(Xây dựng) - Kể từ 15/3/2023, UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ cho phép UBND cấp huyện tổ chức lập, điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị thuộc phạm vi quản lý.
Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đặt chỉ tiêu xây dựng huyện Định Hóa và huyện Đạt Từ đạt chuẩn nông thôn mới, đồng thời có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. |
Cụ thể, tại Quyết định số 02/2023/QĐ-UBND ký ban hành ngày 02/3 quy định về việc phân cấp lập, điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị; lập quy chế quản lý kiến trúc; phê duyệt, ban hành quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn trên địa bàn, UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép UBND cấp huyện lập quy chế quản lý kiến trúc thuộc phạm vi quản lý; phê duyệt, ban hành quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn sau khi HĐND cùng cấp thông qua.
Theo đó, Sở Xây dựng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức và hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện; đồng thời theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
UBND cấp huyện có tránh nhiệm: Thực hiện lập, điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị; lập quy chế quản lý kiến trúc; phê duyệt, ban hành quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn theo phân cấp, bảo đảm kịp thời, hiệu quả; chủ động cân đối nguồn kinh phí ngân sách địa phương hàng năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp nhằm phát huy, quyền tự chủ của chính quyền địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc trình HĐND cùng cấp thông qua quy chế quản lý kiến trúc. Hằng năm, báo cáo Sở Xây dựng về tình hình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan được phân cấp.
Trước đó, ngày 7/02/2023 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống.
Chỉ thị đánh giá: Tại các địa phương việc triển khai quy hoạch còn hạn chế, đặc biệt việc bảo vệ phát huy không gian kiến trúc truyền thống, bảo vệ di tích văn hóa lịch sử. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh, ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng ven đô, vùng nông thôn, dẫn đến sự thay đổi về mặt xã hội, văn hóa, lối sống ở nông thôn nhanh chóng tác động đến các vấn đề xây dựng.
Nhiều khu cận các đô thị phát triển một cách tự phát. Khu vực nông thôn, kiến trúc ngày càng mất bản sắc truyền thống, pha tạp, không phù hợp với cảnh quan tự nhiên, cấu trúc làng, xã và yêu cầu phòng chống thiên tai, các giá trị kiến trúc truyền thống chưa được chú trọng kế thừa và phát triển. Kiến trúc công trình công cộng, nhà ở theo tuyến và nhà ở phân tán không phù hợp với quy hoạch, địa hình tự nhiên, thiếu điểm nhấn, thiếu phân bố không gian hợp lý (giữa khu vực sản xuất, dân sinh, công trình công cộng, cây xanh). Các hoạt động sang nhượng, cắt chia thửa đất ở cùng với "bê tông hóa" trong xây dựng nhà ở mới xen cấy tự phát trong làng xã truyền thống làm thay đổi cấu trúc không gian kiến trúc trong làng xã các dân tộc truyền thống phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, cấu trúc làng xã. Việc triển khai Luật Kiến trúc và Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam còn chậm, các văn bản pháp luật nhiều điểm chưa phù hợp thực tế cả về nội dung chuyên môn đến nguồn lực thực hiện…
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Thái Nguyên, việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng và hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, hạ tầng, cảnh quan, môi trường nông thôn ngày càng thay đổi rõ nét, liên kết, hợp tác phát triển sản xuất có nhiều chuyển biến tích cực, số hợp tác xã tăng lên, quy mô lớn hơn, hiệu quả hoạt động cao hơn, hệ thống chính trị, an ninh trật tự nông thôn được ổn định, giữ vững.
Nguyễn Thành
Theo