Thứ sáu 15/11/2024 01:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Thái Nguyên: Quy hoạch theo hướng phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

17:44 | 27/07/2022

(Xây dựng) - Sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tỉnh từ tháng 5/2020, tỉnh Thái Nguyên đã bắt tay triển khai các nhiệm vụ cần thiết để xây dựng một bản quy hoạch có tầm nhìn đổi mới, thể hiện khát vọng phát triển của trung tâm vùng trung du miền núi phía Bắc, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương xanh, thông minh.

thai nguyen quy hoach theo huong phan dau tro thanh thanh pho truc thuoc trung uong
Các lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch.

Với tinh thần nghiêm túc, cầu thị, tỉnh Thái Nguyên đã tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, các tỉnh bạn, các tầng lớp nhân dân để hoàn thiện bản Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch tỉnh được phê duyệt là cơ sở quan trọng để Thái Nguyên là một trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du miền núi Bắc bộ và vùng Thủ đô Hà Nội; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng và là nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.

thai nguyen quy hoach theo huong phan dau tro thanh thanh pho truc thuoc trung uong
Thái Nguyên là tỉnh đạt tỷ lệ đồng thuận cao nhất (100%) trong số 7 tỉnh đã được thông qua Quy hoạch.

Trong xu thế chung của thế giới và của đất nước, việc lập quy hoạch đòi hỏi phải thực hiện đồng thời, đồng bộ, tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực theo phương pháp mới. Đây cũng là một nhiệm vụ rất khó, mới và quan trọng, quyết định đến việc phát triển nhanh, bền vững của địa phương. Qua đó, tỉnh có thể đánh giá lại quá trình phát triển, thấy được kết quả, thành tựu và cả những yếu kém chưa làm được hoặc làm chưa hết, đặc biệt là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Việc lập quy hoạch tỉnh Thái Nguyên sẽ mang lại những chiến lược mới, có tư duy, tầm nhìn mới để bố trí lại không gian phát triển, có sự bổ trợ lẫn nhau, tạo hiệu quả nhất.

Thái Nguyên có vị trí địa lý quan trọng, có tầm chiến lược, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các vùng; quỹ đất phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ khá lớn; dân số tăng trưởng nhanh; hạ tầng giao thông thuận lợi trong việc kết nối với các vùng; là một trong những trung tâm công nghiệp, giáo dục, y tế quan trọng của vùng và cả nước; Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị đoàn kết, vững mạnh. Tuy nhiên, Thái Nguyên có kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, hiện đại; hệ thống giao thông đã được đầu tư phát triển nhưng chưa hoàn thiện; việc phát triển dịch vụ, du lịch và nghỉ dưỡng chất lượng cao còn hạn chế; chất lượng mỹ quan đô thị chưa cao, chưa có bản sắc rõ ràng; liên kết vùng còn hạn chế….

Chính vì vậy, quan điểm, mục tiêu phát triển của tỉnh là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, ấm no, hạnh phúc, thân thiện, bền vững, trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh ở miền Bắc. Đáng chú ý, đến năm 2050: Phấn đấu đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương: Xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng.

Tỉnh sẽ tổ chức không gian phát triển theo 2 vùng: Vùng I: Bắc Thái Nguyên gồm các huyện (Định Hóa, Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai) với diện tích 2.167km2; Vùng II: Nam Thái Nguyên, là vùng động lực, bao gồm (thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thành phố Phổ Yên, thị xã Đại Từ và thị xã Phú Bình) với diện tích 1.359km2. Trong đó, định hướng phát triển mạng lưới giao thông; các khu, cụm công nghiệp; sân golf, khu dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng.

thai nguyen quy hoach theo huong phan dau tro thanh thanh pho truc thuoc trung uong
Tiến sỹ Nguyễn Huy Dũng - nguyên Phó Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Quy hoạch của tỉnh Thái Nguyên mang tính khoa học, chặt chẽ, đầy đủ tính pháp lý và chất lượng”.

Tiến sỹ Nguyễn Huy Dũng - nguyên Phó Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: “Trong điều kiện quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thực hiện mà chưa có quy hoạch quốc gia hoặc quy hoạch vùng thì đây là sự cố gắng và quyết tâm rất lớn của tỉnh”. Còn Thạc sỹ Phạm Văn Liêm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương thì cho biết: Đây là lần thứ hai ông cho ý kiến vào bản Quy hoạch của Thái Nguyên và đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo, sự tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung, giải trình nghiêm túc của lãnh đạo tỉnh để hoàn thiện bản Quy hoạch. Đây là một trong những bản Quy hoạch có chất lượng tốt, khoa học, có số liệu minh chứng, giải trình đầy đủ, qua đó thể hiện khát vọng phát triển của tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tiếp theo.

Nhờ sự vào cuộc của tập thể lãnh đạo tỉnh, đóng góp trí tuệ của nhiều nhà trí thức, các tầng lớp nhân dân, bản Quy hoạch của tỉnh Thái Nguyên đạt được sự đồng thuận, nhất trí rất cao của Hội đồng thẩm định quy hoạch. Trong số 27 phiếu đánh giá thì có đến 8 phiếu đồng ý thông qua mà không cần chỉnh sửa; 19 phiếu nhất trí thông qua nhưng có đề nghị chỉnh sửa, bổ sung theo ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch.

Theo số liệu thống kê, trong số 7 tỉnh đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua trước đó, Thái Nguyên đạt được số phiếu tán thành cao nhất (100%). Đại diện các bộ, ngành đều đánh giá rất cao sự cầu thị, nghiêm túc của tỉnh khi xây dựng một bản quy hoạch chi tiết, ngắn gọn, cụ thể, súc tích nhưng rất đồng bộ, hiệu quả; đáp ứng mục tiêu, đảm bảo tính khả thi và yêu cầu của thực tiễn.

thai nguyen quy hoach theo huong phan dau tro thanh thanh pho truc thuoc trung uong
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao chất lượng công tác lập Quy hoạch của tỉnh Thái Nguyên.

Đánh giá rất cao bản Quy hoạch của tỉnh Thái Nguyên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác lập Quy hoạch tỉnh một cách bài bản, khoa học, công phu, có cách tiếp cận tốt và tiếp thu đầy đủ các ý kiến với tinh thần cầu thị. Thái Nguyên là tỉnh đạt tỷ lệ đồng thuận cao nhất (100%) trong số 7 tỉnh đã được thông qua Quy hoạch.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Thái Nguyên có cách tiếp cận, phương pháp tốt. Với bản Quy hoạch này, tỉnh Thái Nguyên chắc chắn sẽ có bước phát triển vững chắc khi đã được nhận diện con đường đi trong tương lai. Với kinh nghiệm công tác, Bộ trưởng cho rằng, các tỉnh, thành phố nào sớm lập quy hoạch thì địa phương đó sẽ có sự phát triển đồng bộ, vững chắc. Tuy nhiên, với tiềm năng, vị trí, vai trò là trung tâm vùng trung du miền núi phía Bắc, là cực tăng trưởng của vùng, Thái Nguyên cần táo bạo hơn, đột phá hơn, mạnh dạn nắm bắt các cơ hội, lĩnh vực ưu tiên phát triển. Cần chuyển sang giai đoạn mới là chủ động kiến tạo để phát triển, quyết định tương lai của tỉnh. Trong đó, chú trọng đến cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số để tạo ra động lực phát triển mới.

Nghị quyết về việc thông qua Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời ký 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là cơ sở để định hướng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh; là nền tảng để xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, đồng thời mở ra nhiều cơ hội, động lực mới để khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của tỉnh, của vùng nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới.

Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên gồm có 6 phần bao gồm: Quá trình triển khai thực hiện; phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện đặc thù; thực trạng phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch; báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.

Việt Hoan – Thanh Mai (Ảnh: thainguyen.gov.vn)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load