Thứ sáu 08/11/2024 03:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Thái Nguyên: Quy hoạch để… tắc đường?

11:32 | 19/03/2021

(Xây dựng) - Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông tại thành phố Thái Nguyên thời gian gần đây được cho là từ quy hoạch và thay đổi quy hoạch xây dựng.

thai nguyen quy hoach de tac duong
Nút giao đường Bắc Kạn với đường Bắc Sơn và cầu Gia Bảy luôn trong tình trạng “mạnh ai nấy đi”.

Vài năm trở lại đây, tình trạng ùn ứ giao thông thậm chí tắc đường vào các giờ cao điểm không còn hiếm gặp tại thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên).

Là trung tâm lớn thứ ba cả nước về y tế và giáo dục với một Bệnh viện đa khoa Trung ương, bảy Trường Đại học đóng trên địa bàn; kinh tế - xã hội phát triển nhanh, nhu cầu đi lại của nhân dân rất lớn, mật độ phương tiện tham gia giao thông trên đường gia tăng từng ngày, cho nên tại một số nút giao như: Tuyến đường Hoàng Văn Thụ - Quang Trung - Việt Bắc, nút giao đường Thống Nhất - Phan Đình Phùng - Việt Bắc, đảo tròn Đồng Quang, nút giao đường tròn Tân Long, nút giao đầu cầu Gia Bảy... Những hôm thời tiết xấu hay giờ cao điểm thường xuyên xảy ra ùn ứ, thậm chí tắc đường.

Nguyên nhân thì có nhiều như: Phương tiện giao thông tăng hằng ngày, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người dân còn chưa cao; tổ chức giao thông còn bất cập…

Thế nhưng, từ góc nhìn xây dựng, một nguyên nhân ít được để ý đến khi tình trạng tắc đường tại thành phố Thái Nguyên ngày càng gia tăng là do quy hoạch và xây dựng.

Trước hết, đó là tình trạng gia tăng đột biến lượng người và phương tiện bởi sự xuất hiện của nhiều Khu dân cư, Khu đô thị mới. Người ta chú trọng nhiều đến khả năng thanh khoản của thị trường bất động sản hơn là việc sẽ đi lại như thế nào. Trong khi đó, ngoài tuyến đường Việt Bắc (giai đoạn 1), cầu Bến Tượng… về cơ bản 5 năm qua thành phố Thái Nguyên chưa có thêm tuyến đường mới nào được đưa vào sử dụng.

Tuyến đường Bắc Sơn đoạn từ cầu Gia Bảy đến đường Lương Ngọc Quyến gắn biển chào mừng thành lập thành phố Thái Nguyên từ năm 2012 đã có thể đi lại, nhưng đến nay nhà đầu tư vẫn chưa thể bàn giao cho địa phương. Trong khi đó, kỳ vọng về đoạn Bắc Sơn kéo dài nối từ đường Lương Ngọc Quyến vào đường Tố Hữu đi khu du lịch Hồ Núi Cốc đã chậm tiến độ hơn 1 năm nay… muốn di chuyển vào khu vực phía Tây thành phố duy nhất có trục đường Hoàng Văn Thụ - Quang Trung là thuận lợi.

Tuy nhiên, ngay tại nút giao đường tàu Đồng Quang đã có “vấn đề” bởi giữa 2 ngã tư liền nhau (ngã tư đường Việt Bắc - đường Quang Trung và ngã tư đường Quang Trung - với một bên là đường vào Sở Giao thông Vận tải và một bên là đường vào Khu dân cư tổ 1 phường Đồng Quang) lại có tuyến đường sắt Thái Nguyên - Hà Nội chạy song song. Trong khi đoạn bên Sở Giao thông Vận tải khá thông thoáng với 2 làn đường một chiều thì tiếp giáp với đường Việt Bắc nút thắt đường Quang Trung chỉ còn lại chưa đầy ½.

Chưa hết sự khó chịu vì đường hẹp thì ngay lập tức lại có một ngã tư “lệch” đầu dốc Z159 với vòng cua gần như 180 độ nếu đi từ đường Quang Trung vào đường Ga.

Tại nút giao với đường Z115, đường Phú Thái và đường vào Khu đô thị Hoàng Gia trên trục đường Quang Trung thể hiện rõ nhất câu chuyện tắc đường do quy hoạch xây dựng bởi sự cố ý của một số người có chức vụ và sự tắc trách của những cơ quan có trách nhiệm. Theo quy hoạch ban đầu, tại đây chỉ có ngã ba Quang Trung rẽ vào đường Z115, sau đó là ngã ba rẽ vào đường Phú Thái.

Cũng theo quy hoạch ban đầu, Khu đô thị Hoàng Gia có lối vào, ra chính từ phía đường Phú Thái. Tuy nhiên, nhà đầu tư dưới sự trợ giúp của người anh trai nguyên là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã cùng các ngành “điều chỉnh” quy hoạch lối vào cho Khu đô thị Hoàng Gia trực tiếp từ trục đường Quang Trung.

Điều đáng nói là do đã xây dựng tòa nhà Hoàng Gia Plaza trước đó, nên khi đấu nối với đường Quang Trung lối vào Khu đô thị Hoàng Gia lại không thể tạo với lối rẽ vào đường Z115 để trở thành ngã tư thông suốt. Vì thế, chỉ trong chưa đầy 100m chiều dài của tuyến đường Quang Trung tại đây đã có tới 3 ngã 3 và cơ quan chức năng đã phải làm đèn tín hiệu giao thông kiểu “không giống ai” ở khu vực này!

Theo ước tính của chúng tôi, không lâu nữa khi khu chung cư TECCO Thịnh Đán với 6 tòa nhà cao 32 tầng - cách nút giao này chỉ vài trăm mét - đưa vào sử dụng thì khả năng ách tắc giao thông tại tuyến đường Hoàng Văn Thụ - Quang Trung cũng như nút giao với Khu đô thị Hoàng Gia- Z115 - Phú Thái sẽ còn tăng lên.

thai nguyen quy hoach de tac duong
Nút giao đường Quang Trung - đường Z115 - Khu đô thị Hoàng Gia trở nên “khập khiễng” vì điều chỉnh quy hoạch?

Di chuyển về phía Nam thành phố Thái Nguyên, chưa kịp vui sau khi vượt qua ngã 5 - ngã 6 Đệ Điệp (Hùng Vương - Phan Đình Phùng…) hay ngã tư điện máy (Cách mạng tháng 8 - Phan Đình Phùng) thì gặp ngay ngã 3 “không giống ai” với lối mở đi lên đường Cách mạng tháng 8 từ đường Hùng Vương, tiếp đó chỉ vài chục mét là lối rẽ trái vào Trung tâm y tế thành phố và lối rẽ ngược vào đường Hùng Vương…

Xa hơn một chút là khu vực đường tròn Tân Long - cửa ngõ phía Bắc vào thành phố Thái Nguyên cũng thường xảy ra ùn tắc bởi nút giao kết thúc cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên này khá nhỏ. Nếu phương tiện muốn đi tiếp tuyến BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (hay ngược lại) đều phải vòng xuyến vào Quốc lộ 3 cũ đi thêm hơn 200 mét nữa.

Không những thế, tại khu vực đường tròn Tân Long còn có điểm đón trả khách đi xe ô tô bus, xe ô tô khách đường dài dẫn theo sự xuất hiện của việc họp chợ, bày bán hàng trên vỉa hè càng làm cho giao thông lộn xộn, nguy cơ ùn ứ và xảy ra tai nạn cao…

Cách đây ít năm, khi thi công tuyến BOT Thái Nguyên - Chợ Mới chúng tôi đã từng đặt vấn đề: Tại sao không đấu nối trực tiếp với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (nhà đầu tư gọi tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới là “tiền cao tốc”) nhưng không có được câu trả lời thỏa đáng từ cả nhà đầu tư lẫn cơ quan chức năng.

Ở khu vực phía Đông thành phố, sự xuất hiện của cầu Bến Tượng giúp cho giải tỏa phần nào lưu lượng người - phương tiện ra vào khu vực trung tâm nhưng cũng không thể giải quyết ách tắc cũng như mất an toàn tại nút giao cầu Gia Bảy với đường Bắc Kạn.

Tại nút giao này đã hình thành một ngã tư mà chúng tôi tạm gọi là không đồng nhất khi đường Bắc Sơn chưa bàn giao, còn cầu Gia Bảy khá nhỏ, hẹp. Vì thế không thể tạo thành nút giao có đèn tín hiệu giao thông - đồng nghĩa với việc trừ khi có lực lượng chức năng điều tiết còn “mạnh ai nấy đi” dẫn đến nhiều xung đột và tai nạn đáng tiếc đã xảy ra.

Để khắc phục tình trạng ùn ứ, tắc đường trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, gần đây lực lượng chức năng của thành phố và tỉnh đã triển khai điều tiết trực tiếp với sự tham gia của các lực lượng công an và dân quân địa phương; lắp hệ thống camera để giám sát, xử lý vi phạm giao thông…

Tuy nhiên, theo chúng tôi, dù tình trạng ùn ứ đã được cải thiện nhưng đó cũng chỉ là các giải pháp mang tính tạm thời. Muốn có sự căn cơ, lâu dài cần phải có những giải pháp mang tính đột phá về xây dựng hạ tầng giao thông, trong đó đặc biệt coi trọng thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn, quy chuẩn khi quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch xây dựng đường, khu dân cư, khu đô thị và các công trình có quy mô.

Mới đây nhất, ngày 16/3, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chủ trì buổi làm việc giữa các Sở, ngành, thành phố Thái Nguyên và doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường để bàn các nội dung liên quan đến việc triển khai phương án thiết kế, thi công đoạn nút giao đường Bắc Sơn kéo dài với đường Lương Ngọc Quyến.

Theo đó, nhiều khả năng thiết kế tại điểm đầu của dự án đường Bắc Sơn kéo dài (khu vực nút giao với đường Lương Ngọc Quyến) bố trí 1 đảo tròn phân luồng giao thông đã được duyệt sẽ được “điều chỉnh” thành ngã 5 có đèn tín hiệu giao thông.

Chưa biết hiệu quả hay hậu quả, nhưng rõ ràng với kiểu “điều chỉnh” quy hoạch, “điều chỉnh” thiết kế đã phê duyệt - tức là đã được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng sẽ luôn biến quy hoạch, thiết kế trước đó trở thành… mớ giấy lộn! Quả là đau xót lắm thay!

Thái Nguyên Nhân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load