(Xây dựng) - Sự kiện là dấu mốc quan trọng khẳng định cam kết của Viettel trong việc thúc đẩy áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thực thi công vụ tại tỉnh nhà.
Nghi lễ khai trương mạng 5G Viettel. |
Ngày 30/12/2021, tại Hội nghị Sơ kết 1 năm chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên, Viettel công bố chính thức khai trương mạng di động thế hệ thứ 5 (5G), đưa Thái Nguyên trở thành 1 trong 16 tỉnh/thành phố được phủ sóng 5G sớm nhất cả nước.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng đại diện Ban lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), đã thực hiện nghi thức bấm nút khai trương mạng 5G Viettel.
Phạm vi phủ sóng 5G Viettel là tại khu vực trung tâm Thành phố Thái Nguyên và khu công nghiệp Yên Bình, Phổ Yên. Người dân ở khu vực này có thể trải nghiệm tốc độ vượt trội của mạng di động thế hệ thứ 5 hoàn toàn miễn phí và không giới hạn dung lượng.
Nghị quyết về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết 1 năm chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ, sau 1 năm thực hiện chuyển đổi số, Thái Nguyên đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong nhiều lĩnh vực. Theo báo cáo kết quả đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thái Nguyên xếp hạng 12/63 tỉnh, thành phố, trong đó trụ cột Chính quyền số cao thứ 3/63 tỉnh. Mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin mạng của tỉnh Thái Nguyên thuộc nhóm 07 địa phương xếp loại A (quan tâm triển khai an toàn thông tin ở mức tốt), nhóm dẫn đầu cả nước.
Bên cạnh những thành tựu và bài học rút ra sau 1 năm chuyển đổi số, Ban Lãnh đạo Thái Nguyên cũng nhận thấy các mặt hạn chế như: Tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng chưa cao; Việc triển khai các cơ sở dữ liệu dùng chung, khai thác và chia sẻ dữ liệu trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước còn có những hạn chế nhất định; Giá trị một số chỉ số thành phần trong chỉ số xếp hạng xã hội số, kinh tế số của tỉnh còn thấp, cụ thể xã hội số xếp thứ 37/63, kinh tế số xếp thứ 19/63.
Khách hàng trải nghiệm mạng 5G Viettel. |
Đồng hành với công cuộc chuyển đổi số của tỉnh nhà, tháng 11/2020, Viettel và tỉnh Thái Nguyên đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh tại Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, lấy các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật số; dữ liệu và nền tảng số; chính quyền số làm động lực và dẫn dắt phát triển kinh tế số và xã hội số. Đây là bước đi cần thiết, quan trọng trên hành trình chuyển đổi số tại Thái Nguyên.
Trong Biên bản ghi nhớ hợp tác, việc triển khai 5G trên diện rộng và đưa vào khai thác hạ tầng kết nối vạn vật (IoTs) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Chính vì thế, việc Viettel chính thức khai trương mạng 5G tại Thái Nguyên là dấu mốc quan trọng khẳng định cam kết của Viettel trong việc thúc đẩy áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thực thi công vụ tại tỉnh nhà.
Với sứ mệnh chủ lực tiên phong kiến tạo xã hội số, Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông Quân đội Viettel đã xây dựng một hạ tầng mạng viễn thông di động băng rộng 4G chất lượng tốt phủ tới 97% dân số Việt Nam, đồng thời tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ 5G sớm nhất, song hành cùng các nước tiên tiến trên thế giới.
Tính đến hiện tại, sóng 5G Viettel đã có mặt ở 16 tỉnh/thành trên cả nước với gần 150 trạm phát sóng 5G. Viettel nhận định, công nghệ 5G với khả năng hỗ trợ tốc độ cao vượt trội, độ trễ cực thấp (chỉ vài ms) và mật độ kết nối khổng lồ (hàng triệu kết nối/km2) sẽ thay đổi cơ bản cách thức vận hành của xã hội số trong tương lai, đặc biệt những ngành như Công nghiệp cao, Y tế, Giao thông, Giáo dục…
Trước đó, tại phòng Lab mở về công nghệ 4.0 - Viettel Innovation Lab, các kỹ sư của Viettel Networks đã thử nghiệm và thiết lập thành công tốc độ 5G đạt hơn 4,7 Gbps. Tốc độ này cao gấp 40 lần tốc độ 4G, giúp nhà mạng trở thành một trong những mạng viễn thông có tốc độ 5G nhanh nhất châu Á.
Song song với việc phát triển hạ tầng số, Viettel đẩy mạnh phối hợp với các hãng công nghệ lớn trên thế giới và doanh nghiệp tại Việt Nam phát triển hệ sinh thái ứng dụng 4.0. Mới đây nhất, Viettel, Qualcomm và Phenikaa đã ký kết hợp tác chiến lược xây dựng tiểu đô thị thông minh sáng tạo nhất Đông Nam Á. Tại trường Đại học Phenikaa, Viettel Networks sẽ triển khai hạ tầng kết nối 5G và tính toán tại biên (MEC- Mobile Edge Computing) để phát triển các sản phẩm như bản đồ số, xe tự hành, robot thông minh, camera, thiết bị bay (drones), thiết bị thực tế ảo (XR/VR), thiết bị sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI)…
Khánh Diệp
Theo