(Xây dựng) - Bộ Xây dựng nhận được ý kiến chất vấn của Đại biểu Quốc hội Lê Công Đỉnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, do Văn phòng Quốc hội chuyển đến với nội dung chất vấn như sau: “Theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng về Điều 21 của Nghị định quy định về thẩm quyền chấp thuận đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới: Đối với hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ yêu cầu phải có quyết định phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư hoặc quyết định chỉ định chủ đầu tư và quy hoạch chi tiết của dự án đầu tư. Quy định như vậy được hiểu, UBND cấp tỉnh quyết định chủ đầu tư trước khi lấy ý kiến Bộ Xây dựng. Vậy trong trường hợp Bộ Xây dựng có ý kiến không đồng ý thì kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc quyết định chỉ định chủ đầu tư của UBND tỉnh và quy hoạch mà nhà đầu tư đã thực hiện được giải quyết như thế nào? Hiện nay việc thực hiện quy định này gây mất nhiều thời gian, ảnh hưởng môi trường đầu tư. Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và hướng giải quyết vấn đề trên trong thời gian tới”.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội
Phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam thời gian qua đã mang lại nhiều lợi ích góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và của cả nước nói chung. Tại các đô thị lớn, nhiều khu đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tạo nên một không gian sống hiện đại và nhân văn, góp phần tích cực thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao điều kiện sống và làm việc của người dân. Tuy nhiên, việc phát triển các dự án đầu tư phát triển đô thị một cách tràn lan, thiếu kiểm soát, thiếu quy hoạch, không có kế hoạch, không phù hợp với nhu cầu của thị trường trong thời gian qua đã tác động tiêu cực không chỉ đối với thị trường BĐS mà cả nền kinh tế nói chung, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.
Để khắc phục tình trạng bất cập trên đây, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 về Quản lý đầu tư phát triển đô thị (gọi tắt là Nghị định 11/2013/NĐ-CP) nhằm kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch.
Tại Điều 21 của Nghị định 11/2013/NĐ-CP đã quy định cụ thể về thẩm quyền chấp thuận đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới; trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc thẩm định, cho ý kiến thống nhất về đề xuất chấp thuận đầu tư dự án. Theo đó, đối với các dự án khu đô thị mới có quy mô từ 20ha đến dưới 100ha, UBND cấp tỉnh gửi xin ý kiến của Bộ Xây dựng trước khi quyết định chấp thuận đầu tư dự án theo thẩm quyền. Thành phần hồ sơ gửi lấy ý kiến Bộ Xây dựng được quy định tại khoản 2 Điều 24 của Thông tư 20/TTLT-BXD-BNV ngày 21/11/2013 hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 11/2013/NĐ-CP, bao gồm: (a) Văn bản đề nghị Bộ Xây dựng cho ý kiến của UBND cấp tỉnh; (b) Hồ sơ dự án quy định tại Điều 32 của Nghị định 11/2013/NĐ-CP (không bao gồm: hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án, hồ sơ dự án thành phần phục vụ tái định cư giải phóng mặt bằng, thiết kế đô thị và mô hình thu nhỏ khu vực thực hiện dự án); (c) Các văn bản pháp lý kèm theo (là bản chụp có đóng dấu xác nhận của chủ đầu tư): quyết định phê duyệt khu vực phát triển đô thị và kế hoạch triển khai; hồ sơ quy hoạch chi tiết của dự án có kèm theo quyết định phê duyệt; hồ sơ chứng minh năng lực của chủ đầu tư về tài chính, kinh nghiệm về đầu tư và quản lý phù hợp để thực hiện dự án. Hồ sơ gửi Bộ Xây dựng không yêu cầu phải có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc quyết định chỉ định chủ đầu tư.
Tuân thủ các quy định của pháp luật
Về ảnh hưởng của việc cho ý kiến của Bộ Xây dựng đến quyết định lựa chọn chủ đầu tư của UBND cấp tỉnh, hoặc quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết của dự án, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
Việc xem xét quyết định lựa chọn chủ đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, xây dựng, đô thị và pháp luật có liên quan khác. Sau khi được UBND cấp tỉnh lựa chọn là chủ đầu tư của dự án, chủ đầu tư phải tiến hành lập dự án và trình cấp có thẩm quyền xem xét chấp thuận đầu tư theo quy định tại Điều 21 của Nghị định 11/2013/NĐ-CP. Việc chấp thuận đầu tư chỉ được thực hiện sau khi đã lựa chọn được chủ đầu tư, dự án có quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt và chủ đầu tư đã lập dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
Đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới có quy mô từ 20ha đến dưới 100ha, việc cho ý kiến của Bộ Xây dựng theo nội dung quy định tại Điều 28 Nghị định 11/2013/NĐ-CP là nhằm kiểm soát các dự án được đầu tư theo đúng quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị và đảm bảo tính khả thi cũng như hiệu quả của dự án. Trường hợp dự án chưa đảm bảo các yếu tố này, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo chủ đầu tư và các cơ quan chức năng nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung, hoàn chỉnh trước khi chính thức quyết định đầu tư. Như vậy, việc cho ý kiến của Bộ Xây dựng trước khi UBND cấp tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư dự án không can thiệp và không làm ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn chủ đầu tư và quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án.
Nghị định 11/2013/NĐ-CP là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên điều chỉnh một cách toàn diện công tác đầu tư phát triển đô thị từ việc đầu tư xây dựng mới đến cải tạo chỉnh trang tái thiết đô thị, trong đó quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương nhằm kiểm soát chặt chẽ việc phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch. Quá trình triển khai thực hiện Nghị định 11/2013/NĐ-CP không tránh khỏi những vấn đề vướng mắc, phát sinh. Hiện nay, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 544/BXD-PTĐT ngày 27/03/2014 đề nghị các địa phương tổng hợp, báo cáo về tình hình thực hiện Nghị định 11/2013/NĐ-CP sau một năm có hiệu lực, từ đó sẽ nghiên cứu giải quyết các vấn đề, vướng mắc phát sinh (nếu có).
Thư Kỳ (ghi)
Theo