, bọt mưa một thời, lòng dạ rối bời. Em về ngang phố chiều nay, tháng Sáu mưa, tháng Sáu say, tháng Sáu chẳng kịp thề nguyền. Hà Nội mưa… bay… bay…

Hà Nội mưa, ừ thì mưa, mưa cho lên chưa một vạt chiều thẫm, mưa cho như xưa một cánh sen hồng, mưa tần ngần dắt phố, vào những câu chuyện của mình. Mưa ơi còn rơi? Cánh chuồn lạc phố, Hà Nội long lanh…như màu áo em xanh…

Những cơn mưa trong tôi không ngừng lên khơi, buông lơi thành phố, chơi vơi thành phố, trầm ngâm thành phố, tháng Sáu về ướt dầm Hà Nội. Ký ức bừng tỉnh trong mưa, song thưa, sen hồng một đóa, mắt mưa một thủa, như một con phố dài tự kỷ, tôi đón những ngày mưa về chưa?

Hà Nội cứ thế tôi, Hà Nội cứ thế em, Hà Nội cứ thế mưa, Hà Nội cứ thế sen, Hà Nội cứ thế những vòm sấu xanh non tháng Sáu. Tháng Sáu chẳng dành cho những tâm tình vội vã, tháng Sáu chẳng dành cho những nhớ thương hời hợt. Và Hà Nội cũng thế, chẳng dành cho một tháng Sáu riêng em riêng tôi. Tháng Sáu, Hà Nội và những cơn mưa dành cho cả bao người.

Chiều nay, không giống như những buổi chiều xưa, cơn mưa về ngang thành phố biển, tôi nhớ đến tháng Sáu Hà Thành. Ở một nơi nào, những đóa sen còn hồng lên màu nhớ, ở một nơi nào đường phố rơi những quả sấu mà tôi cứ ngỡ, thanh xuân. Rồi tự ru lòng bằng một Khúc mưa của Đỗ Trung Quân:

"Giá trời đừng mưa/ anh chẳng cần xuống phố/ Hoa cúc vàng nhà ai/ thả từng chùm/ Hoài nhớ/ áo em vàng.../ Tháng sáu.../ Trời buồn.../ Lũ chim sẻ hiên nhà đi mất/ Như em.../ Như em...".

Hồ Huy

Theo

Cùng chuyên mục
  • Khám phá 8 di sản thế giới trên vùng đất Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Cố đô Huế với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, là tỉnh duy nhất của Việt Nam sở hữu 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và Di sản khu vực. Trong đó, có 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.

  • Vĩnh Long: Di sản làng nghề trăm tuổi bên dòng Cổ Chiên

    (Xây dựng) - Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Ðề án “Di sản đương đại Mang Thít” với diện tích 3.060ha, thuộc 4 xã: Mỹ Phước, Mỹ An, Nhơn Phú và Hòa Tịnh, với sản phẩm du lịch trọng điểm là “Vương quốc lò gạch”.

  • Thái Nguyên: Khánh thành công trình di tích đền thờ Lý Nam Đế

    (Xây dựng) - UBND thành phố Phổ Yên vừa tổ chức cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục), tại phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

  • Mê Linh (Hà Nội): Lấy ý kiến về dự án Khu công viên thể dục, thể thao rộng hơn 60ha

    (Xây dựng) - Dự án Khu công viên thể dục, thể thao huyện Mê Linh được kỳ vọng sẽ trở thành tổ hợp thể thao hiện đại tầm cỡ khu vực, sẵn sàng trở thành một địa điểm cho thi đấu Olympic trong tương lai.

  • Lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích làng cổ Phước Tích

    Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ vừa có công văn số 4769/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thống nhất lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích Làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền.

  • Hội chợ Ấn Độ 2024 - Lễ hội tôn vinh sự đa dạng của Ấn Độ

    (Xây dựng) – Ngày 2/11, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội đã tổ chức "Hội chợ Ấn Độ - Lễ hội tôn vinh sự đa dạng của Ấn Độ" tại khuôn viên Đại sứ quán. Lễ hội nhằm mục đích tăng cường mối quan hệ văn hóa trong cộng đồng người Ấn Độ, quảng bá về Ấn Độ đến cộng đồng người Việt Nam và tôn vinh tình hữu nghị truyền thống sâu sắc giữa nhân dân hai nước.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load