(Xây dựng) - Việc giao quyền tự chủ cho các bệnh viện dường như đã khởi động một cuộc “chạy đua” nâng cấp chất lượng y tế. Trong đó, “nóng” nhất là cuộc đua nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang bị máy móc y khoa hiện đại và đưa công nghệ điều trị hàng đầu về đã tạo điều kiện hưởng lợi cho người bệnh tại Thái Nguyên và khu vực.
Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh chất lượng cao tại địa phương. |
Đi đầu phải kể đến Bệnh viện hạng I thuộc Bộ Y tế: Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ để phục vụ người dân các tỉnh miền núi Đông Bắc của tổ quốc.
Hiện nay, Bệnh viện có quy mô 1.300 giường bệnh kế hoạch và 1.700 giường bệnh thực kê, 55 đơn vị trực thuộc với hơn 1.300 thầy thuốc, cán bộ và nhân viên y tế chất lượng cao. Trong đó có 459 bác sĩ được đào tạo chuyên ngành, chuyên sâu (11 PGS, TS; 84 TS/bác sĩ CKII; 288 thạc sĩ/CKI, 136 bác sĩ).
Hằng ngày, Bệnh viện đón tiếp, điều trị từ 1.300-2.000 bệnh nhân. Đến nay, Bệnh viện đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình quản lý, khám chữa bệnh; phần mềm quản lý tài chính, quản lý thuốc và hóa chất…
Kết quả điều trị nội trú, ngoại trú hằng năm của Bệnh viện đều tăng từ 105 đến 118%; quy mô khám bệnh ngoại trú tăng từ 150-200%; số ca phẫu thuật và thủ thuật hằng năm đều tăng.
Nhiều kỹ thuật phức tạp khác được triển khai và đi vào thường quy như: phẫu thuật nội soi ổ bụng, sọ não, xương khớp, cột sống, ứng dụng các kỹ thuật hiện đại trong gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh và các xét nghiệm cận lâm sàng hiện đại góp phần chẩn đoán và điều trị hiệu quả cho người bệnh.
Ngày 11/9/2020, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chính thức khai trương và đưa vào sử dụng Trung tâm khám chữa bệnh từ xa với sự đồng hành của VMED Group.
Sau khi hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng Tòa nhà Kỹ thuật nghiệp vụ 15 tầng, trên diện tích 1.570m2, với quy mô 250 giường bệnh, gồm các khoa chẩn đoán hình ảnh, sinh hóa, vi sinh, GPB, phòng mổ, khu cấp cứu ngoại khoa… Mới đây, Bệnh viện đã tổ chức Lễ cắt băng khánh thành cụm công trình Trung tâm Sản phụ khoa dịch vụ chất lượng cao; Trung tâm tạo hình thẩm mỹ; Khu xạ trị gia tốc kỹ thuật cao; thăm, tặng quà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Với những nỗ lực đó, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và quyết tâm trở thành Bệnh viện hạng đặc biệt trong giai đoạn 2020-2022. Ở tuyến tỉnh, Bệnh viện A Thái Nguyên từ nhiều năm nay đã trở thành điển hình trong phát triển y tế địa phương.
Được tỉnh giao nhiệm vụ phát triển mạnh mũi nhọn chuyên sâu sản- nhi nên từ 2010 Bệnh viện A đã đầu tư xây dựng 2 công trình mới là Công trình mở rộng bệnh viện và công trình nâng cấp cơ sở hạ tầng bệnh viện hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2015.
Đến nay, tổng diện tích xây dựng của toàn Bệnh viện đạt trên 28.000m2. Hệ thống phòng ốc phục vụ công tác khám chữa bệnh đảm bảo về kết cấu, các công trình phụ khép kín, có điều hòa, hệ thống thang máy phục vụ vận chuyển người bệnh, hệ thống cung ứng điện nước đảm bảo, hệ thống sân đường, vườn hoa cây xanh đảm bảo môi trường xanh sạch đẹp an toàn cho người bệnh.
Đặc biệt khoa Khám bệnh được bố trí khép kín, liên hoàn, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, các kỹ thuật cận lâm sàng cũng được triển khai tại khoa khám bệnh đảm bảo người bệnh đến khám được thuận tiện, nhanh chóng, công bằng, chất lượng.
Ngoài ra khoa điều trị chất lượng cao với các dịch vụ kỹ thuật hiện đại, cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn khách sạn bệnh viện sẽ đi vào hoạt động trong năm 2016 đảm bảo phục vụ người bệnh với chất lượng cao nhất.
Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên giai đoạn II có tổng mức đầu tư 427 tỷ đồng được khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 8/2020. |
Trong số các Bệnh viện tư nhân, sự có mặt của Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên từ năm 2014 đã dần đưa đơn vị này trở thành Bệnh viện y tế tư nhân khang trang, hiện đại hàng đầu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và toàn miền Bắc với 2 bệnh viện: Bệnh viện Quốc tế Thái nguyên và Bệnh viện Đa khoa Yên Bình Thái Nguyên
Năm 2020 được đánh giá là năm có sự phát triển đột phá của Công ty, khi công trình Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên giai đoạn II của Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (tại phường Đồng Quang, thành phố Thái Nguyên) có tổng mức đầu tư 427 tỷ đồng được khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 8/2020, với tổng diện tích sàn xây dựng 23.000m2. Công trình được thiết kế và xây dựng hiện đại, đồng bộ từ các phòng tiếp đón, khám bệnh đủ điều kiện khám cho khoảng 1.000 bệnh nhân/ngày. Chỉ sau 2 tháng đi vào hoạt động, số lượt bệnh nhân đến khám đạt trên 50.600 lượt.
Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao, công ty đã tiến hành đầu tư hệ thống các phòng điều trị với sức chứa lên đến 600 giường bệnh, hệ thống máy móc, thiết bị y tế hiện đại như: Hệ thống chụp cộng hưởng từ 0.3 tesla, Hệ thống chụp cắt lớp vi tính 64 dãy, các máy siêu âm 4D, 5D, hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học, miễn dịch tự động, máy nội soi chẩn đoán và can thiệp... Những thiết bị hiện đại đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân an tâm, hài lòng khi đến khám bệnh và sử dụng dịch vụ tại Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên.
Cũng trong lĩnh vực y tế tư nhân, sau khi chính thức thuê cơ sở hạ tầng mới, Bệnh viện đa khoa Trung tâm Thái Nguyên cũng đã có nhiều thay đổi về chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh trên địa bàn.
Mặc dù đã hoàn tất xây dựng công trình cao tầng đã lâu tại phường Phan Đình Phùng, nhưng đến nay ý tưởng xây dựng bệnh viện tại tòa nhà POMYHOA của Doanh nghiệp tư nhân Trung tâm dịch vụ thương nghiệp và xây lắp vẫn chưa thành hiện thực do còn vướng mắc về nhiều thủ tục.
Bên cạnh đó, hệ thống y tế huyện, xã, phường, thị trấn tại Thái Nguyên duy trì tốt công tác phòng bệnh và khám chữa bệnh, 100% xã đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; 100% trạm y tế tuyến xã ứng dụng phần mềm quản lý y tế xã kết nối toàn ngành trong khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế, thực hiện phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Công tác xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011– 2020 được đẩy mạnh, đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã có 171/178 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, chiếm 96,1%.
Tuy nhiên, bên cạnh một số bệnh viện, cơ sở y tế có ý thức nâng cao chất lượng khám chữa bệnh từ việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thiết bị, con người như chúng tôi đã đề cập ở trên, tại Thái Nguyên vẫn còn nhiều bệnh viện chưa chú trọng đến hoạt động này.
Đối với các Bệnh viện công lập vẫn còn nhiều đơn vị có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào nguồn ngân sách. Trong khi đó, với một số bệnh viện tư nhân vẫn đang bằng lòng với việc chủ yếu khám bảo hiểm y tế, điều trị bệnh thông thường…
Có thể thấy, bên cạnh nguồn nhân lực giỏi, hệ thống máy móc thiết bị hỗ trợ hiện đại và thông minh “cuộc đua” nâng cấp hệ thống hạ tầng, thiết bị y khoa tân tiến đã giúp nhiều bệnh viện lớn tại Thái Nguyên “giữ chân” người bệnh chính từ việc nâng cao chất lượng khám và điều trị.
Giờ đây, người dân tại Thái Nguyên và các địa phương lân cận đã có thể lựa chọn cho mình một cơ sở khám, chữa bệnh đáp ứng nhu cầu khang trang về cơ sở vật chất, tiên tiến về thiết bị y tế… mà không phải về Hà Nội.
Nguyễn Thành
Theo