Thứ ba 05/11/2024 09:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Thái Nguyên: Rõ hơn về công trình nhà thiếu nhi bị chê bởi kiến trúc không bằng cũ

09:09 | 26/05/2020

(Xây dựng) - Dù vẫn đang trong giai đoạn thi công nhưng công trình cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất nhà thiếu nhi Thái Nguyên đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là về mặt kiến trúc thẩm mỹ.

thai nguyen ro hon ve cong trinh nha thieu nhi bi che boi kien truc khong bang cu
Nhà thiếu nhi Thái Nguyên đang được cải tạo theo Quyết định 8126/QĐ-UBND.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch Hội kiến trúc sư Thái Nguyên, thông tin về việc nhiều kiến trúc sư, người dân lên tiếng trước thực tế đang thi công và phối cảnh mặt tiền của công trình cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất nhà thiếu nhi Thái Nguyên là chính xác.

Cụ thể, sau khi phá dỡ tòa nhà điều hành cũ nằm phía ngoài, từ đường Hùng Vương, thành phố Thái Nguyên, quan khách có thể dễ dàng nhận diện công trình cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất nhà thiếu nhi Thái Nguyên với mặt tiền rạp Măng Non cũ đang được nhà thầu cải tạo theo phương án đã được duyệt.

Trên bình diện đó, cảm nhận của nhiều người là thất vọng khi so sánh với kiến trúc thân quen của mặt tiền nhà thiếu nhi Thái Nguyên cũ tồn tại hơn 30 năm qua.

Chia sẻ trên Facebook, bạn đọc “Thuy Quynh Nguyen” nhận xét: “Ôi trời, kín bưng như cái nhà kho, không có hình tượng gì gắn với thiếu nhi mà cũng gọi là nhà thiếu nhi ư?”

Trong khi đó, bạn đọc “Hoàng Ngọc Tưởng” thẳng thắn: “Quá lởm chú ạ, chẳng có tí gì về ý tưởng cũng như hình khối, những công trình dạng này phải thi tuyển thiết kế mới đúng”.

Nhẹ nhàng hơn, bạn đọc “Kts Nguyễn Trọng Hà” góp ý chân thành: “Bây h (giờ - tác giả dịch) điều chỉnh vẫn còn kịp. Hy vọng chính quyền vào cuộc và nhìn nhận lại phương án. Một trục đường quá đẹp, tập trung các công trình văn hoá của tỉnh. Rất cần cả vấn đề thiết kế trục cảnh quan kết hợp công trình kiến trúc tạo thành điểm nhấn của đô thị tptn (thành phố Thái Nguyên - tác giả dịch)! (đây là ý kiến cá nhân của kts), trân trọng!”.

Theo Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Thái Nguyên, thông tin về dự án cập nhật chưa đầy đủ, công trình phối cảnh đưa lên là công trình rạp Măng Non (có sẵn) sau khi phá dỡ công trình phía trước lộ ra cần sơn sửa để sử dụng.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Cường cho biết: Công trình nhà thiếu nhi Thái Nguyên đã bị phá dỡ do kiến trúc sư Tạ Trường Xuân thiết kế xây dựng từ những năm 1990 theo ngôn ngữ kiến trúc hiện đại.

Công trình phía trước đã tháo dỡ là một kiến trúc tốt, đã vào sách kiến trúc Việt Nam có dấu ấn với nhiều thế hệ. Theo ông, công trình cũ cũng có thể tháo dỡ, thay thế bằng cái cần hơn, tốt hơn... (Nhà thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh xây năm 2017 là một ví dụ).

Tuy nhiên, vị Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Thái Nguyên cũng cho rằng: Khi làm lưu ý phương án ứng xử (Luật đã quy định: Bản quyền, thi tuyển... để đảm bảo có một tác phẩm kiến trúc tốt trên trục đường trung tâm thành phố Thái Nguyên...).

Thiếu nhi như những mầm non cần được chăm sóc để có thể phát triển thành cây to, khỏe mạnh. Người có nhà, chim có tổ. Nhà thiếu nhi giống như một “tổ ấm” là nơi các em được nuôi dưỡng, dạy dỗ, vui chơi. Tuổi thơ cần được học hành, vui chơi là ước muốn của gia đình, xã hội cho các em trưởng thành như những cánh diều bay cao, bay xa. Từ những ý tưởng đó, nhà thiếu nhi là công trình được tổ hợp bởi các hình khối, đường nét kiến trúc hài hòa, phù hợp với lứa tuổi…

thai nguyen ro hon ve cong trinh nha thieu nhi bi che boi kien truc khong bang cu
Nhà điều hành cũ của nhà thiếu nhi Thái Nguyên đã được phá dỡ.
thai nguyen ro hon ve cong trinh nha thieu nhi bi che boi kien truc khong bang cu
Phối cảnh cải tạo mặt tiền rạp Măng Non - Nhà thiếu nhi Thái Nguyên.

Để có cái nhìn đa chiều, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc làm việc với ông Nguyễn Đức Lượng - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Thái Nguyên - Chủ đầu tư công trình.

Theo ông Lượng, ý kiến trái chiều của nhiều người về thẩm mỹ và kiến trúc của nhà thiếu nhi thành phố Thái Nguyên là do mới nhìn một phần của phối cảnh kiến trúc công trình do hạng mục nhà điều hành cũ buộc phải phá dỡ, còn bề mặt đang cải tạo chính là mặt tiền của rạp Măng Non được nối ráp với nhà điều hành cũ.

Theo dự kiến, phía trước rạp Măng Non cải tạo hiện nay sẽ có một công trình xây dựng mới. Năm 2017, UBND thành phố Thái Nguyên đã lập đề xuất dự án tổ hợp vui chơi giải trí nhà thiếu nhi Thái Nguyên theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết: Ngày 28/10/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc đã ký Quyết định số 2822/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất nhà thiếu nhi Thái Nguyên gồm: Cải tạo, nâng cấp nhà điều hành (công trình do kiến trúc sư Tạ Trường Xuân thiết kế) rạp Măng Non, khu bể bơi; xây mới nhà lớp học 2 tầng, nhà để xe và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy - học với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng.

Trong khi dự án đang xúc tiến, thì tháng 10/2017, UBND thành phố Thái Nguyên đề xuất dự án tổ hợp vui chơi giải trí nhà thiếu nhi Thái Nguyên theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Ngày 17/11/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Văn bản số 5222/UBND-QHXD gửi Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên xin chủ trương điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình: Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất nhà thiếu nhi Thái Nguyên.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị điều chỉnh hạng mục nhà điều hành từ cải tạo, sửa chữa sang xây mới với kinh phí dự kiến tăng thêm khoảng 9,2 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư của toàn dự án lên gần 40 tỷ đồng.

Gần một năm sau, ngày 06/11/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc đã có Văn bản chỉ đạo số 4514/UBND-TH, đồng ý giao UBND thành phố Thái Nguyên thực hiện các thủ tục nghiên cứu, khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổ hợp vui chơi giải trí nhà thiếu nhi Thái Nguyên theo hình thức đối tác công tư (PPP). Văn bản này chỉ có hiệu lực đến đầu tháng 5/2019.

Với những quy định mới từ Bộ Tài chính về PPP, cùng với việc nghiên cứu không khả thi, có vẻ như dự án tổ hợp vui chơi giải trí nhà thiếu nhi Thái Nguyên theo hình thức PPP được tạm thời… quên đi.

Ngày 07/10/2019, Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên lúc bấy giờ là ông Lê Quang Tiến (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên từ tháng 11/2019) đã ký Quyết định số 8126/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình: Cải tạo mặt tiền rạp Măng Non và xây dựng, lắp đặt các hạng mục phụ trợ nhà thiếu nhi Thái Nguyên.

Theo quyết định này, phá dỡ toàn bộ khu nhà điều hành cũ gồm 16 phòng học năng khiếu và nhà câu lạc bộ Aerobic; Cải tạo mặt tiền rạp Măng Non sau khi phá dỡ nhà điều hành cũ, bố trí thêm sảnh, phòng chờ, cầu thang và hệ thống biển hiệu nhận diện của nhà thiếu nhi; Đổ sân bê tông và lát gạch bổ sung vào những vị trí sân xuống cấp tại nhà thiếu nhi, bổ sung thêm hệ thống cây xanh cảnh quan và bồn hoa; Bổ sung thêm trang thiết bị cho nhà điều hành mới (đã được xây dựng phía sau rạp Măng Non). Tổng mức đầu tư dự kiến trên 3,5 tỷ đồng.

thai nguyen ro hon ve cong trinh nha thieu nhi bi che boi kien truc khong bang cu
Nhà thiếu nhi Thái Nguyên nhìn từ đường Hùng Vương (Ảnh chụp 16h ngày 25/5).

Như vậy, có thể thấy rõ: Nghi ngại của dư luận về kiến trúc, thẩm mỹ nhà thiếu nhi Thái Nguyên nhìn từ đường Hùng Vương là có cơ sở. Cổng chính với hình tượng búp măng đã được phá dỡ, xây rào; còn cổng phụ nay đã được cải tạo trở thành đường vào chính của nhà thiếu nhi Thái Nguyên với hình tượng mới, mà bạn đọc có thể nhận diện trên hình ảnh chúng tôi ghi lại chiều 25/5.

Có thể, sau khi hoàn thiện sân bê tông, lát gạch bổ sung và có cây xanh cảnh quan, bồn hoa… góc nhìn sẽ được cải thiện hơn. Song hàng rào và công trình kiến trúc ấn tượng bao năm qua, thiết nghĩ sẽ rất khó phai mờ trong tâm trí người dân Thái Nguyên bởi sự thiếu tinh tế từ hàng rào, cổng… xây mới của nhà thiếu nhi hiện nay.

Thái Nguyên Nhân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load