(Xây dựng) - Lại là tháng Ba đầy hương mùa nhớ. Đã thấy sắc xuân dần vơi, cỏ cây hoa lá xanh tươi vị ngọt dâng đời. Không gian vẫn lạnh - chẳng khác mấy những ngày cuối đông. Cái lạnh mênh mang, lan xa mang bao nỗi niềm nàng Bân xưa cũ. Cái lạnh ấy cùng với những áng mưa phùn cuối xuân cho ta cảm giác khó diễn tả hơn bao giờ hết.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Bình yên, dịu nhẹ, man mác bâng khuâng và xao xuyến như những trang văn Hoài Hương, thơ Khuất Thùy Linh, nhạc Giáng Son. “Em còn nhớ mùi hương tháng ba/Như chiếc lá dệt thơm nhành kỷ niệm /Anh vẫn mang theo một mùa ước hẹn /Nên sắc màu bông gạo như ngọn lửa trong tim” (Nguyễn Hữu Thịnh)
Là thế đấy, tháng Ba ngút trời hoa gạo cháy. Hoa gạo nồng nàn nhuộm đỏ khoảng trời xuân cuối, nhuộm đỏ những giấc mơ quá vãng về một thời đầu trần chân đất ngang dọc triền đê, ngang dọc chiều quê. Nhớ màu gạo đỏ, nhớ ngày xưa cũ lại bâng khuâng nhớ bím tóc mai, nhớ màu mắt biếc của cô bé nhà bên vẫn thường theo ta những ngày chăn trâu, cắt cỏ thời xa thương mến. “Thuở ấy ta mới lên mười/Em vừa lên bảy theo tôi cả ngày/Quần em dệt kín bông may/Áo tôi đứt cúc mực dây tím bầm” (Phạm Công Trứ). Quà cho bé ngày ấy là những “cúp gạo” nho nhỏ, xinh xinh mà ta cố công dùng “thang lang” đứng dưới gốc cây ném lên cho hoa và cúp gạo rụng xuống. Chẳng biết cúp gạo có ngon không nhưng thấy bé vừa ăn vừa cười, mắt sáng lên nỗi vui sướng thì lòng ta đã hạnh phúc lắm rồi…Ôi! tháng ba hoa gạo cháy đỏ niềm nhớ.
Vẫn mênh mang tháng Ba màu hoa trắng. Hương bưởi tinh khôi lắng nhẹ vườn chiều, lắng nhẹ ngõ quê. Chẳng còn là cô bé vô tư hay rỗi hờn, cùng tôi lấm lem những trò chơi đánh khăng, ô ăn quan hay hú tìm tinh nghịch. Giờ em đã là thiếu nữ trong trắng tinh khôi, tóc buông dài phủ kín màu nắng tháng Ba, phủ kín nỗi lòng trai trẻ đời tôi. Ngày chia phôi tôi lên đường ra thành phố, hoa bưởi nhà em thơm lựng thơm làng, thơm mênh, thơm mang, thơm đầy lối nhỏ, thơm đầy tháng ba. Chẳng buông lời hẹn nhưng mắt em trong veo như níu lòng tôi, hẹn ngày về lại. “Hoa bưởi ngạt ngào mỗi tối/Nhớ em cái thuở ban đầu/Vụng về thêu khăn thêu gối/Mơ ngày được làm cô dâu” (Ngọc Hường). Tôi mãi xa quê, tháng ba vẫn về mùa xuân đã chín. Tháng ba năm ấy em đã cất bước theo đò sang bến, em đã ấm êm lời ru ngọt lòng. Ngày em sang ngang bỏ lại sau lưng từng cơn gió thốc, từng chuỗi sóng lòng ào ạt xô đêm.
Giờ chỉ tháng Ba rượi màu hoa cải. Màu cải xa xăm sắc vàng hoang hoải nở đầy bên những dòng kênh đưa tôi trở về tìm lại ngày xưa.“Hoa cải vàng đã nở trên bến sông/Tia nắng quái một chiều đông cả gió/Anh có về sau bao ngày trăn trở/Mùa úa nhàu quên ký ức tình yêu” (Hoa Cỏ May). Em trả tôi về tháng Ba tay không, tháng Ba lỡ làng, màu cải tan hoang. Mừng cho em, mừng cho duyên phận bởi em đã chẳng phải chung đường với một hàn sĩ, một kẻ suốt đời mang tâm hồn tha hương, trái tim diệu vợi, lãng tử không bờ, không bến.
Tháng Ba vẫn trôi, mùa vẫn nối mùa, tình vẫn xa đưa. Những tháng Ba dẫu là xưa cũ, dẫu là ngày mai thì sắc hoa gạo cháy, hương bưởi nồng say hay cải vàng nhung nhớ vẫn mãi là khúc tình ca đưa ta về bến sông kỷ niệm, đưa ta về ngày đó xa xôi. Mỗi khi thấy đường đời gập ghềnh, sóng lòng chênh vênh, ta lại đưa tâm hồn mình trở về tháng Ba, trở về với nỗi niềm xưa cũ mà giận, mà thương, mà yêu, mà nhớ.
Ai giờ ngồi đếm tháng Ba
Đếm màu nỗi nhớ ngày xa một thời
Hay là chỉ có mình tôi
Ngồi đây nhung nhớ cả trời tháng Ba.
Lê Gia Hoài
Theo